Làm ăn trong thời tiền đắt
Bức tranh toàn cầu ảm đạm
Thế giới bước sang năm 2023 và viễn cảnh suy thoái cũng gần hơn. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, CEO của JPMorgan, General Motors, Walmart, United Airlines và United Pacific cho biết doanh nghiệp của họ đều đang chuẩn cho khả năng kinh tế chững lại. Một số người đưa ra cảnh báo khá tối tăm về suy thoái.
Morgan Stanley cho biết sẽ cắt giảm 2% lực lượng lao động. Pepsico cũng bắt đầu đợt sa thải nhân viên nhằm chuẩn bị cho khả năng tình hình kinh tế vĩ mô trở nên xấu đi. Chuỗi bán lẻ lớn nhất Mỹ Walmart, hãng ô tô Ford hay hàng loạt các công ty công nghệ như Meta, Twitter, Amazon, Shopee đã công bố và tiến hành kế hoạch sa thải số lượng lớn nhân viên, The Wall Street Journal đưa tin.
Tiêu dùng đang yếu đi khi lạm phát và thất nghiệp gia tăng. “Một số khách hàng của chúng tôi đã chi tiêu dè sẻn hơn sau khi chịu áp lực lạm phát trong suốt nhiều tháng nay”, ông Doug McMillon, CEO Walmart cho hay.
Kinh tế thế giới đang trong thời kỳ đầy rẫy sự bất định. Biến số lần này không chỉ phụ thuộc vào FED, xung đột Nga – Ukraine mà sắp tới còn là vấn đề đảo ngược chính sách Zero Covid tại Trung Quốc.
Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại một phần chuỗi cung ứng khỏi đứt gãy, bùng nổ nhu cầu về hàng hoá thiết yếu và hỗ trợ các ngành hàng không, du lịch quốc tế. Tuy nhiên, một vấn đề khác lại phát sinh đó là áp lực kiểm soát lạm phát của nhiều quốc gia, đặc biệt tại Mỹ và Châu Âu sẽ lớn hơn trong năm 2023.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 16/12, ông Greg Jensen, Chuyên gia kỳ cựu của quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy thoái trong nhiều năm vì lạm phát lên cao khi nhu cầu ở Trung Quốc hồi phục.
Đồng Giám đốc đầu tư của Bridgewater cho rằng khi Trung Quốc nối lại hoạt động kinh tế, giá hàng hóa được dự báo sẽ tăng và làm trầm trọng thêm lạm phát ở phương Tây.
Các ngân hàng trung ương sẽ đối mặt với một bài toán nan giải: Kiên quyết chống lạm phát bất chấp suy thoái hay nới lỏng lãi suất để kích thích kinh tế và chấp nhận lạm phát cao, ông Jensen chỉ ra.
“Tin tốt” hiện nay là mức độ đòn bẩy trong hệ thống tài chính đang thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước cuộc Đại Suy thoái năm 2008. Do vậy, cuộc suy thoái sẽ không gây ra “hiệu ứng dây chuyền” dẫn tới suy thoái sâu hơn thay vào đó cuộc suy thoái sẽ “kéo dài lê thê vài năm”.
Bóng ma suy thoái
Sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước. “Tất cả mọi người dân đều trên tinh thần tiết kiệm. Điều này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành hàng giày da, may mặc, nội thất, điện tử,…”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Corp cho hay sau chuyến thăm bạn hàng tại Châu Âu.
Nếu như các năm trước, đây là thời điểm các doanh nghiệp triển khai kế hoạch tăng ca, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác, thì năm nay, hàng vạn người lao động về quê đón Tết trước hàng tháng, thậm chí là vài tháng. Các thủ phủ công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã sa thải lượng lớn nhân viên do thiếu hụt đơn hàng kéo dài.
Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết đang bước vào mùa vụ cuối năm, nhưng hiện nay nhà máy chỉ đang duy trì một nửa lượng lao động do thiếu đơn hàng. Nguyên nhân chính là các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ,… sụt giảm về nhu cầu khiến đơn hàng đứt gãy.
Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công Trần Như Tùng cho biết thêm rằng lượng đơn hàng bắt đầu sụt giảm từ quý IV/2022 và chưa biết khi nào tình trạng này kết thúc. Những doanh nghiệp nào phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và Châu Âu có thể sụt giảm đơn hàng trên 50%, mức độ sụt giảm trung bình cả nước khoảng 25%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 11/2022 chỉ đạt 57,3 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng giá trị xuất, nhập khẩu giảm lần lượt 8,9% và 7,7% so với cùng kỳ. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo chế biến lần đầu tiên bị trượt về vùng suy giảm dưới 50 điểm kể từ tháng 10 năm 2021.
Các nhà làm chính sách cũng đã nhận diện kinh tế vĩ mô trong nước hiện đang gặp nhiều thách thức: Sức ép lạm phát lớn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ gia tăng.
"Năm 2022, khó khăn chỉ mới bắt đầu từ quý IV, nhưng năm 2023 khả năng các trắc trở sẽ kéo dài cả năm bởi tình hình đơn hàng càng ngày càng giảm và có thể sẽ còn đi xuống cho tới giữa năm 2023 rồi sau đó phục hồi rất chậm”, ông Quanh Anh dự báo 2023 sẽ là một năm kinh doanh đầy khó khăn của nhiều ngành sản xuất.
"Quý I, quý II/2023 vẫn chưa thấy điểm sáng nào cho ngành cao su, dự báo tình hình khó khăn vẫn kéo dài, thậm chí còn khó hơn quý IV năm nay", ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Đức Minh - Sài Gòn, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM, cho biết.
Khó khăn trong hoạt động sản xuất hiện lây lan sang lĩnh vực tiêu dùng. Cả hai ông lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ là Tập đoàn Masan và Thế Giới Di Động đều đã thừa nhận không đạt kế hoạch kinh doanh trong năm nay và sụt giảm so với năm trước.
“Khi thu nhập người lao động đi xuống thì sức mua giảm và tác động tới ngành bán lẻ. Ngay cả Bách Hoá Xanh cũng vậy", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Tài chia sẻ với các nhà đầu tư về tình hình kinh doanh hồi cuối tháng 11.
Ông Tài dự báo tình hình hiện tại có thể kéo dài ít nhất tới quý I/2023. Nếu tình hình thế giới tiếp tục bất ổn thì có thể kéo dài tới tận quý II hoặc quý III/2023, tới quý IV/2023 có thể dễ thở hơn.
Một số lĩnh vực xuất khẩu được cho là ít khó khăn hơn thậm chí vẫn có cơ hội tăng trưởng như ngành hàng lương thực, thực phẩm hơn; ngành hàng không, du lịch có thể sẽ phục hồi nhờ Trung Quốc mở cửa hay một số doanh nghiệp hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư công 700.000 tỷ đồng vào năm tới.
Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ có thêm chính sách hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp trong năm sau như thuế, phí có thể giãn, hoãn, hoặc giảm, kể cả cả câu chuyện trợ giá, xăng dầu, năng lượng,... Bên cạnh đó, áp lực lãi suất, tỷ giá năm tới cũng được dự báo sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với năm nay.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và dừng lại từ quý III/2023, sau đó có thể đảo chiều giảm lãi suất vào quý IV/2023 để ứng phó suy thoái. Khi đó, Việt Nam sẽ có không gian thực hiện chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thử thách bản lĩnh doanh nhân
Hầu hết các dự báo kinh tế cho rằng khó khăn sẽ kéo dài cho đến nửa cuối năm 2023, các chuyên gia kinh tế gợi ý rằng các doanh nghiệp phải đặt mục tiêu trọng tâm giữ được đơn hàng, giữ được khách hàng, giữ được dòng tiền không đứt đoạn. Còn thị trường thì còn sản xuất, công nhân còn có công ăn việc làm, doanh nghiệp còn cơ hội tăng tốc khi phục hồi.
“Doanh nghiệp phải chấp nhận đàm phán với khách hàng, giảm giá, tăng đơn hàng, cầm cự. Trong quản trị tài chính, cần giảm mọi chi phí đầu tư mở rộng để cấu trúc dòng tiền an toàn nhất. Áp dụng công nghệ để quản lý khép kín chuỗi sản xuất tránh tồn kho cao.
Tùy thuộc đặc thù riêng mà xây dựng hai kịch bản từ nay đến hết 2023 là: Các thị trường không suy thoái và các thị trường suy thoái. Các giải pháp quản trị cần bám sát theo hai kịch bản và theo dõi mọi biến động để chủ động ứng phó”, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển gợi ý.
TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cũng cho rằng các doanh nghiệp cần điều chỉnh hoạt động kinh doanh để vượt qua những chông gai với chi phí thấp nhất. Điều quan trọng nhất là tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao, kết hợp với sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường từng giai đoạn, chọn lọc lại các khách hàng phù hợp.
“Trong bối cảnh hiện nay khi người tiêu dùng ngày càng thông minh và sự đòi hỏi ngày càng khắt khe, các doanh nhân cũng không thể đi theo lối mòn cũ. Bây giờ là cạnh tranh quốc tế, đầy cam go, không thể chậm chân hay chủ quan”, ông Lực cho hay.
Liên quan đến vấn đề vốn, theo dữ liệu từ Bloomberg, các doanh nghiệp Việt Nam đang có tỷ lệ nợ vay ngắn hạn trên tổng nợ trên 20%, tức hơn gấp đôi so với mức bình quân dưới 10% của các nước Thái Lan, Philippine, Indonesia, Malaysia.
Các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc tối ưu chi phí thì liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài cũng là một trong những giải pháp huy động vốn nên ưu tiên thực hiện trong giai đoạn tới để giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Tập đoàn KIDO mới đây đã công bố chiến lược kinh doanh mới theo hướng cơ cấu lại tổ chức, KIDO sẽ tách ra theo 4 nhóm ngành, là dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước mắm.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc KIDO cho biết năm 2023 sẽ là năm diễn ra sự thay đổi lớn, việc tách các công ty thành viên của tập đoàn thành các công ty độc lập để dễ kết nối với các công ty đa quốc gia.
Đại diện KIDO cho biết đã ký kết hợp tác chiến lược lâu dài với một tập đoàn lớn từ nước ngoài, đồng thời dự định bán số cổ phiếu quỹ cho họ. Tập đoàn này sẽ giúp sản xuất các sản phẩm đồng thời hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm của KIDO, chuyển giao công nghệ,… "Đây là cơ hội để KIDO nâng tầm quốc tế", người sáng lập KIDO nói.
Các chuyên gia lưu ý thêm, để có thể tiếp cận nguồn vốn ngoại khi không còn môi trường kinh tế tiền rẻ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần đạt mức độ minh bạch cao hơn, đồng thời chấp nhận giảm định giá để phù hợp với điều kiện thị trường mới.
Với trường hợp của Phúc Sinh, chủ tịch doanh nghiệp này cho biết đã nhận được cam kết tài trợ khoảng 1.800 tỷ đồng từ các tổ chức nước ngoài để xây nhà máy mới với mức lãi suất tốt hơn so với thị trường hiện nay.
“Công thức giúp Phúc Sinh luôn huy động được vốn giá tốt đó là tuân thủ các nguyên tắc quản trị minh bạch, sổ sách phải rõ ràng ngay từ đầu, báo cáo tài chính đươc kiểm toán Big 4 nên rất dễ để tiếp cận”, ông chủ Phúc Sinh chia sẻ.
Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023
Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.