Định giá tiệm cận kỳ lân: Giao hàng tiết kiệm - từ ý tưởng của cựu sinh viên ĐH Thủy Lợi tới 'ông kẹ' trong ngành logistics
Mới đây, tạp chí Forbes Việt Nam đã điểm lại các công ty đang là kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên), các công ty “cận” kỳ lân và những startup có triển vọng tạo ra mô hình kinh doanh ấn tượng.
Theo đó, Việt Nam hiện tại có 4 kỳ lân bao gồm VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis. Bên cạnh đó, Forbes Việt Nam cũng nhắc tới các một loạt công ty “cận” kỳ lân, trong số này đặc biệt có Giao hàng tiết kiệm (GHTK).
CTCP GHTK ra đời vào năm 2013, là một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, bao gồm giao nhận hàng hóa. Hiện, theo thông tin tự công bố, GHTK thuộc top 3 nhà vận chuyển tại Việt Nam, đã phủ sóng 63 tỉnh thành với 11.000 huyện xã trên cả nước. GHTK có trên 500.000 khách hàng/nhà bán hoạt động thường xuyên mỗi tháng.
Công ty sở hữu hơn 30.000 shipper, 6.000 tài xế xe tải, hơn 600.000 m2diện tích kho bãi cùng hơn 1.500 kho và 2.500 xe tải các loại. Bên cạnh đó, công ty cũng có hơn 300 kỹ sư, chuyên gia người Việt cùng hệ thống hơn 500 máy chủ vật lý và 1.500 máy chủ ảo hóa.
Từ ý tưởng của cựu sinh viên trường Thủy Lợi
GHTK được thành lập bởi ông Phạm Hồng Quân, một cựu sinh viên trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. Ông sinh năm 1987, từng làm chuyên viên xây dựng sản phẩm cho Zamba, sàn thương mại điện tử của VCCorp sau đó bị khai tử.
Ông Quân chia sẻ rằng làm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thấy dịch vụ chuyển phát thời điểm đó “khá tệ” khiến ông nảy ra ý định lập công ty giao nhận với chất lượng tốt hơn mặt bằng lúc ấy: “Ý tưởng GHTK cũng đơn giản, đáp ứng nhu cầu thời điểm đó về một dịch vụ giao nhận tốt hơn trong thời kỳ kinh doanh qua mạng xã hội bùng nổ", ông Quân nói.
Năm 2013, ông Quân thành lập công ty giao nhận riêng ở tuổi 26. Thời gian đầu, ông tham gia vào tất cả mắt xích của hoạt động giao nhận. Trả lời phỏng vấn độc quyền với Forbes Việt Nam, ông Quân cho biết trong hơn một năm đầu ở GHTK, buối sáng từng thì ngồi làm với giám đốc công nghệ (CTO), buổi chiều đi làm shipper. “Hơn một năm trời, những lúc rong ruổi đi giao hàng là ý tưởng kinh doanh lại bùng nổ”, ông Quân chia sẻ.
Tới "miếng bánh" hấp dẫn trong mắt ông lớn Sea
Thời điểm năm 2017, một số nguồn tin cho rằng Sea, kỳ lân có trụ sở tại Singapore, đồng thời là công ty mẹ của Garena và Shopee đã mua lại cổ phần của hai startup tiềm năng tại Việt Nam, được tiết lộ là Foody (nay đã được đổi tên thành ShopeeFood) và GHTK.
Năm 2019, báo cáo tài chính của Sea Ltd cho thấy tập đoàn này sở hữu 78% cổ phần GHTK. Trong khi đó, báo cáo tài chính năm 2020 của Kerry Logistics lại cho thấy tập đoàn chuyển phát của Hong Kong sở hữu 42% của GHTK. Vì vậy, thị trường cho rằng hoạt động của GHTK phụ thuộc khá nhiều vào Sea cùng Shopee.
Dù vậy, ông Quân đã phủ nhận điều này, cho biết nguồn đơn hàng từ Shopee chiếm tỷ trọng không đáng kể trong doanh thu của công ty. Ngoài ra, chính Shopee cũng có bộ phận giao nhận riêng là Shopee Express.
“Các cổ đông nước ngoài tại GHTK dù chiếm tỉ trọng lớn nhưng đóng vai trò đầu tư tài chính, Quân và các cộng sự là người giữ các quyết định vận hành công ty. Với GHTK khách hàng nhỏ lẻ mới là khách hàng chủ yếu, với mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt và phải bán được giá. GHTK không chấp nhận ép giá thật thấp hay chịu lỗ để lấy đơn”, ông Quân chia sẻ với Forbes Việt Nam.
"Hiện tại có nhiều hiểu lầm và GHTK đang có sắp xếp về cổ phần trước IPO. Tuy nhiên, GHTK sẽ là công ty của Việt Nam, do người Việt lãnh đạo và phát triển bằng công nghệ Việt. Cổ đông ngoại sẽ không giữ quá 49% cổ phần và chỉ có vai trò đối tác tài chính", ông Quân khẳng định thêm.
Và kế hoạch IPO
Năm 2015, GHTK mở rộng hoạt động tại TP HCM, năm 2017 công ty xây dựng hệ thống chuyển phát tại 63 tỉnh thành và hệ thống hoàn thành vào năm 2018. Số lượng đơn hàng của GHTK từ đó tăng nhanh: Năm 2016 đạt một triệu đơn hàng; năm 2017 đạt 10 triệu; năm 2019 cán mốc 100 triệu. Tháng 4/2022, sau 9 năm hoạt động, GHTK chính thức cán mốc thực hiện một tỷ đơn hàng luân chuyển qua hệ thống.
Theo dữ liệu từ Vietdata, năm 2020 GHTK đạt doanh thu 7.240 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2019. Đáng chú ý, từ năm 2019, lợi nhuận của GHTK đã đạt mức cao hơn cả Vietnam Post và Viettel Post. Lãi sau thuế năm 2020 của GHTK đạt 520 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% với năm trước.
Cùng năm, Vietnam Post đứng đầu với tổng doanh thu đạt được 24.109 tỷ đồng, giảm nhẹ 2.5% so với kết quả năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì đà tăng với mức tăng nhẹ 1.95% đạt 378 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu của Viettel Post năm 2020 có bước tăng đột biến 121% so với năm 2019 đạt 17.234 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ nhỉnh hơn trước đó gần 1% đạt 383 tỷ đồng do chi phí giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu.
Theo lý giải, nguyên nhân dẫn tới việc mặc dù có doanh thu chưa quá cao song lợi nhuận của Giao hàng tiết kiệm lại ở mức top đến từ việc lãi gộp cao. Cụ thể, năm 2020, tỷ suất lãi gộp của GHTK lên tới 17%, trong khi con số tương tự của Vietnam Post và Viettel Post lần lượt chỉ là 7,6% và 9,7%. Tới năm 2021, GHTK cũng đạt mức doanh thu thuần 6.875 tỷ đồng với lãi sau thuế hơn 300 tỷ đồng.
Theo Tech in Asia, GHTK đang nhắm đến một đợt IPO trong nước vào quý IV năm nay để huy động vốn và đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực logistics.
Cụ thể, trong một tài liệu có tên Project GNext được gửi tới các nhà đầu tư tiềm năng, GHTK đang rao bán khoảng 23% cổ phần trong đợt mở bán thứ hai. Tech in Asia cho biết Sea Group là nhà đầu tư muốn bán khoảng 20% cổ phần của GHTK. Theo tiết lộ, GHTK cho biết công ty đang chuẩn bị quá trình IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam với mức định giá lên tới 1 tỷ USD.
Dư địa cho Giao hàng tiết kiệm
Báo cáo “Việt Nam: Thương mại điện tử tăng tốc sau COVID-19" của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã chỉ ra sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021. Kết quả khảo sát từ 4 sàn thương mại điện thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam với tỷ lệ tăng trưởng dao động trong khoảng từ 8-50%.
Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng trong tháng 6 đến tháng 9/2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, giá trị mỗi đơn hàng cũng tăng từ 8% đến 10% so với dự báo từ đầu năm 2021.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận... đã lần lượt xuất hiện và mang đến sự sôi động cho thị trường Việt Nam. Theo báo cáo từ Vụ Bưu chính, tính đến ngày 30/9/2021, số lượng doanh nghiệp bưu chính lũy kế đã cán mốc 650 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với cuối năm 2020.
Tính tới tháng 8/2021, 4 đơn vị bao gồm Viettel Post, Vietnam Post, Giao hàng nhanh và GHTK là những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, chiếm hơn 65% thị phần. Trong số này, nếu xét trên yếu tố doanh thu, Vietnam Post và Viettel Post là những đơn vị dẫn đầu thị trường trong giai đoạn 2018 – 2020, xếp ở ngay phía sau chính là GHTK.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt hoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.
Trong thời kỳ bùng nổ của thị trường thương mại điện tử, đi cùng với quy mô được nhân lên qua từng năm của thị trường logistics nói chung và chuyển phát nhanh nói riêng, GHTK với vị thế sẵn có của mình, có cơ hội trở thành “kỳ lân” mới của Việt Nam sau khi IPO - như Forbes dự báo.