|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lời đe doạ đánh thuế khối BRICS của ông Trump quả thực có sức nặng, bằng chứng là đây

16:35 | 11/12/2024
Chia sẻ
Để ngăn chặn nhóm BRICS tạo ra một đồng tiền chung có thể đe doạ đồng USD, ông Trump đã đe doạ áp thuế quan lên nhóm các nền kinh tế đang phát triển này.

Đối tượng mới của ông Trump

Sau khi đe doạ áp thuế quan lên nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lần nữa dùng chiêu bài quen thuộc để nhắm đến một đối tượng khác. Lần này, rơi vào tầm ngắm của ông Trump là nhóm các nền kinh tế đang phát triển BRICS.

“Hãy bỏ ngay suy nghĩ nước Mỹ sẽ đứng im nhìn các nước BRICS cố gắng xa lánh đồng bạc xanh”, chủ nhân Nhà Trắng tương lai đăng tải trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 30/11.

“Mỹ yêu cầu các nước BRICS cam kết sẽ không tạo ra một đồng tiền mới hoặc ủng hộ bất kỳ đồng tiền nào khác thay thế đồng USD hùng mạnh, nếu không họ sẽ phải chịu mức thuế quan 100% và nên ngừng mơ mộng bán hàng vào nước Mỹ tuyệt vời”, ông nhấn mạnh.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023. (Ảnh: Getty Images).

BRICS là khối kinh tế chung thành lập vào năm 2011, gồm 5 thành viên chủ chốt là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đầu năm nay, Iran, UAE, Ethiopia và Ai Cập đã chính thức gia nhập - đánh dấu lần mở rộng đầu tiên của BRICS sau hơn một thập kỷ.

Mặc dù USD vẫn là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong hoạt động kinh doanh và thương mại toàn cầu, các nước BRICS như Nga và Trung Quốc đã kêu gọi khối này lật đổ vị thế của USD.

Hồi năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS ở Nam Phi, các nước thành viên cốt cáng nhất đã đề xuất phát triển một đồng tiền chung để đa dạng hoá khỏi đồng bạc xanh.

Quan hệ thương mại đôi bên sâu sắc

Liệu lời đe doạ thuế quan của ông Trump có làm lung lay ý định của BRICS? Dữ liệu thương mại giữa siêu cường số một thế giới và khối kinh tế đang lên có thể tiết lộ một vài manh mối.

Tính chung 10 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 2.713,8 tỷ USD hàng hoá, tăng khoảng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. 5 nước thành viên BRICS chiếm 17,9% tổng kim ngạch và phần còn lại chiếm đến 82,1%.

Cụ thể hơn, Trung Quốc là nhà cung ứng hàng hoá lớn nhất của Mỹ trong nhóm BRICS với tỷ trọng 13,4%. Xếp sau lần lượt là Ấn Độ với tỷ trọng 2,7%, Brazil (1,3%), Nam Phi (0,4%) và Nga (0,1%).

 

Nhìn vào dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, có thể thấy lời đe doạ của ông Trump có sức nặng đáng kể với các nước BRICS, đặc biệt là hai thành viên tỷ dân Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai vào Mỹ với tổng kim ngạch 10 tháng đầu năm nay đạt 363,3 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1,8% và chỉ xếp sau Mexico.

Trung Quốc cũng là đối tác có thặng dư thương mại hàng hoá cao thứ hai với Mỹ. Thặng dư đã phình to lên mức 245,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, xét theo dữ liệu của phía Trung Quốc thì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế châu Á này tính theo quốc gia riêng lẻ, xếp trên Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Nga.

Theo dữ liệu năm 2023 của UN Comtrade, 5 nhóm mặt hàng Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc bao gồm thiết bị điện, điện tử (trị giá 126,7 tỷ USD); máy móc, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi (85,9 tỷ USD); đồ chơi, đồ thể thao,... (33,4 tỷ USD); nội thất, biển báo chiếu sáng,... (20,3 tỷ USD); và nhựa (20,1 tỷ USD).

 

Chỉ vài ngày trước khi phát thông điệp tới BRICS, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh mức thuế 25% với Mexico và Canada nhằm ngăn chặn lượng ma tuý đang được chuyển vào Mỹ.

Khi còn tranh cử tổng thống, ông Trump cũng từng đề cập đến việc áp thuế ít nhất 60% đối với hàng hoá Trung Quốc. Vậy nên, dù chủ nhân Nhà Trắng tương lai có thực sự nhắm tới BRICS hay không, Trung Quốc vẫn là mục tiêu mà nhà lãnh đạo 78 tuổi nhiều khả năng sẽ theo đuổi.

Tương tự với trường hợp của Trung Quốc, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ. Trong 10 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 73,2 tỷ USD hàng hoá và ghi nhận thâm hụt thương mại 38,3 tỷ USD với Ấn Độ.

Các mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu từ quốc gia đông dân nhất thế giới đa dạng hơn Trung Quốc. Số liệu của UN Comtrade chỉ ra doanh nghiệp Mỹ mua nhiều ngọc trai, đá quý từ Ấn Độ nhất, đạt kim ngạch hơn 12,3 tỷ USD.

Xếp sau đó là 4 nhóm mặt hàng gồm thiết bị điện, điện tử (12 tỷ USD); dược phẩm (gần 11 tỷ USD); máy móc, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi (6,6 tỷ USD); và nhiên liệu khoáng, dầu, sản phẩm chưng cất (5 tỷ USD).

 

Khác với hai nền kinh tế tỷ dân phía trên, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ của Brazil và Nam Phi khiêm tốn hơn, đặc biệt là Nam Phi.

Trong 10 tháng đầu năm nay, hai nước lần lượt xuất khẩu 34,5 tỷ USD và 11,8 tỷ USD hàng hoá sang Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cả hai sau Trung Quốc.

o năm ngoái, các sản phẩm hàng đầu mà Mỹ nhập khẩu từ Brazil là nhiên liệu khoáng, dầu, sản phẩm chưng cất (với giá trị khoảng 8,3 tỷ USD); sắt thép (4,6 tỷ USD); máy móc, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi (3,1 tỷ USD); máy bay, tàu vũ trụ (1,7 tỷ USD); và gỗ, sản phẩm từ gỗ, than củi (1,6 tỷ USD).

Trong khi đó, Mỹ chủ yếu mua từ Nam Phi ngọc trai, đá quý (với kim ngạch đạt khoảng 2,9 tỷ USD); các phương tiện giao thông không bao gồm tàu hoả, xe điện mặt đất (1,2 tỷ USD); và nhôm (gần 600 triệu USD).

 

Giữa Brazil và Nam Phi có một điểm chung khác nếu xét đến các đối tác nhập khẩu hàng hoá của hai nước. Tính theo số liệu năm 2023, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của cả hai, xếp sau một cái tên không xa lạ gì là Trung Quốc.

Các sản phẩm chính mà Mỹ xuất khẩu sang Brazil là dầu thô, khí đốt và nhiên liệu. Trong khi đó, bên cạnh các thiết bị máy móc và dầu mỏ, sản phẩm Nam Phi nhập khẩu nhiều nhất từ Mỹ là sách báo với kim ngạch năm 2023 đạt hơn 1,7 tỷ USD.

Đáng chú ý, Brazil là thành viên BRICS duy nhất báo cáo thâm hụt thương mại với Mỹ. Cán cân thương mại hàng hoá giữa Brazil và Mỹ đang âm 6,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay.

 

Trường hợp ngoại lệ

Nga có lẽ là trường hợp ngoại lệ trong nhóm 5 nước nòng cốt của BRICS bởi xét theo cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu, Mỹ đều không phải là đối tác thương mại hàng hoá lớn của Nga.

Trong 10 tháng đầu năm nay, Nga xuất khẩu 2,7 tỷ USD hàng hoá sang Mỹ (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước) và ghi nhận thặng dư khiêm tốn nhất trong nhóm BRICS ở mức 2,3 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga là dầu thô, khí đốt, một số sản phẩm dầu mỏ khác; lương thực; phân bón. Đa phần các mặt hàng này Mỹ đều có thể tự sản xuất.

Đặc biệt, vì là nước xuất khẩu ròng dầu thô, Mỹ càng không cần nguồn cung của Nga. Đây có thể là một trong những lý do chính cho mối quan hệ thương mại yếu hơn giữa Mỹ và Nga.

 

Tóm lại, nhìn vào các dữ liệu thương mại nói trên có thể thấy ngoại trừ Nga, 4 nước thành viên BRICS còn lại đều có quan hệ thương mại mật thiết với Mỹ, thậm chí có thể nói là phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế số một thế giới. Do đó, lời đe doạ đánh thuế của ông Trump có sức nặng đáng kể với nhóm BRICS.

Tuy nhiên, ông Trump là một người khó đoán nên giới chuyên gia tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của nhà lãnh đạo 78 tuổi sẽ rất khó lường. Không ai biết chắc chắn vị tổng thống đắc cử sẽ thực hiện bao nhiều phần những lời đe doạ của mình, nhưng bản thân BRICS nên chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

Yên Khê