|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm trên 30.000 tỷ mở ra kỳ vọng cho 15 lô tiếp theo

14:12 | 11/12/2021
Chia sẻ
TP HCM có kế hoạch đấu giá khoảng 19 lô đất ở Thủ Thiêm. Trong đó, 4 lô đất đã có chủ với tổng giá trị trúng đấu giá trên 30.000 tỷ đồng.
Đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm trên 30.000 tỷ mở ra kỳ vọng cho 15 lô tiếp theo - Ảnh 1.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Trường Nguyên).

Buổi đấu giá 4 lô đất có tổng diện tích 30.000 m2 tại Thủ Thiêm ngày 10/12 có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) như CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), CTCP Tập đoàn địa ốc Cát Tường, CTCP Vận tải Thương mại Quốc tế, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An; Công ty TNHH Đầu tư Bắc Thủ Thiêm, CTCP Đầu tư bất Bộng sản Đồng Tiến, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Ngọc Lâm, Công ty TNHH đầu tư kinh doanh nhà Gia Định,...

Với giá khởi điểm đưa ra gần 5.300 tỷ đồng, TP đã thu về 37.346 tỷ đồng từ việc đấu giá 4 lô đất nói trên. Trong đó, hai lô đất 3-9 và 3-12 lần lượt có giá trúng hơn 1 tỷ đồng/m2 và 2,45 tỷ đồng/m2.

Chia sẻ với người viết, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, đây là thành công lớn của TP HCM khi thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia, không chỉ có doanh nghiệp ở TP mà còn có các doanh nghiệp phía Bắc trúng đấu giá.

Kết quả đấu giá mang lại nguồn thu ngân sách cực lớn cho thành phố với hơn 37.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó tạo niềm tin và kỳ vọng rất lớn vào tương lai của thị trường bất động sản TP HCM nói riêng và tương lai của nền kinh tế Việt Nam nói chung".

Phải tính đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

Chủ tịch HoREA cho biết thêm, TP có kế hoạch đấu giá khoảng 19 lô đất ở Thủ Thiêm. Với sự thành công của 4 lô này, hy vọng khoảng 15 lô còn lại cũng có nhiều cơ hội đạt được thành công tương tự hoặc lớn hơn.

"Từ phiên đấu giá này có thể nhìn thấy tiềm năng đấu giá rất lớn từ nguồn lực đất đai của TP HCM. Phương thức đấu giá quyền sử dụng đất có quy hoạch bài bản có thể giúp TP đạt được mục tiêu kép, vừa tạo môi trường đầu tư minh bạch, vừa đảm bảo tính công bằng, lại có nguồn thu chênh lệch địa tô về cho ngân sách.

Diễn biến này có thể mở ra xu hướng trong thời gian tới: Các nhà phát triển bất động sản có thể cân nhắc chọn lựa phương thức đấu giá do không phải nặng đầu lo lắng việc đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm.

Trung tâm phát triển quỹ đất TP cũng có cơ sở để đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đấu giá công khai giúp tránh phát sinh khiếu kiện về sau", Chủ tịch HoREA phân tích.

Ngoài 4 lô đất kẻ trên, TP HCM còn có kế hoạch đấu giá 3.790 căn hộ thuộc 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm để hoang nhiều năm qua với giá khởi điểm 14.738 tỷ đồng. 

Câu chuyện Thủ Thiêm luôn là đề tài nóng trong hàng thập kỷ qua. Ông Châu cho rằng "cái gốc của vấn đề là phải bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết tái định cư thỏa đáng cho người dân.

Sau khi thu hồi đất, Nhà nước sẽ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất đô thị, tạo ra giá trị gia tăng. Chênh lệch địa tô này không phải do người dân mà do Nhà nước tạo ra từ điều chỉnh quy hoạch, phát triển đô thị, thay đổi mục đích sử dụng đất, sau đó tiến hành đấu giá như 4 lô đất ở Thủ Thiêm mới đây, thu về nguồn ngân sách lớn và tái đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, phát triển nhà ở xã hội,… Như vậy, người có đất bị thu hồi mới thỏa đáng.

Từ phương thức này cho thấy TP còn những quỹ đất tương tự như bán đảo Bình Quới, Thanh Đa. Nhà nước cũng nên thu hồi đất, bồi thường thật thỏa đáng cho người dân và tái định cư phù hợp, trên cơ sở đó quy hoạch, đấu giá, đấu thầu. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư".

Việc đấu giá đất như trên trước mắt mang về nguồn ngân sách lớn cho TP, tránh thất thoát tài sản như cách làm không qua đấu giá trước đây, khi nhiều vị trí có giá chỉ vài chục triệu đồng/m2. Tất nhiên giá đất hiện nay sẽ cao hơn nhiều bởi tính thêm hạ tầng đã được đầu tư.

Song, với mức giá trúng hàng tỷ đồng trên mỗi mét vuông trở thành tâm điểm của dư luận bởi giá đất tại những tuyến đường đắt đỏ nhất trung tâm Sài Gòn hiện nay cũng chỉ trên 800 triệu đồng/m2.

Mặt khác, việc bỏ giá gấp 7-8 lần cũng khiến giới đầu tư quan tâm đến năng lực tài chính của doanh nghiệp trúng thầu, bao gồm nguồn vốn nộp tiền trúng đấu giá, kế hoạch triển khai dự án,...

Nguyên Ngọc