|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngành săm lốp sắp chi hàng trăm tỷ đồng trả cổ tức

07:44 | 10/06/2021
Chia sẻ
Vừa đón nhận tin vui không bị áp thuế chống bán phá giá sản phẩm săm lốp xuất khẩu sang Mỹ, cổ đông của cả ba công ty trong ngành sẽ tiếp tục được nhận tiền cổ tức trong tháng 6 và tháng 7 tới.

Sắp tới đây, ba công ty trong ngành săm lốp là CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã: CSM), CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) và CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC) sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt cho năm 2020. Tổng số tiền dự chi gần 200 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành săm lốp sắp chi hàng trăm tỷ đồng trả cổ tức - Ảnh 1.

Nguồn: MH tổng hợp từ nghị quyết của doanh nghiệp.

Nhìn lại năm 2020, kết quả quý IV tích cực nối tiếp quý III đã giúp cả ba doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế cả năm tăng trưởng. Trong đó, mức tăng trưởng năm 2020 của Cao su Sao Vàng đạt tới 80% lên 74 tỷ đồng.

Casumina cũng báo lãi cao hơn năm trước đó là 67%. Tuy nhiên, Cao su Đà Nẵng chỉ báo lãi sau thuế tăng nhẹ 2%.

Doanh nghiệp ngành săm lốp sắp chi hàng trăm tỷ đồng trả cổ tức - Ảnh 2.

Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Một trong những bàn đạp tạo đà cho tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành săm lốp năm 2020 là hiệp định EVFTA có hiệu lực, mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu cho hàng Việt. Đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đã phần nào giúp Việt Nam tận dụng cơ hội mở rộng thị trường.

Việc chính phủ cho giảm 50% phí trước bạ của ô tô được sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trong năm 2020 đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thị xe hơi trong quý cuối cùng của năm, góp phần đẩy hoạt động kinh doanh nhóm săm lốp thuận lợi hơn trong quý IV.

Doanh nghiệp săm lốp chọn hướng đi khác nhau  

Thực tế 5 tháng đầu năm, giá mủ cao su, nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp ngành săm lốp liên tục tăng từ đầu năm đến nay phần nào tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Trước đó, cả ba doanh nghiệp này đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 thận trọng khi dự kiến có nhiều yếu tố vĩ mô tác động đến ngành.

Mới đây, ngày 24/5/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kết luận, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe ô tô Việt không bán phá giá. Các doanh nghiệp còn lại bị áp mức thuế là 22,3%. Đối với nội dung trợ cấp, mức thuế trợ cấp giảm xuống còn từ 6,23% đến 7,89%.

Với tin này, đồng nghĩa Cao su Đà Nẵng không bị tác động quá lớn vì lốp xuất khẩu vào Mỹ của doanh nghiệp này là lốp xe tải nặng radial toàn thép.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Casumina, chính sách thuế Chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ thực thi chính thức vào cuối quý II/2021. Tuy nhiên, thuế suất của loại thuế này đối với Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn các nước khác.

Do vậy, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có lợi thế so sách với các doanh nghiệp cùng ngành tại các quốc gia khác (bị áp thuế). Vị Chủ tịch cho rằng Casumina vẫn có thể duy trì và tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong các năm tới, trích báo cáo thường niên năm 2020.

Doanh nghiệp ngành săm lốp sắp chi hàng trăm tỷ đồng trả cổ tức - Ảnh 4.

Trụ sở chính của Casumina tại 180 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Định hướng cho năm 2021, cả Cao su Đà Nẵng và Casumina đều đặt mục tiêu mở rộng sản phẩm và thị trường xuất khẩu.

Chi tiết hơn, năm nay, công ty săm lốp có trụ sở tại Đà Nẵng lên kế hoạch triển khai đầu tư dự án Radial giai đoạn 3 nhằm nâng công suất lên gấp đôi, đạt 1 triệu lốp/năm.

Theo phân tích từ Chứng khoán BSC, động lực tăng trưởng trong dài hạn của Cao su Đà Nẵng đến từ vận tải đường bộ tiếp tục phát triển góp phần thúc đẩy tiêu thụ lốp xe tải và xe buýt tăng trưởng; đồng thời xu hướng Radial hóa làm tăng nhu cầu tiêu thụ lốp Radial thay cho lốp Bias.

Ngược lại, Cao su Sao Vàng chọn hướng đi mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Mới đây, doanh nghiệp này đã bổ sung thêm ba ngành nghề kinh doanh gồm bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; bán buôn sắt, thép và sản xuất điện mặt trời.

Việc lấn sân qua lĩnh vực bán buôn sắt, thép và điện mặt trời của Cao su Sao Vàng được đặt trong bối cảnh hai ngành này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ thị trường.

Theo nhận định của ban lãnh đạo Cao su Sao Vàng, rủi ro của công ty trong năm nay đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục xu hướng tăng và duy trì ở mức giá cao so với năm 2020. Chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán chưa thể tăng lên tương ứng.

Đồng thời, tiêu thụ sản phẩm của Cao su Sao Vàng chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt, bao gồm từ cả các nhà sản xuất trong nước như Casumina và Cao su Đà Nẵng, ... cũng như nước ngoài. Đồng thời lốp ô tô radial cỡ lớn và cả cỡ nhỏ nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan có giá rất rẻ, các hãng sản xuất trong nước liên tục giảm giá để cạnh tranh.

Minh Hằng