|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Digiworld muốn thực hiện tới 3 thương vụ M&A/năm, dồn lực cho thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng khi ICT suy yếu

19:43 | 25/04/2024
Chia sẻ
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024, kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP, giảm vốn điều lệ do phát hành ESOP... cũng như thảo luận tình hình kinh doanh của công ty ở mảng ICT và lĩnh vực mục tiêu mới, kế hoạch M&A trong năm nay.

Chiều 25/4, CTCP Thế giới số Digiworld (Mã: DGW) đã tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (ĐHĐCĐ).

Tại đại hội, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho biết công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 là 23.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 490 tỷ đồng. Mục tiêu này lần lượt tăng 22% và 38% so với năm 2023.

 

Mảng điện thoại di động - vốn là lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho Digiworld, dự kiến sẽ mang về 8.700 đồng (tăng 8%) trong khi mảng máy tính xách tay, máy tính bảng mang về 6.550 tỷ đồng (tăng 11%). Các mảng thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng lần lượt tăng đặt mục tiêu doanh thu là 5.500 tỷ (tăng 60%), 1.050 tỷ (tăng 44%) và 1.200 tỷ (tăng 78%).

Trước đó, ông Việt cho biết do kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng/doanh nghiệp, tổ chức ngại thay mới thiết bị song DGW vẫn giữ vị trí là nhà phân phối laptop, máy tính bảng và điện thoại tại Việt Nam.

“Công ty kiên định với mục tiêu xây dựng doanh nghiệp tỷ đô chuẩn ESG”, ông Đoàn Hồng Việt nói.

Digiworld đã trình Đại hội phương án trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt là 5% (500 đồng/cổ phiếu) và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% (100:30), nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tổng cộng, DGW dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 35%.

Ngoài ra, công ty cũng trình kế hoạch phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với tổng số lượng 2 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị cổ phiếu ESOP theo mệnh giá là 20 tỷ đồng. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. 

Digiworld cũng thông báo việc thay đổi trụ sở chính từ số 195-197 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM sang địa chỉ mới là tầng 15, Tòa nhà Etown Central, số 11 Đoàn Văn Bơ, phường 12, quận 4, TP HCM.

Phiên thảo luận

Chiến lược đa dạng ngành hàng nhưng ICT vẫn là ngành đóng góp phần lớn vào doanh thu. Vậy mục tiêu của DGW cho các ngành hàng mới là như thế nào?

Ông Đoàn Hồng Việt: Tôi xin làm rõ hai khái niệm. DGW là market buider, tức người kiến tạo thị trường. Điều này khác với nhà phân phối thông thường. Chúng tôi có khả năng tạo ra thị trường cho sản phẩm mới, khác với việc bán những cái đã có sẵn. Sau gần 30 năm, DGW đã tạo ra nền tảng vững chắc bao gồm các hoạt động phân tích thị trường, xây dựng chiếc lược thị trường cùng các dịch vụ hậu mãi.

Hai mảng kinh doanh cốt lõi của DGW là điện thoại di động và máy tính xách tay giảm dần doanh thu qua thời gian. Điều này không có nghĩa là việc kinh doanh đi xuống. Các mảng kinh doanh khác đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Kế hoạch 2024, chúng tôi đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho các mảng kinh doanh khác cao hơn rất nhiều so với điện thoại và laptop.

Ngành hàng ICT đã gần như hoàn thiện sau nhiều năm xây dựng. Hiện tại, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung thêm sản phẩm để tận dụng những kênh phân phối đã xây dựng để mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Về ngành hàng FMCG, chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm F&B và Home care/Personal care (chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân).

Năm 2024, DGW sẽ có thương vụ M&A nào mới? Công ty Achison được sáp nhập vào năm ngoái có kế hoạch kinh doanh như thế nào trong năm nay?

Ông Đoàn Hồng Việt: M&A là một định hướng phát triển quan trọng của DGW. Chúng tôi đã có công thức thành công với M&A. Đó là cung cấp cho các công ty mục tiêu mà chúng tôi mua một nền tảng back-end vững chắc giúp cho họ hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp và tối ưu hoá hơn.

Sau khi mua lại Achison, chúng tôi đã cấu trúc lại chi phí vận hành của họ, đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng hơn 50%, hơn 1.000 tỷ đồng cho năm 2024.

Chúng tôi luôn có danh sách M&A và đặt mục tiêu mỗi năm có 2-3 thương vụ. Hoạt động M&A sẽ giúp DGW tiến nhanh hơn, tận dụng thế mạnh của công ty trong cách tổ chức doanh nghiệp và nền tảng back-end vững chắc.

DGW định hướng là công ty tỷ đô trong nhiều năm qua, mục tiêu này còn xa không? Khi đạt mục tiêu này, DGW có thêm lợi thế cạnh tranh gì và mục tiêu tiếp theo là gì?

Ông Đoàn Hồng Việt: Tầm nhìn của DGW là trở thành công ty tỷ đô, không chỉ là doanh thu, vốn hoá hay lợi nhuận. Đó là tầm nhìn để đảm bảo DGW sẽ tìm mọi cách để tăng trưởng. Khi mà quy mô công ty càng lớn thì chúng tôi sẽ càng có nhiều lợi thế để hoạt động hiệu quả hơn. Điều đó cũng tạo ra sức hút đối với các nhân tài.

  Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld.

Ảnh hưởng của tỷ giá đối với DGW?

Bà Đặng Kiện Phương, CEO Digiworld: Tình hình tỷ giá là một vấn đề nóng sốt đối với các công ty nhập khẩu. Với 30 năm kinh nghiệm, chúng tôi có nhiều chính sách để kiểm soát tỷ giá, một trong số đó là làm việc sát sao với ngân hàng. Điều này giúp việc thay đổi tỷ giá trong năm 2023 không ảnh hưởng quá nhiều tới DGW.

Triển vọng mảng cầm đồ có khả quan?

Ông Đoàn Hồng Việt: Đây là một trong số các hoạt động của Vietmoney, họ có thể làm các hoạt động khác như cung cấp tín dụng cho tiểu thương… Điều này phù hợp với định hướng phân phối FMCG của DGW. Họ cũng có hệ thống để sẵn sàng kinh doanh điện thoại, máy tính đã qua sử dụng. Theo số liệu mà chúng tôi có, thị trường hàng máy đã qua sử dụng cực kỳ lớn. Đơn cử, vòng đời sản phẩm iPhone có thể lên tới 6 năm và trong thời gian này, một chiếc điện thoại có thể qua tay 1-2 đời chủ. Như vậy, có thể hình dung số lượng điện thoại đã qua sử dụng được giao dịch trên thị trường là lớn như thế nào.

DGW đang kinh doanh sản phẩm mới và chúng tôi khó có thể kinh doanh sản phẩm đã qua sử dụng. Đó chính là thế mạnh của Vietmoney. Họ có thể tận dụng lợi thế hậu mãi/bảo hành với hệ thống 18 cửa hàng của DGW cùng thương hiệu bảo hành D-Care.

Hiện tại, công ty đã có sự kết hợp gì với Viettel Construction và kế hoạch sắp tới là gì?

Ông Đoàn Hồng Việt: Viettel Construction là công ty duy nhất ở Việt Nam có kỹ sư ở tất cả xã/huyện trên toàn quốc. Tổng cộng là 10.000 người. Với nguồn lực như vậy, tôi tin chắc rằng có nhiều hoạt động kinh doanh và dịch vụ của Viettel Construction có thể kết hợp với DGW. Thực tế chúng tôi đã có sự hợp tác với nhau.

Quy mô thị trường và kỳ vọng của công ty về lĩnh vực thiết bị bảo hộ?

Ông Đoàn Hồng Việt: Achison là công ty cung cấp phụ kiện/thiết bị bảo hộ cho các nhà máy chứ không chỉ cung cấp thiết bị bảo hộ đơn thuần. Hiện tại, Achison chiếm khoảng 10% thị phần thiết bị bảo hộ với các thương hiệu 3M, Dupont…

Trong khi các thương hiệu châu Á/Trung Quốc là thị trường rất rộng và đây là dư địa phát triển mà Achison ngắm tới trong tương lai. Tôi tin rằng nhu cầu của các nhà máy Việt Nam sẽ tăng trưởng cao khi Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất của khu vực/thế giới. Đây là lý do mà chúng tôi tiến công vào thị trường này thông qua sáp nhập Achison.

Việc phân phối đa ngành nghề không liên quan nhau có thể ảnh hưởng tới công tác quản lý. Vậy ban lãnh đạo đã làm gì để quản lý hiệu quả nhất?

Ông Đoàn Hồng Việt: Quan điểm của chúng tôi là sản phẩm có thể khác nhau nhưng quy trình kinh doanh mới là quan trọng nhất. Theo các bạn thì quy trình kinh doanh điện thoại với kem đánh răng có gì khác nhau không? Tôi nghĩ là không. Chúng tôi vẫn phải làm kế hoạch, tính toán, thực hiện các hoạt động marketing… Đối với DGW, hàng hoá không phải vấn đề mà quy trình kinh doanh có khác hay không. Nếu tương đồng thì chúng tôi có kinh nghiệm để quản lý được.

Sản phẩm secondhand (đã qua sử dụng - pv) gặp vấn đề về hoá đơn VAT thì công ty đánh giá như thế nào?

Ông Đoàn Hồng Việt: Đó chính là rào cản lớn nhất của hoạt động kinh doanh secondhand. Hiện nay, 99% thị trường nằm trong các cửa hàng nhỏ lẻ và họ gần như không gặp vấn đề về thuế. Chúng tôi thì khác, phải tuân thủ pháp luật và đóng thuế đầy đủ. Đây là bất lợi của DGW.

Tuy nhiên, chúng tôi có lợi thế về quy mô và dịch vụ bảo hành. Tôi tin rằng vẫn có tệp khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn để có sự đảm bảo chất lượng về sản phẩm secondhand đó.

Xin ban lãnh đạo cho biết thêm chi tiết về kế hoạch phát triển ngành hàng tiêu dùng? Tại sao DGW đặt mục tiêu doanh thu cho mảng này tăng trưởng tới gần 80% so với năm 2023?

Bà Đặng Kiện Phương: Năm 2023, chúng tôi chứng kiến ngành hàng FMCG tăng trường gần như là 100%. Chúng tôi tự tin phát triển hai mảng Home care/Personal care và F&B. Năm ngoái, chúng tôi chí mới vừa tham gia và đây là một mảng cực kỳ lớn. DGW chỉ mới phân phối trên kênh MT (Modern Trade - kênh phân phối hiện đại) trong khi còn nhiều dư địa để phát triển trên kênh online và mở rộng nhà phân phối cho hàng FMCG. Đó là lý do chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 78%.

Sau bao nhiêu năm nữa, DGW có thể đạt mức lợi nhuận sau thuế ngang thời điểm COVID-19?

Ông Đoàn Hồng Việt: Tầm nhìn dài hạn của DGW là tăng trưởng 2 con số trong vòng 10-20. Chúng tôi không ngần ngại tăng ga khi thị trường thuận lợi. Mùa dịch chứng kiến nhu cầu thị trường tăng cao đột biến, có năm tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tới 240%. 

Những năm vừa qua khi thị trường khó khăn thì lợi nhuận có phần sụt giảm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại kết quả năm vừa qua so với năm trước dịch thì DGW vẫn tăng trưởng và kết quả này phù hợp với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong dài hạn của DGW. Nếu mục tiêu tăng trưởng trong 12-25% thì quý cổ đông có thể đưa vào Excel để tính thử đến năm bao nhiêu thì chúng ta sẽ đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ dịch bệnh.

Kết quả năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra nhưng sao vẫn có ESOP?

Ông Đoàn Hồng Việt: Chúng tôi nhận thấy ESOP là nguồn động viên to lớn với đội ngũ nhân viên công ty trong bối cảnh chúng tôi không ngần ngại đặt ra kế hoạch kinh doanh tương đối cao. Thực tế, DGW đã đạt được kết quả tốt so với các công ty cùng ngành đang niêm yết trên thị trường. Bởi vậy, công ty vẫn trình với cổ đông kế hoạch phát hành ESOP với khối lượng chỉ bằng 50% so với những năm công ty làm ăn thuận lợi, nhằm khích lệ tinh thần nhân viên.

Mảng dược của Digiworld có kế hoạch doanh thu cụ thể cho từng năm hay không?

Ông Đoàn Hồng Việt: Thực tế chúng tôi có khá nhiều rào cản chưa giải quyết được với mảng này. Vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ song chưa đủ như kỳ vọng của chúng tôi với mảng này. Chúng tôi đang tiếp tục tìm cách và tin rằng kết quả sẽ được cải thiện.

Mảng nào sẽ bù lại cho sự tăng trưởng chậm của mảng ICT?

Ông Đoàn Hồng Việt: Nhìn về trung hạn, mảng ICT vẫn có thể tăng trưởng ở mức một chữ số. Tôi lấy ví dụ ở thị trường Thái Lan. Để so sánh, tổng thị trường laptop ở Việt Nam đang bằng với Thái Lan dù dân số gấp rưỡi Thái Lan. Nền kinh tế chúng ta đang tăng trưởng nhanh hơn Thái Lan, đồng nghĩa với việc khi người dân có đủ điều kiện cũng như việc các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh thì mảng laptop sẽ tăng. 

Tôi tin rằng mảng kinh doanh điện thoại/laptop vẫn giữ ở mức tăng trưởng một con số/năm. Các mảng kinh doanh khác của Digiworld đang tăng trưởng nhanh và chúng tôi dự đoán đến năm 2025, mảng ICT sẽ chỉ còn đóng góp 65% vào doanh thu.

Chuỗi kinh doanh truyền thống như FPT Shop, Thế Giới Di Động, Phong vũ đang gặp khó khăn trong khi kênh thương mại online trong xu hướng phát triển với các nhà bán lẻ nhỏ hơn có ảnh hưởng gì đến DGW hay không? Công ty có định hướng gì để phân phối hàng đến các nhà bán lẻ nhỏ hơn?

Ông Đoàn Hồng Việt: Ngoài các chuỗi lớn như TGDĐ, FPT Shop,... Digiworld còn bán cho các đơn vị nhỏ hơn cũng như các nền tảng Lazada, Shopee. Ngoài ra, chúng tôi cũng mở các cửa hàng D2C, đại diện cho các hãng sản xuất mở cửa hàng chính hãng trên các nền tảng TMĐT. Chúng tôi đã bán hàng cho đơn vị nhỏ lẻ từ lâu rồi, chứ không phải không làm.

Đóng góp doanh thu/lợi nhuận của các công ty M&A vào kết quả kinh doanh?

Ông Đoàn Hồng Việt: Năm vừa qua, DGW thực hiện M&A với Vietmoney và Achison. Với Achison, kế hoạch đóng góp doanh thu 1.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, tức là biên lợi nhuận cao hơn DGW. Trong khi đó, Vietmoney vẫn còn đang lỗ, mới chỉ đạt mức độ hoà vốn trên cửa hàng. Biên lợi nhuận của Vietmoney có thể cao hơn cả doanh thu nếu vượt qua điểm hoà vốn.

Năm 2024 rồi mà vẫn có nhà đầu tư nhầm lẫn giữa DGW, MWG và FRT, xin ban lãnh đạo chia sẻ lại về sự khác biệt này?

Ông Đoàn Hồng Việt: DGW là nhà kiến tạo thị trường, hoạt động trải rộng từ khâu nghiên cứu thị trường đến bảo hành. Khách hàng của DGW là các nhà bán lẻ từ online, truyền thống, lớn đến nhỏ. Đó là sự khác biệt.

Thành Vũ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.