|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

ĐHĐCĐ FPTS: Xác định zero-fee là xu hướng, không chạy đua phát hành cổ phiếu tăng vốn ồ ạt

20:39 | 28/03/2024
Chia sẻ
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, Chủ tịch FPTS Nguyễn Văn Dũng xác định zero-fee là xu hướng, không thể đi ngược được. Công ty cũng sẽ đưa ra các sản phẩm mới phục vụ khách hàng, nhằm tìm kiếm thị phần cao hơn so với năm trước.

Chiều 28/3, Chứng khoán FPT (FPTS - Mã: FTS) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại Hà Nội. Đến 14h22, số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự chiếm gần 78% lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc điểm lại năm 2023, công ty có doanh thu 921 tỷ đồng và lãi trước thuế 510 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 20% so với năm trước, song vượt 20 - 21% so với kế hoạch.

Số lượng tài khoản của khách tại cuối 2023 là 217.351 tài khoản, tăng 6% so với năm 2022 và thực hiện 95% kế hoạch. FPTS nằm trong top 10 thị phần môi giới chứng khoán, song con số thị phần chưa đạt như kỳ vọng đề ra, được lý giải do tình hình cạnh tranh ngành gay gắt.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của FPTS tổ chức ngày 28/3 với tỷ lệ quyền biểu quyết tham dự đạt khoảng 78%. Ảnh: X.N chụp màn hình.

Đánh giá về thị trường chứng khoán năm 2024, ông Dũng cho biết thanh khoản và điểm số của thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và việc Chính phủ tập trung vào các chính sách kích thích tăng trưởng. Tuy vậy, lo ngại biến động mạnh tỷ giá sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường.

Bên cạnh đó, hệ thống KRX có thể chính thức được vận hành. Tuy nhiên, không có thêm sản phẩm mới, không có nhiều cổ phiếu mới được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, FPTS nhận định rằng cạnh tranh về phí giao dịch, lãi suất cho vay margin giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn trước.

Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2024 đạt 845 tỷ đồng, giảm 8,3% so với thực hiện năm 2023; Lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, giảm 17,7%.

Số lượng nhân viên dự kiến tăng 7% lên 540 người. Chỉ số lãi trước thuế trên vốn điều lệ sẽ thu hẹp từ 23,8% về 13,7%, do có kế hoạch tăng vốn.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của FPTS. Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Bàn về yếu tố công nghệ, Chủ tịch HĐQT FPTS cho biết năm nay công ty sẽ phát triển các sản phẩm mới, các tiện ích dành cho nhà đầu tư để chuẩn bị khi hệ thống KRX đi vào hoạt động. Điều này chỉ thực hiện khi được cơ quan quản lý cho phép.

Thứ hai, công ty tiếp tục chuyển đổi công nghệ để đảm bảo hệ thống vận hành an toàn với số lượng giao dịch lớn. Ban lãnh đạo đánh giá khối lượng công việc rất lớn, khi vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống, vừa phát triển, có đủ tính linh hoạt để đáp ứng cho nhà đầu tư.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, FPTS sẽ trình cổ đông phương án trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (500 đồng/cp), tổng số tiền thực hiện tối đa gần 107,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2024.

Cũng trong đại hội lần này, FPTS trình ĐHĐCĐ phương án phát hành hơn 85,8 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành là 10:4 (cổ đông sở hữu 100 cổ phần cũ sẽ được nhận thêm 40 cổ phần mới).

Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng, trừ trường hợp hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành tăng vốn từ nguốn vốn chủ sở hữu phát sinh từ số lượng cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2022 đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo tỷ lệ và thời gian tương ứng với số lượng cổ phiếu ESOP đang bị hạn chế chuyển nhượng.

Ngoài ra, FPTS cũng dự kiến trình đại hội phương án phát hành ESOP năm 2024 cho cán bộ quản lý của công ty. Số lượng phát hành dự kiến hơn 5,5 triệu cổ phiếu (chiếm gần 2,58% số lượng cổ phiếu đang lưu hành), giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Nguồn thực hiện do người lao động nộp tiền.

Cổ phiếu ESOP phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng hai năm, được giải tỏa dần theo tỷ lệ: 50% số cổ phiếu sẽ được tự do chuyển nhượng sau một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, 50% còn lại là sau hai năm. Nguồn vốn thu được gần 55,3 tỷ đồng sẽ được cân đối để bổ sung vốn vào hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ.

Cả hai phương án trên dự kiến được thực hiện vào quý II - III/2024. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Chứng khoán FPT sẽ tăng từ gần 2.146 tỷ đồng lên hơn 3.059 tỷ đồng.

PHIÊN THẢO LUẬN

Vì sao kế hoạch doanh thị phần môi giới tăng nhưng chỉ tiêu doanh thu môi giới năm 2024 giảm?

Ông Nguyễn Văn Dũng: Xu hướng phí (phí môi giới, phí giao dịch) và lãi suất đang giảm đi. Cạnh tranh trên thị trường đang rất lớn, nhiều công ty đang thực hiện chính sách zero-fee (miễn phí giao dịch). FPTS xác định đây (zero-fee) là xu hướng, không thể đi ngược được. Công ty cũng sẽ đưa ra các sản phẩm mới phục vụ khách hàng, nhằm tìm kiếm thị phần cao hơn so với năm trước.

Tuy nhiên, do tỷ lệ phí giao dịch thu hẹp, nên doanh thu môi giới sẽ giảm đi tương ứng.

Khi thị trường nâng hạng thì lợi thế cạnh tranh của FPTS là gì để thu hút thị phần từ đối thủ?

Ông Nguyễn Văn Dũng: Khi thị trường Việt Nam được nâng hạng, dòng tiền nhà đầu tư ngoại tốt hơn, giao dịch sôi động hơn, thanh khoản dự kiến sẽ tốt hơn nhiều. Không chỉ FPTS, các đơn vị cùng ngành cũng đang mong đợi việc nâng hạng này.

Trong bối cảnh nâng hạng hay không, công ty vẫn luôn định hướng thực hiện tốt các công việc của mình, bao gồm đảm bảo an toàn tài sản, thông tin của khách hàng... Từ đó, khách hàng sẽ tin tưởng, giao dịch, sử dụng dịch vụ tại FPTS. 

Cổ phiếu FTS tăng mạnh trong những tháng qua. Ban lãnh đạo đánh giá diễn biến này đã phản ánh giá trị công ty hay chưa? Tại sao FPTS không phát hành cổ phiếu để tăng vốn như nhiều đơn vị cùng ngành khác để đón đầu làn sóng nâng hạng?

Ông Nguyễn Văn Dũng: Không chỉ FTS, nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán khác cũng tăng đáng kể trong thời gian qua. Việc tăng giá hay giảm giá đến từ yếu tố thị trường, công ty không can thiệp.

Theo cá nhân tôi đánh giá, thị trường đang kỳ vọng nhiều vào thị trường chứng khoán chung tăng trưởng trong tương lai về vấn đề nâng hạng, hệ thống KRX mới. Thanh khoản thời gian qua tăng cao. Kỳ vọng lên cao trong khi số lượng cổ phiếu FTS đang lưu hành không nhiều, cũng là một động lực. Tóm lại, giá lên cao từ kỳ vọng của nhà đầu tư. Thực tế, thị trường Việt Nam quy mô còn nhỏ so với trên thế giới và còn nhiều tiềm năng trong tương lai.

Cá nhân tôi không thực hiện định giá cổ phiếu, do còn dựa vào nhiều yếu tố. Định giá nên là việc của nhà đầu tư, dựa trên kế hoạch đầu tư của họ. FPTS không giao dịch cổ phiếu của mình nên cũng không định giá bao nhiêu là phù hợp.

Về mặt tăng vốn, rõ ràng vốn lớn cũng là một lợi thế trong ngành chứng khoán, như khả năng cung cấp margin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tăng vốn cao lên cũng có những rủi ro nhất định. Ví dụ như tăng vốn lên 10.000 - 15.000 tỷ đồng thì áp lực cho hoạt động tự doanh cũng lớn, để đảm bảo EPS cho cổ đông.

Ban lãnh đạo cũng cân nhắc rất nhiều vấn đề, khía cạnh, yếu tố. Chúng tôi quyết định sử dụng vốn giữ lại để chia cổ tức một phần (5%), phần còn lại dùng tích lũy, tăng vốn ở mức vừa phải, sử dụng, tối ưu hóa nguồn vốn. Tăng vốn nhiều từ huy động nhiều vốn cổ đông chưa hẳn là phương án tối ưu, còn phải căn cứ trên quy mô thị trường.

Dự phóng EPS năm 2024 của FPTS đạt bao nhiêu?

Ông Nguyễn Văn Dũng: Căn cứ trên kế hoạch kinh doanh đã trình và dự kiến phát hành cổ phiếu, EPS dự kiến năm 2024 theo tính toán đạt xấp xỉ 1.100 đồng/cp. 

Năm 2024 FPTS dự kiến tiếp tục phát hành ESOP. Ban lãnh đạo chia sẻ về định hướng phát hành ESOP này?

Ông Nguyễn Văn Dũng: Không chỉ khách hàng, thị phần... các công ty chứng khoán cũng cạnh tranh gay gắt về vấn đề nhân sự. Họ có thể thu hút các nhân sự tài năng của đối thủ bằng các chính sách hấp dẫn, có thể bằng lương, trả rất cao.

Đối với ESOP, đây là phương pháp được sử dụng nhiều trên thế giới, được đánh giá hiệu quả khi hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp. Khi công ty phát triển, công ty chia sẻ một phần nào đó để giữ chân được người lao đồng. Với ngành chứng khoán, yếu tố con người cực kỳ quan trọng.

Do đó, FPTS thực hiện phát hành ESOP. Khi tăng trưởng, vốn hóa tăng lên thì người lao động có ESOP sẽ đảm bảo thu hút, giữ chân được nhân sự tài năng.

Các cổ đông lớn đang hỗ trợ như thế nào cho hoạt động kinh doanh của FPTS?

Ông Nguyễn Văn Dũng: Hiện FPTS có 2 cổ đông lớn gồm Tập đoàn SBI (Nhật Bản) và CTCP FPT (Mã: FPT). FPTS cũng phối hợp chặt chẽ với 2 cổ đông lớn này và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ họ.  SBI là tập đoàn lớn từ Nhật Bản, cũng làm mảng tài chính. FPTS học hỏi được nhiều từ họ, có những khách hàng từ họ. FPT hỗ trợ FPTS về vấn đề công nghệ rất nhiều.

Bao giờ FPTS cân nhắc hiện thực hóa khoản đầu tư cổ phiếu May Sông Hồng (Mã: MSH)?

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Kế toán trưởng: Đây là câu hỏi thường được nhận mỗi kỳ họp ĐHĐCĐ. FPTS đánh giá đây là doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn, tỷ lệ cao, hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững. Vì vậy, công ty tiếp tục nắm giữ, làm cổ đông dài hạn. FPTS sẽ cân nhắc hiện thực hóa khoản đầu tư khi thấy giá thị trường hợp lý.

FPTS có sự sẵn sàng như thế nào trước rủi ro tấn công hệ thống?

Ông Nguyễn Văn Dũng: Trong thế giới công nghệ hiện nay, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính có thể gặp rủi ro về hệ thống rất cao. Từ lâu chúng tôi đã xác định đây là rủi ro thường trực. Do đó, FPTS đầu tư thích đáng về công nghệ và con người cho vấn đề này.

Chúng tôi thường xuyên rà soát các rủi ro về tấn công hệ thống, để xác định các lỗ hổng, điểm yếu. Đồng thời đó là hoạt động bảo trì, nâng cấp thường xuyên các phần mềm phòng chống virus, tường lửa... mới nhất.

Công ty cũng chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để ứng phó trường hợp xảy ra sự cố.

Cuộc họp kết thúc với việc thông qua tất cả tờ trình. Ông Kenji Nakanishi được bầu bổ sung vào Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028, thay thế ông Taro Ueno.

Xuân Nghĩa

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.