|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân giao dịch thế nào khi VN-Index có nhịp giảm mạnh nhất 2 tháng?

16:40 | 22/10/2023
Chia sẻ
VN-Index đóng cửa tuần giao dịch 16 – 20/10 tại 1.108,03 điểm, giảm 46,7 điểm, tương đương mất 4,04% so với tuần trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất theo tuần trong 2 tháng gần đây.

Sau khi không vượt được kháng cự quanh khu vực 1.160 điểm, áp lực bán chủ động liên tục gia tăng trong tuần giao dịch 16 – 20/10 khiến VN-Index mất điểm nhanh chóng.

Trong các phiên giữa tuần, thị trường có thời điểm xuất hiện hiện tượng bán tháo khiến cho nhiều cổ phiếu giảm sàn. Thêm vào đó, việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn rổ VN30 liên tiếp giảm điểm, cũng tạo áp lực lớn về mặt chỉ số.

Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.108,03 điểm, giảm 46,7 điểm, tương đương mất 4,04% so với tuần trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất theo tuần trong 2 tháng gần đây.

Đà giảm về chỉ số diễn ra ở 4/5 phiên giao dịch trong tuần vừa qua với thanh khoản tăng/giảm đan xen. Tựu chung lại, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE đạt hơn 16.100 tỷ đồng, tăng gần 13% so với tuần trước đó, cho thấy thị trường chịu áp lực bán mạnh và chỉ dịu bớt trong phiên cuối tuần.

Trong bối cảnh thị trường kém sắc, NĐT cá nhân là bên bán ròng duy nhất qua kênh khớp lệnh, trong khi giao dịch mua ròng của khối tự doanh, tổ chức trong nước và khối ngoại góp phần nâng đỡ thị trường.

 

NĐT cá nhân tập trung bán ròng cổ phiếu nhóm ngân hàng, hóa chất

Trong tuần giao dịch vừa qua, nhà đầu tư cá nhân xả ròng 2.385 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng khớp lệnh 1.993 tỷ đồng.

Xét theo nhóm ngành, có 14/18 nhóm cổ phiếu bị rút ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới 886 tỷ đồng. Như vậy đã có sự đảo ngược vị thế giao dịch của các cá nhân khi cổ phiếu của nhà băng được mua ròng trong 2 tuần gần đây.

Xếp vị trí thứ 2 trong top bán ròng là cổ phiếu ngành hóa chất với 240 tỷ đồng. Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 216 tỷ đồng ở nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như bất động sản (181 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (108 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành điện, nước & xăng dầu khí đốt dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 60 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền cá nhân cũng tìm đến một số lĩnh vực như hàng cá nhân & gia dụng, bảo hiểm, y tế, truyền thông với giá trị thấp hơn.

 

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện STB của Sacombank với 333 tỷ đồng. Cùng thuộc nhóm ngân hàng, VPB và TCB cũng bị rút ròng với quy mô 252 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.

Kế đó, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng nằm trong danh mục rút ròng như FRT (125 tỷ đồng), GMD (120 tỷ đồng), DGC (113 tỷ đồng), GEX (92 tỷ đồng), VIX (91 tỷ đồng), PVD (84 tỷ đồng), ….

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VCI của Chứng khoán Vietcap vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 142 tỷ đồng cổ phiếu VCI, trái ngược so với lực xả từ phía nhà đầu tư nước ngoài (97 tỷ đồng) và tổ chức trong nước (44 tỷ đồng).

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu hoạt động trong quý III của đơn vị này đạt 667 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế ghi nhận 177 tỷ đồng, tăng 46%. Đây là kết quả tốt nhất trong 5 quý trở lại đây (quý I/2022 lãi sau thuế trên 300 tỷ đồng).

Cùng chiều, cổ phiếu VHM được gom ròng với giá trị 115 tỷ đồng. Hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các cổ phiếu MWG, MSN, NVL, BWE, LPB, PNJ, BID, VNM với quy mô dưới 100 tỷ đồng.

 

Tổ chức trong nước mua ròng gần 340 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh

Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội chỉ còn mua ròng nhẹ gần 33 đồng trên HOSE, trong đó họ mua ròng hơn 338 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước mua ròng 8/18 ngành, giá trị lớn nhất là ngân hàng với 165 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu hóa chất (143 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (94 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (40 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu rút khỏi các nhóm ngành như xây dựng & vật liệu (44 tỷ đồng), dầu khí (33 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (31 tỷ đồng), công nghệ thông tin (22 tỷ đồng), …

 

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước chứng kiến ở cổ phiếu STB của Sacombank. Mã này ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 94 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 77 tỷ đồng cổ phiếu GMD.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa trung bình như SZC (55 tỷ đồng), DGC (55 tỷ đồng) và EIB (51 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, không có cổ phiếu nào bị rút ròng trên 100 tỷ đồng tuần qua. Cổ phiếu VPB của VPBank bị bán ròng mạnh nhất với quy mô 69 tỷ đồng.

Kế đó, các đại diện đến từ nhóm chứng khoán (VCI), dầu khí (PVD), bán lẻ (MSN), thép (HSG), … cũng bị bán ròng với quy mô thấp hơn.

 

 

Thu Thảo