Vì sao ông Trump muốn mua Greenland và giá bao nhiêu là hợp lý?
Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã nói riêng với các trợ lý rằng Mỹ nên mua Greenland - vùng lãnh thổ độc lập của Đan Mạch - và yêu cầu họ nghiên cứu phương án này. Ý tưởng đó bị gác lại sau khi các quan chức hàng đầu của Greenland và chính phủ Đan Mạch nhiều lần khẳng định họ sẽ không bao giờ bán hòn đảo với bất kỳ giá nào.
Trước thềm nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã quay trở lại với đề xuất năm xưa. Vị tổng thống đắc cử viết trên mạng xã hội Truth Social vào cuối tuần trước: “Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy việc sở hữu và kiểm soát Greenland là điều cần thiết”.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới nằm ở vùng Bắc Cực, có diện tích 2.166.086 km2 và dân số vào khoảng 57.000 người. Nói rõ hơn, Greenland nằm trên lục địa Bắc Mỹ, ở phía đông bắc Canada, nhưng về mặt địa chính trị hòn đảo này là một phần của châu Âu và là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Tờ WashingtonPost cho biết Đan Mạch đã cai trị Greenland trong hơn 200 năm và đến giờ vẫn duy trì một số quyền kiểm soát đối với chính sách đối ngoại của hòn đảo này.
Ông Múte Bourup Egede, lãnh đạo chính quyền Greeland, lặp lại lập trường của những người tiền nhiệm rằng ý tưởng của ông Trump không có cơ hội thành hiện thực. Ông nhấn mạnh: “Greenland là của chúng tôi. Greenland không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán đi”.
Dưới đây là những câu hỏi đáng chú ý về lời kêu gọi nước Mỹ sở hữu Greenland của ông Trump:
Vì sao ông Trump nhắm đến Greenland?
Ông Trump cho biết việc sở hữu Greenland là mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ. Đối với quân đội Mỹ, Greenland có vị trí chiến lược cho các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa và giám sát không gian. Mỹ cũng đặt một căn cứ ở đây từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh.
Và theo tổ chức nghiên cứu Royal Society of Chemistry, Greenland sở hữu lượng lớn tài nguyên thiên nhiên quý giá bao gồm dầu mỏ và các loại khoáng chất đất hiếm như neodymium and dysprosium.
Ý tưởng mua Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từng nhận được sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ Tom Cotton. Hồi năm 2019, ông Cotton từng viết một bài bình luận trên tờ New York Times về lợi ích chiến lược khi mua Greenland, chỉ ra Trung Quốc từng cố gắng mua lại một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở đó và nhiều lần nỗ lực xây dựng sân bay trên hòn đảo này.
Quốc gia nào sở hữu Greenland?
Greenland là một phần của Đan Mạch. Theo website của chính phủ Đan Mạch, hòn đảo này được Đan Mạch cai trị từ đầu thế kỷ 18 cho đến năm 1979 và hiện nay chủ yếu là khu vực tự trị, ít nhất là về các vấn đề địa phương.
Greenland thông qua Đạo luật Tự quản vào năm 2009, trao cho chính quyền địa phương nhiều quyền kiểm soát hơn, nhưng vẫn giao các vấn đề chính sách ngoại giao và quốc phòng cho Đan Mạch.
Người Greenland là công dân Đan Mạch và có hai đại diện trong Quốc hội Đan Mạch. Đa số người Greenland là dân bản địa.
Greenland có đang bị rao bán?
Các quan chức Đan Mạch và Greenland khẳng định hòn đảo này không phải để bán.
Trước ông Trump, Mỹ đã bao giờ cố mua Greenland chưa?
Câu trả lời là “có”. Trong thập niên 1860, chính quyền cựu Tổng thống Andrew Johnson từng công bố một báo cáo cho thấy tài nguyên thiên nhiên của Greenland có thể biến nơi này thành một khoản đầu tư mang tính chiến lược đối với Mỹ, nhưng ý tưởng đó không thu hút được sự ủng hộ.
Không lâu sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, chính quyền cựu Tổng thống Harry S. Truman ra giá 100 triệu USD để mua Grenland.
Đối với Mỹ, việc mở rộng lãnh thổ bằng cách mua đất đai không phải ý tưởng mới lạ. Năm 1803, Mỹ mua 580 triệu mẫu đất từ Pháp với giá 15 triệu USD trong thương vụ được sử sách ghi lại là Louisiana Purchase. Gần 65 năm sau, Mỹ mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD.
Trong nhiều năm sau đó, những người hoài nghi chỉ trích thương vụ mua Alaska là nước đi “ngu ngốc” của cựu Ngoại trưởng William Seward. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị đảo ngược sau khi người ta phát hiện các mỏ vàng ở Alaska vài chục năm sau đó.
Greenland có thể đáng giá bao nhiêu?
Tờ Washington Post từng tính toán để xác định giá của Greenland vào năm 2019. Dựa trên số tiền Mỹ trả cho Nga để mua Alaska, Greenland có thể được định giá vào khoảng 200 triệu USD. Còn nếu dùng con số 100 triệu USD mà cựu Tổng thống Truman đề nghị năm 1946, giá chào mua năm 2019 tương ứng 1,4 tỷ USD.
Cả hai con số trên đều quá thấp. GDP năm 2019 của Greenland vào khoảng 3 tỷ USD, theo số liệu của Macrotrends.
Một cách tính khác có vẻ hợp lý hơn là xem xét Greenland như một công ty thuộc chỉ số S&P 500 và Washington Post ước tính mức giá của hòn đảo là 1.700 tỷ USD. Tờ báo này giả định “thu nhập” hàng năm của Greenland vào khoảng 2 tỷ USD (lấy GDP trừ đi các khoản trợ cấp từ Đan Mạch) và nhân với hệ số P/E mà Amazon đạt được vào năm 2016 là 847 lần.
Vì sao Washington Post lại dùng P/E của một công ty bán lẻ trực tuyến? Đơn giản là vì ông chủ của tờ báo này là Jeff Bezos và hệ số P/E cao ngất của ông lớn thương mại điện tử phản ánh kỳ vọng lớn lao của các nhà đầu tư vào Amazon - tương tự như kỳ vọng của Mỹ đối với các nguồn tài nguyên và vị trí chiến lược của Greenland.
1.700 tỷ USD thoạt nhìn có vẻ là con số lớn, nhưng chúng ta cần lưu ý rằng trong đại dịch COVID-19, Quốc hội Mỹ từng phê chuẩn gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế.
Nhưng dĩ nhiên, các con số trên hoàn toàn mang tính giả tưởng. Greenland không thể có một mức giá chính xác bởi hòn đảo này không phải để đem bán.