|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Elon Musk ăn ngủ tại văn phòng để tiết kiệm tiền, thẳng tay cắt giảm nếu thấy lãng phí

12:29 | 19/11/2024
Chia sẻ
Tối đa hoá chi phí là phong cách lãnh đạo thường thấy của Elon Musk trong các tập đoàn tỷ đô do ông điều hành.

Vào một sáng thứ Bảy tháng 12/2022, Elon Musk gọi các giám đốc tài chính của Twitter, công ty ông vừa mua 6 tuần trước, tham gia một cuộc họp trực tuyến. Ông mở bảng tính ghi lại các khoản chi tiêu của công ty và bắt đầu xem xét kỹ lưỡng.

Musk tỏ ra rất tức giận, theo lời ba người tham dự. Dù Twitter vừa cắt giảm hơn ba phần tư số nhân viên, từ gần 8.000 xuống còn hơn 1.500, chi tiêu của công ty vẫn không kiểm soát được. Ông nói điều này là không thể chấp nhận.

Trong suốt 6 tiếng đồng hồ, Musk đọc từng dòng trong bảng tính và yêu cầu nhân viên giải thích từng khoản mục. Ông yêu cầu loại bỏ hoàn toàn một số chi phí, như dịch vụ taxi cho các giám đốc. 

Có lúc, ông đối chất với một nhân viên phụ trách hợp đồng trị giá hàng triệu đô liên quan đến bảo mật trang web. Musk so sánh rằng Tesla chi tiêu ít hơn rất nhiều cho cùng nhiệm vụ này. Khi nhân viên phản bác, ông ngay lập tức tuyên bố cô không còn làm việc cho Twitter.

Cách tiếp cận này cho thấy cách Musk cắt giảm chi phí. Ông luôn kiểm soát chặt chẽ ngân sách tại các công ty như Tesla, SpaceX và Twitter, nay đã đổi tên thành X. Trong gần 30 năm làm doanh nhân, Musk đã rèn luyện thói quen tiết kiệm đến từng chi tiết. Ông thường chọn cắt giảm mạnh tay, thà cắt thừa còn hơn thiếu, theo lời 17 người từng làm việc với ông.

Elon Musk. (Đồ hoạ:The New York Times).

Musk không để cảm xúc chi phối trong việc cắt giảm. Ông ít quan tâm đến các quy chuẩn hay thông lệ. Ông sẵn sàng giảm chi phí dù điều đó có thể làm gián đoạn quy trình hoạt động, thậm chí ảnh hưởng đến an toàn sản phẩm, với quan điểm rằng những vấn đề này có thể sửa chữa sau. Musk cũng không ngần ngại gây mất lòng. Ông thẳng thừng ép giá nhà cung cấp hoặc tự sản xuất linh kiện để tiết kiệm chi phí.

Mặc dù cách cắt giảm của ông đôi khi gây rối loạn, nó cũng giúp một số công ty tránh khỏi bờ vực phá sản và vượt lên trước các đối thủ. Ông đã đưa Tesla và SpaceX trở thành những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực của mình trong khi vẫn kiểm soát chi phí chặt chẽ.

Tại X, Musk tiến hành chiến dịch tiết kiệm mạnh mẽ. Ông sa thải hàng loạt nhân viên, không trả tiền thuê văn phòng và thậm chí tự ngắt nguồn máy chủ để đóng cửa trung tâm dữ liệu nhằm ngừng chi trả chi phí thuê. 

Nhiều nhân viên, nhà phân tích và người dùng từng dự đoán việc cắt giảm sẽ khiến nền tảng sụp đổ. Tuy nhiên, ngoài một số gián đoạn nhỏ, X vẫn tiếp tục hoạt động.

Việc các công ty của Musk không sụp đổ sau các đợt cắt giảm càng làm ông thêm tự tin. “Tôi khá giỏi trong việc nâng cao hiệu quả”, ông nói trong một podcast gần đây.

Từ những ngày đầu khởi nghiệp, Elon Musk đã rất nhạy cảm với chi phí. Năm 1995, sau khi thành lập công ty đầu tiên ở Silicon Valley mang tên Zip2, ông ngủ ngay tại văn phòng để không phải thuê nhà và tắm tại một cơ sở YMCA gần đó.

Sau đó, Musk thành lập một công ty phát triển thành nền tảng thanh toán điện tử PayPal. Năm 2002, eBay mua lại PayPal với giá 1,5 tỷ USD. Từ khoản tiền này, ông dành ra 100 triệu USD để thành lập SpaceX, một công ty về du hành vũ trụ. Musk tin rằng mình có thể sản xuất tên lửa với chi phí thấp hơn chính phủ Mỹ.

SpaceX cắt giảm các bộ phận không cần thiết trên tên lửa, đơn giản hóa thiết kế để giảm chi phí và tăng tốc sản xuất. Jim Cantrell, một cộng sự của Musk, kể rằng ông từng nói với Musk rằng thùng nhiên liệu cho tên lửa đầu tiên của SpaceX có thể tốn hơn 1 triệu USD.

“Điều đó khiến Elon rất khó chịu”, ông Cantrell nhớ lại. “Ông ấy nói: ‘Nếu giá cao đến thế, tôi sẽ ăn cái mũ của mình’”.

Năm 2010, SpaceX ra mắt tên lửa Falcon 9 với chi phí phát triển và sản xuất khoảng 550 triệu USD. (Ảnh: Getty Images).

Musk bắt đầu tìm hiểu các loại thùng nhiên liệu dùng trong ngành dầu khí và xe tải để tìm giải pháp rẻ hơn. Cuối cùng, SpaceX mua các cuộn thép và tự hàn thành thùng nhiên liệu riêng với chi phí chỉ vài trăm nghìn USD.

Chester Crone, một giám đốc tại Moog, công ty chuyên sản xuất linh kiện tàu vũ trụ, cho biết Moog từng bán bộ truyền động cơ học cho một tên lửa của SpaceX. Tuy nhiên, sau lần mua đầu tiên, SpaceX yêu cầu Moog giảm mạnh giá bán.

“Họ nói: ‘Chúng tôi không muốn giá 100.000 USD. Chúng tôi muốn giá 10.000 USD’”, ông Crone kể lại. SpaceX còn đề nghị mua bản thiết kế để tự sản xuất linh kiện này. Khi Moog từ chối, SpaceX tìm nhà cung cấp khác.

“Nếu Elon không hài lòng với mức giá, ông ấy sẽ tìm cách khác”, ông Crone nhận xét. Ông cũng cho biết Moog hiếm khi bán hàng cho SpaceX từ đó.

Năm 2010, SpaceX ra mắt tên lửa Falcon 9 với chi phí phát triển và sản xuất khoảng 550 triệu USD (sau điều chỉnh lạm phát). Falcon 9 hiện được sử dụng trong tất cả các vụ phóng thương mại của SpaceX. NASA ước tính rằng một hệ thống tương tự do họ phát triển có thể tốn tới 4 tỷ USD.

Chiến lược tiết kiệm của Musk không chỉ giúp SpaceX giảm chi phí mà còn tạo ra bước ngoặt cho ngành không gian thương mại. Chi phí đưa 1 kg hàng hóa lên quỹ đạo hiện nay khoảng 2.600 USD, so với 65.000 USD khi dùng tàu con thoi của NASA, vốn đã ngừng hoạt động.

Tại Tesla, nơi Elon Musk trở thành giám đốc điều hành vào năm 2008, các biện pháp cắt giảm chi phí của ông đã giúp công ty kinh doanh xe điện có lãi. Trong khi đó, các đối thủ như Ford và General Motors vẫn thua lỗ trên mỗi chiếc xe điện bán ra.

Musk cũng coi việc cắt giảm chi phí là một cách để tạo động lực. Khi Tesla ra mắt mẫu xe Model X vào năm 2015, ông đã loại bỏ bữa sáng miễn phí (ngũ cốc) tại văn phòng. Biện pháp này chỉ tiết kiệm vài nghìn USD mỗi tháng, nhưng nó gửi thông điệp rằng ông sẵn sàng cắt giảm mạnh tay để giữ công ty vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, đôi khi các biện pháp tiết kiệm này có thể ảnh hưởng đến an toàn của xe. Từ năm 2021, Musk quyết định không sử dụng cảm biến radar cho hệ thống tự lái, mà chỉ dựa vào camera để mô phỏng tầm nhìn của con người. Chi phí của camera hiện tại thấp hơn nhiều so với cảm biến radar, chỉ bằng một phần năm hoặc ít hơn.

Ngược lại, các công ty xe tự lái hàng đầu như Waymo sử dụng cả cảm biến radar và lidar, kết hợp với camera. Nhiều nạn nhân hoặc gia đình của họ đã kiện Tesla, cho rằng công nghệ tự lái của hãng không nhận diện được biển báo dừng, phương tiện hoặc chướng ngại vật, dẫn đến thương tích hoặc tử vong. 

Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) hiện đang điều tra xem hệ thống tự lái chỉ dùng camera của Tesla có liên quan đến bốn vụ tai nạn, trong đó có một vụ gây chết người, hay không. Musk vẫn bảo vệ quyết định của mình. “Tầm nhìn chính là cách con người lái xe”, ông nói trong một cuộc họp với nhà đầu tư vào tháng 5.

Hiện tại, Elon Musk sở hữu khối tài sản ròng hơn 307 tỷ USD.

Đức Huy