Doanh nghiệp cao su tiếp tục bứt phá nhờ 'vàng trắng' tăng giá
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 714.320 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 48% về lượng và tăng đến 88% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn đều tăng mạnh, trong đó, riêng việc xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm 71% tổng lượng cao su xuất khẩu, tăng 6,4% về lượng và tăng 47,7% về trị giá so với tháng 6/2020.
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường tỷ dân này ở mức 1.630 USD/tấn trong tháng 6, tăng 38,8% so với cùng kỳ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cao su tăng do yếu tố mùa vụ cùng với việc Trung Quốc tăng thu mua để phục vụ ngành công nghiệp ô tô ở nước này tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Đồng thời nhu cầu găng tay cao su vẫn duy trì đang đẩy giá cao su lên cao.
Doanh nghiệp cao su báo lãi tăng bằng lần nhờ vàng trắng tăng giá
Số liệu tích cực của ngành cao su đã phản ánh thông qua kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong ngành. Trong đó, hầu hết các công ty đều có doanh thu tăng trưởng, một số đơn vị báo lãi tăng bằng lần so với cùng kỳ và cũng có doanh nghiệp đã thoát được tình trạng lỗ năm ngoái. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau hai quý.
Đơn cử, doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) đã báo lãi sau thuế 2.376 tỷ đồng, tăng gấp 1,82 lần so với cùng kỳ.
Tập đoàn cho biết giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định; doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng.
Bên cạnh đó, giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su cao hơn cùng kỳ giúp lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đa số đơn vị thành viên cải thiện đáng kể. Kết quả, tập đoàn đã thực hiện được 46% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.
Tương tự, CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), doanh nghiệp niêm yết lớn thứ hai về quy mô trong ngành đã báo lãi tăng hơn gấp rưỡi; doanh thu thuần tăng 41% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán tiếp tục tăng.
Riêng trong quý II, sản lượng tiêu thụ đạt 2.431 tấn với giá bán bình quân là 45,8 triệu đồng/tấn, lần lượt cao hơn cùng kỳ 34% và 50%. Biên lãi gộp cải thiện từ 21% lên 26%. Dù vậy, với kết quả này, doanh nghiệp mới thực hiện được 1/4 kế hoạch lợi nhuận năm.
Giá bán và sản lượng tăng cũng giúp các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn như CTCP Cao su Đắk Lắk (Mã: DRG) hay CTCP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) và CTCP Cao su Bà Rịa (Mã: BRR) báo lãi tăng bằng lần. Trong đó, Cao su Đắk Lắk chuyển từ lỗ 27 tỷ đồng năm ngoái sang lãi đến 76 tỷ đồng năm nay.
Ở chiều ngược lại, CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) lại báo lãi sụt giảm đến 69% về 170 tỷ đồng sau 6 tháng do hụt tiền đền bù đất dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2.
Nhìn chung, lợi nhuận sản xuất kinh doanh của PHR vẫn đi lên so với cùng kỳ chủ yếu do giá bán tăng. Lãi tiền gửi cao hơn cũng giúp cải thiện được doanh thu từ hoạt động tài chính. Như vậy, sau 6 tháng, PHR đã thực hiện được 28% kế hoạch doanh thu năm và 8% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ.
Bước sang quý III, PHR tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu cao hơn so với cùng kỳ, tăng 39% song lợi nhuận quý mục tiêu 10 tỷ đồng, tức chỉ bằng 6% cùng kỳ.
Tương tự, CTCP Cao su Tây Ninh (Mã: TRC) có doanh thu tăng trưởng nhưng trong riêng trong quý II không phát sinh lợi nhuận từ hoạt động thanh lý cao su nên đã kéo lãi sau thuế giảm 30% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán trong nửa năm qua, không mạnh mẽ như nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép hay chứng khoán, các cổ phiếu thuộc nhóm cao su cũng ghi nhận vài cổ phiếu "âm thầm" tăng giá.
Nếu tính riêng trong quý II, hầu hết giá các cổ phiếu nhóm ngành này tăng trưởng hai chữ số, nổi bật là cổ phiếu DRG và DPR.
2021 vẫn là một năm khó khăn
Dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm ấn tượng, nhưng nhìn chung cho cả năm 2021, các doanh nghiệp vẫn đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng.
Trong một báo cáo gửi Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết công ty gặp thuận lợi là giá bán mủ cao su các tháng đầu năm khá cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo Phước Hòa cho rằng năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn. Từ năm 2021 trở đi các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư cơ bản, tình hình xuất khẩu hạn chế khi thị trường xuất khẩu lớn nhất – Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại do đã mua mạnh trong quý cuối năm.
Chung quan điểm, trong báo cáo gửi cổ đông, ban lãnh đạo Tập đoàn GVR nhận định năm 2021 là năm nhiều thử thách, nhất là hoạt động khai thác mủ cao su, lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất do giá bán cao su có tín hiệu khởi sắc nhưng chưa ở mức kỳ vọng; khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Về dài hạn, GVR đang có chủ trương chuyển đổi đất sang hoạt động khu công nghiệp (KCN), hướng tới đầu tư phát triển khu công nghiệp trên đất cao su. Về lâu dài, việc định hướng sang phát triển hạ tầng KCN có thể giúp GVR trở thành một trong những nhà phát triển công nghiệp lớn nhất khu vực miền Nam bên cạnh Becamex, Tín Nghĩa, Sonadezi, hay VSIP,...
Một số công ty thành viên của GVR như Cao su Phước Hòa cũng đang rục rịch và sẵn sàng bàn giao đất cho hoạt động mở rộng các KCN tại tỉnh Bình Dương - địa phương có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp lớn nhất cả nước.