|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh thu của nhóm Fortune 500 đạt kỷ lục nhưng lợi nhuận sụt giảm, nền kinh tế Mỹ có thực sự khoẻ?

16:32 | 11/06/2023
Chia sẻ
Danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất tại Mỹ theo doanh thu) đang phát đi tín hiệu bất ổn về nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

Hàng năm, danh sách Fortune 500 sẽ cung cấp thông tin tổng quan về những doanh nghiệp lớn và hùng mạnh nhất nước Mỹ.

Danh sách này ghi lại cách các thành phố lớn nhất đất nước dùng để thu hút các doanh nghiệp hàng đầu, đồng thời tiết lộ những ngành công nghiệp đang thúc đẩy tăng trưởng GDP và khám phá những xu hướng đang diễn ra trong nền kinh tế.

Danh sách Fortune 500 lần thứ 69 đã phát hiện ra một thông tin thú vị trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp. Doanh thu của nhiều công ty lớn nhất tại Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, nhưng lợi nhuận lại giảm đi rất nhiều.

Lợi nhuận doanh nghiệp từng nhảy vọt trong nửa cuối năm 2020 và suốt cả năm 2021, khiến người tiêu dùng bất mãn khi phải vật lộn để đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao.

Sau giai đoạn đó, lợi nhuận đã chuyển sang xu hướng giảm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng mạnh lãi suất vào năm ngoái để làm chậm nền kinh tế và khống chế lạm phát.

Chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Fed đã đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn. Nhiều công ty ghi nhận doanh thu kỷ lục nhưng lợi nhuận lại sụt giảm do biên lợi nhuận đi xuống dù lạm phát cho phép họ nâng giá bán hàng lên cao hơn.

Năm 2021, các công ty trong danh sách Fortune 500 đã kiếm được 1.840 tỷ USD lợi nhuận trên 16.100 tỷ USD doanh thu. Năm ngoái, dù doanh thu tăng lên 18.100 tỷ USD, lợi nhuận lại giảm khoảng 15% xuống còn 1.560 tỷ USD.

 

Mặc dù các công ty công nghệ lớn tiếp tục thống trị Fortune 500, 2022 vẫn là một năm đi xuống về biên lợi nhuận của nhóm này. Lợi nhuận của Microsoft, Meta, Apple, Amazon và Alphabet đã giảm khoảng 77 tỷ USD so với năm 2021.

Chỉ riêng Amazon đã đóng góp khoản lỗ ròng 2,7 tỷ USD, trong khi một năm trước gã khổng lồ này báo lãi ròng 33,3 tỷ USD.

Không chỉ các công ty trong Fortune 500 bị suy giảm lợi nhuận. Theo dữ liệu từ Fed chi nhánh St. Louis, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp Mỹ đã sụt khoảng 12% trong giai đoạn từ mức đỉnh quý II/2022 đến quý I/2023.

Chu kỳ tăng, giảm lợi nhuận bình thường?

Ông Brian Albrecht, kinh tế trưởng của Trung tâm Luật và Kinh tế Quốc tế, cho biết lợi nhuận doanh nghiệp có xu hướng tăng khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, bởi vì nhu cầu đi lên và nguồn cung không thể bắt kịp.

Chính xu hướng đó đã thúc đẩy giá cả hàng hoá cũng như dịch vụ đi lên và cho phép doanh nghiệp gia tăng biên lợi nhuận.

Chia sẻ với Fortune, nhà kinh tế John Leer của hãng tư vấn Morning Consult cho rằng đây chính xác là những gì đã xảy ra khi Mỹ thoát khỏi cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020.

“Hồi năm 2020 và 2021, nhiều công ty từng tuyên bố ‘Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đang đi lên, lạm phát tăng cao và có khả năng sẽ còn tăng, do vậy chúng tôi cần nâng giá cả cho phù hợp’.

Nhờ đó, họ có thể sang tay những chi phí gia tăng cho người tiêu dùng và nâng biên lợi nhuận lên cao hơn”, ông Leer giải thích.

Song, giờ đây, lạm phát đã lùi xa mức đỉnh 40 năm thiết lập vào tháng 6 năm ngoái và tăng trưởng kinh tế đã chậm lại dưới tác động của lãi suất cao. Ông Leer nói lợi nhuận doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn chùng xuống của chu kỳ kinh doanh.

“Giai đoạn này được thúc đẩy bởi chính những yếu tố từng giúp lợi nhuận tăng lên...Doanh nghiệp chứng kiến nhu cầu yếu đi, lạm phát hạ nhiệt và nhiều công ty không còn khả năng đẩy chi phí gia tăng cho người tiêu dùng”, ông cho hay.

Các ngân hàng đầu tư và quỹ phòng hộ đã liên tục cảnh báo rằng biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ còn giảm khi nền kinh tế chậm lại dưới sức nặng của lãi suất tăng cao.

Đầu tuần này, nhà đầu tư tỷ phú Stanley Druckenmiller cho biết ông dự đoán lợi nhuận của các công ty Mỹ có thể sụt thêm 20 - 30%.

Cả hai ông Albrecht và Leer cũng tin rằng lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, nhưng không đến mức mà nhiều nhà dự báo ở Phố Wall đang đưa ra.

“Tôi nghĩ Fed phải gây náo loạn [nền kinh tế] thì lợi nhuận mới giảm mạnh [như Phố Wall cảnh báo]”, ông Albrecht nói. Theo vị chuyên gia, kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu các quan chức Fed quyết định tăng mạnh lãi suất từ đây.

 

Có phải dấu hiệu suy thoái sắp xảy ra?

Theo Fortune, Mỹ không thiếu những dự báo về suy thoái kinh tế trong vài năm trở lại đây. Các nhà kinh tế, nhà đầu tư tỷ phú và thậm chí cả cựu quan chức Fed đều nhiều lần cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang rung lắc.

Tuy nhiên, bất chấp những nhận định bi quan, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp trước đại dịch, GDP tiếp tục đi lên và chứng khoán vừa bước vào thị trường giá lên.

vậy, một số người lo ngại rằng lợi nhuận doanh nghiệp giảm dần có thể là dấu hiệu cụ thể hơn cho thấy suy thoái kinh tế sắp đến.

Hơn nữa, có bằng chứng chứng tỏ lợi nhuận của doanh nghiệp thường sụt giảm trước các cuộc suy thoái trong quá khứ. Chẳng hạn, lợi nhuận từng đạt đỉnh vào quý III/2006, hơn một năm trước cuộc Đại Suy thoái năm 2007 - 2009.

Điều tương tự cũng xảy ra vào quý IV/1997, hơn hai năm trước khi bong bóng dot-com nổ tung và kích hoạt suy thoái kinh tế vào đầu năm 2001.

Ông Albert Edwards, chiến lược gia toàn cầu tại ngân hàng Societe Generale, viết trong một nghiên cứu mới đây rằng lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm “thường báo trước suy thoái”.

“Gần đỉnh của các chu kỳ kinh tế, chi phí gia tăng thường khiến lợi nhuận và biên lợi nhuận doanh nghiệp tại Mỹ giảm. Các công ty phải cắt giảm chi tiêu đầu tư và việc làm, từ đó gây ra suy thoái kinh tế”, ông Edwards lý giải.

Song, vị chiến lược gia tin rằng “lạm phát lòng tham” (greedflation) có thể trì hoãn khởi đầu của cuộc suy thoái.

Trong năm 2021, các công ty Mỹ bị cáo buộc là đã tận dụng dịch bệnh, tình trạng gián đoạn chuỗi cung và chiến sự tại Ukraine để thổi phồng giá hàng hoá và dịch vụ dù chi phí sản xuất không tăng mạnh như vậy.  

Ông Edwards cho rằng giờ đây doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn tiền kiếm được từ năm 2021 để bù đắp cho chi phí gia tăng và nhờ đó vẫn mở rộng biên lợi nhuận.

Tuy không đồng tình về yếu tố “lạm phát lòng tham”, ông Albrecht của Trung tâm Luật và Kinh tế Quốc tế lưu ý rằng do lợi nhuận từng nhảy vọt vào cuối năm 2020 và 2021, đà giảm hiện tại chỉ cho thấy lợi nhuận đang quay trở lại xu hướng chung và suy thoái kinh tế sẽ không sớm xảy ra.

“Lợi nhuận doanh nghiệp giảm nhanh là dấu hiệu của suy thoái, nhưng tôi không biết liệu lần này có đúng không. Bạn phải nhớ rằng mức tăng lợi nhuận vào năm 2020 và 2021 rất ấn tượng.

Vì vậy, tôi không quá lo lắng ở thời điểm hiện tại. Lợi nhuận chỉ đang đi xuống từ mức đỉnh quá cao đó. Có thể lợi nhuận chỉ đang quay trở lại mức bình thường trong chu kỳ kinh doanh”, vị chuyên gia lập luận.

Tuy vậy, ông Leer của Morning Consult tin rằng doanh nghiệp nên bắt đầu lập kế hoạch chuẩn bị cho suy thoái, dù đó không phải là mối đe doạ sắp xảy ra. Ông nhấn mạnh: “Mỹ sẽ suy thoái...xác suất trong 12 tháng tới đủ cao để doanh nghiệp bắt đầu lập kế hoạch phù hợp”.

Yên Khê