|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Infographic] Việt Nam nằm ở đâu trên thị trường startup công nghệ giáo dục Đông Nam Á?

07:30 | 25/06/2021
Chia sẻ
Dân số đông và phụ huynh sẵn sàng đầu tư vào giáo dục cho con cái biến Đông Nam Á thành thị trường tiềm năng cho các startup công nghệ giáo dục (edtech), trong đó Việt Nam và Indonesia là trọng điểm.
[Infographic] Bức tranh startup công nghệ giáo dục Đông Nam Á, thị trường điểm nằm ở Việt Nam, Indonesia - Ảnh 1.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Nam Khánh).

Với dân số hơn 675 triệu người, Đông Nam Á có tiềm năng trở thành thị trường lớn nhất cho mảng công nghệ giáo dục (edtech).

Ruangguru, startup edtech lớn nhất Indonesia, nổi bật giữa các startup cùng mảng trong khu vực ở khả năng gọi vốn. Năm nay, Ruangguru đã kêu gọi được 55 triệu USD vốn đầu tư mới, tiếp nối con số 150 triệu USD hồi năm 2019.

Thông qua nhiều dịch vụ đào tạo ứng dụng công nghệ, Ruangguru giúp học sinh ở phân khúc K-12 (viết tắt của Kindergarten to 12th grade, tạm dịch: từ mẫu giáo đến lớp 12) cải thiện kết quả ở các bài kiểm tra. Theo một báo cáo từ DealStreetAsia, Ruangguru đang tiến tới cột mốc định giá 1 tỷ USD.

Startup tiếp theo trong danh sách là Topica Edtech với thương vụ gọi vốn 50 triệu USD ở vòng Series D vào năm 2018. Topica Edtech hướng tới đối tượng học viên cao tuổi hơn bằng cách cung cấp các dịch vụ như giáo dục cấp bằng, học ngoại ngữ và dạy nghề.

Một vài công ty giai đoạn đầu ở Đông Nam Á cũng rất đáng chú ý. LingoAce, một startup dạy Tiếng Trung cho đối tượng học sinh từ 6 đến 15 tuổi, gọi được 13 triệu USD vốn đầu tư trong năm 2020 từ các nhà đầu tư như Shunwei Capital và Sequoia India.

Các nhà đầu tư đang đánh cược vào đâu?

Trong vài năm gần đây, số lượng thương vụ và giá trị thương vụ đầu tư vào edtech tại Đông Nam Á tăng vọt.

[Infographic] Bức tranh startup công nghệ giáo dục Đông Nam Á, thị trường điểm nằm ở Việt Nam, Indonesia - Ảnh 2.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Nam Khánh).

Giá trị đầu tư trong khu vực đạt đỉnh vào năm 2019, phần lớn nhờ vào thương vụ "bom tấn" 150 triệu USD trong vòng Series C của Ruangguru.

[Infographic] Bức tranh startup công nghệ giáo dục Đông Nam Á, thị trường điểm nằm ở Việt Nam, Indonesia - Ảnh 3.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Nam Khánh).

Kể từ năm 2019, Indonesia, Việt Nam và Singapore chiếm tỷ trọng đa phần xét về giá trị đầu tư.

Cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ

Với tất cả tiềm năng của mình, ngành edtech ở Đong Nam Á vẫn ở giai đoạn phát triển sơ khai hơn và có quy mô nhỏ hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ. Cả số thương vụ đầu tư và giá trị đầu tư vào startup edtech ở Đông Nam Á đều khá khiêm tốn so với "thành tích" của Trung Quốc và Ấn Độ.

[Infographic] Bức tranh startup công nghệ giáo dục Đông Nam Á, thị trường điểm nằm ở Việt Nam, Indonesia - Ảnh 4.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Nam Khánh).

Dù vậy, cần phải lưu ý rằng giá trị thương vụ đầu tư ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại của năm 2021 đã đạt 84 triệu USD, vượt qua con số 67 triệu USD ghi nhận được trong cả năm 2020.

Trong khi đó, đầu tư đến thời điểm hiện tại ở Ấn Độ đạt 767 triệu USD, chỉ tương đương 38% trong tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD của năm 2020. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư tại Trung Quốc chạm mốc 1,6 tỷ USD đến thời điểm này, tương đương 23% của con số 7,1 tỷ USD hồi năm ngoái.

Một trong những lý do xu hướng gọi vốn ở Trung Quốc giảm mạnh là do động thái của chính phủ trong việc kiểm soát các hãng công nghệ lớn. Tech in Asia nói rằng điều này làm chậm ại dòng vốn đầu tư đến từ các công ty công nghệ lớn như Alibaba.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thắt chặt lĩnh vực giáo dục trực tuyến do sự tăng vọt của các dịch vụ gia sư sau giờ học được cho là đè nặng quá nhiều áp lực lên trẻ em.

Tech in Asia dự đoán thực tế này có thể khiến dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào các startup edtech Đông Nam Á có xu hướng tăng lên. Đến thời điểm này, nogiaf khoản đầu tư của Shunde Capital vào LingoAce và Pahamify, các công ty Trung Quốc chưa có các thương vụ đáng chú ý vào mảng edtech Đông Nam Á.

Nam Khánh