Khai thông rào cản đầu tư, Việt Nam sẽ bứt phá trong thu hút làn sóng FDI mới
FDI tăng trưởng mạnh mẽ
Việt Nam đã nổi lên như một điểm nóng về hút FDI trong những năm gần đây, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong dòng vốn toàn cầu. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khi doanh nghiệp trên toàn thế giới tìm kiếm các cơ sở sản xuất đa dạng và bền vững hơn. Môi trường đầu tư hấp dẫn, vị trí chiến lược và các chính sách kinh tế chủ động đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến ưa thích cho FDI, đặc biệt là trong ngành sản xuất chế tạo.
Dòng vốn FDI ròng đạt 15,2 tỷ USD vào năm 2022 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,3% tính từ năm 2014. Dự báo cho thấy FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng dựa trên 4 yếu tố chính.
Các khoản đầu tư nổi bật và trọng tâm chiến lược: Việt Nam đang có chiến lược thu hút FDI công nghệ cao đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các khoản đầu tư nổi bật, như khu phức hợp sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh, cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip của Intel tại TP HCM, nhà máy điện tử của LG tại Hải Phòng, nhà máy của Quanta Computer Inc. tại Nam Định, nhấn mạnh sức hấp dẫn của Việt Nam như một trung tâm sản xuất. Các công ty Trung Quốc trong ngành dệt may và điện tử cũng đang chuyển đến Việt Nam.
Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc: Nỗ lực toàn cầu để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một yếu tố quan trọng thúc đẩy FDI đến Việt Nam. Khi các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, Việt Nam đã nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn do vị trí gần Trung Quốc, thị trường lao động cạnh tranh về chi phí và cơ sở hạ tầng đang cải thiện.
Kết nối toàn cầu và các hiệp định thương mại: 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đã tăng cường kết nối toàn cầu của nước này, đạt 159% GDP vào năm 2023.
Sản xuất giá trị tăng cao và tăng trưởng xuất khẩu: Ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam, chiếm 25% GDP, đã phát triển đáng kể nhờ FDI, cho phép sản xuất các hàng hóa phức tạp và có giá trị gia tăng cao hơn. Xuất khẩu công nghệ cao tăng từ 4% ở năm 2003 lên 40% vào năm 2023. Tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng xuất khẩu này đã tăng lên 16%, với 44% tổng số mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng nội địa. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy Việt Nam ngày càng có khả năng đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thách thức trong việc tiến tới sản xuất hàng hoá có giá trị gia tăng cao hơn
Bất chấp các xu hướng tích cực kể trên, Việt Nam vẫn gặp phải một số thách thức khi tiến tới sản xuất hàng hoá có giá trị gia tăng cao hơn.
Tay nghề lao động: Lao động Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của các quy trình sản xuất phức tạp, giá trị cao, đòi hỏi kỹ năng nâng cao.
Cơ sở hạ tầng: Mặc dù Việt Nam đã đạt những bước tiến đáng kể trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, nước này vẫn còn tồn tại những bất cập có thể ảnh hưởng đến chi phí và hiệu quả logistics. Cơ sở hạ tầng kém có thể làm xói mòn lợi thế về chi phí mà Việt Nam mang lại.
Rủi ro về ngoại tệ: Sự hội nhập sâu của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu khiến nước này đối mặt với rủi ro về ngoại tệ, có thể ảnh hưởng đến ổn định tài chính và hoạt động chuỗi cung ứng.
Thủ tục hành chính: Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quy định và cấp phép cũng như đảm bảo ra quyết định kịp thời là rất quan trọng để duy trì đà tăng của dòng FDI.
Sự thay đổi trong thương mại toàn cầu - Việt Nam là nước hưởng lợi
Trong những năm gần đây, hoạt động thương mại toàn cầu đã trải qua một thay đổi lớn. Từng là "nhà máy của thế giới", Trung Quốc hiện đang chứng kiến doanh nghiệp dần mang dây chuyền sản xuất và hoạt động thương mại sang nước láng giềng Việt Nam.
Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố kinh tế, chính trị và chiến lược, khiến Việt Nam trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn cho các doanh nghiệp toàn cầu.
Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến phổ biến nhất trong khu vực Mekong. Dựa trên các dữ liệu có sẵn, sau đại dịch, khoảng 50 công ty đa quốc gia đã và đang xem xét chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác bao gồm Việt Nam.
Việt Nam cần tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng. Các khoản đầu tư liên tục vào mạng lưới giao thông, logistics và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và giảm chi phí kinh doanh. Quan hệ hợp tác công - tư có thể đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cần thiết cho các dự án này.
Đảm bảo một chuỗi cung ứng bền vững bằng việc hợp tác với các nhà cung cấp, nâng cao năng lực quản lý, số hóa hệ thống chuỗi cung ứng và đơn giản hóa các quy trình và quản trị để thích ứng với
Thực hiện các cải cách quy định để đơn giản hóa các quy trình hành chính cũng rất quan trọng. Môi trường quy định minh bạch và hiệu quả sẽ tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và khuyến khích thêm dòng FDI.
Sự chuyển dịch dòng vốn, đặc biệt là FDI,đến Việt Nam là một minh chứng cho tầm quan trọng ngày càng lớn của quốc gia này trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với môi trường đầu tư thuận lợi, vị trí chiến lược và các chính sách kinh tế chủ động, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo đã có những bước tiến đáng kể, tiến tới sản xuất hàng hoá có giá trị gia tăng cao hơn.
Sự chuyển dịch thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng nhấn mạnh tính năng động của thương mại toàn cầu và các yếu tố thúc đẩy quyết định kinh doanh. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các mạng lưới sản xuất và thương mại thế giới.
Tóm lại, để duy trì tốc độ tăng trưởng này và khai phá hoàn toàn tiềm năng của mình, Việt Nam phải giải quyết các thách thức đang đối mặt, bao gồm đào tạo nhân lực quản lý, nâng cao cơ sở hạ tầng và công nghệ số, cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy phát triển bền vững.