[Infographic] Bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm 2020
Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2020.
GSO chỉ ra, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá điện, nước sinh hoạt giảm do nhu cầu tiêu dùng không cao trong mùa mưa là những yếu tố làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kì năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,51% so với cùng kì năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 11/2020 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kì năm ngoái. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 2,43% so với bình quân cùng kì năm 2019.
Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm liên tục theo các tin tức về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng dược Pfizer và Moderna.
Chỉ số giá vàng tháng 11/2020 tăng 0,87% so với tháng trước; tăng 32,04% so với tháng 12/2019 và tăng 31,57% so với cùng kì năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2020 giảm 0,05% so với tháng trước; tăng 0,14% so với tháng 12/2019 và giảm 0,05% so với cùng kì năm trước.
Theo GSO, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2020 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kì năm trước. Đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cao 11,9% so với cùng kì năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 3,1% so với cùng kì năm 2019, thấp hơn mức tăng 9,3% của cùng kì. Đáng chú ý, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,7% (cùng kì năm 2019 tăng 10,6%), đóng góp 3,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Về tình hình nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa mùa trên cả nước và gieo trồng các loại cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc.
Tình hình chăn nuôi tiếp tục phát triển khá nhưng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp của tại nhiều địa phương.
Ngành thủy sản gặp thuận lợi khi cá tra nguyên liệu duy trì được mức giá tốt, sản lượng nuôi trồng tôm nước lợ tăng khá do giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Theo báo cáo của GSO, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.
Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11 tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kì năm 2019. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 59,8% so với cùng kì năm 2019.
Đặc biệt, số vốn đăng kí của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tăng 72% so với tháng trước và tăng 103,5% so với cùng kì.
Tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kì năm trước, tuy nhiên qui mô vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,7%.
Số liệu của GSO cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kì năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54.500 tỉ đồng, tăng 37,1% so với cùng kì năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406.800 tỉ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%).
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động thương mại hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm nay vẫn xuất siêu kỉ lục 20,1 tỉ USD.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kì năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỉ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỉ USD, tăng 1,5%.
Riêng trong tháng 11, thương mại trong nước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kì, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%.
Vận tải tăng 2,3% về lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,3% về lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước; khách quốc tế đến nước ta tăng 19,6% so với tháng trước nhưng giảm 99% so với cùng kì năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 chưa mở cửa du lịch quốc tế.