|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt quy hoạch từ năm 1992 với diện tích khoảng 426 ha, mục tiêu trở thành khu đô thị mới với đầy đủ chức năng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, phục vụ dân số 41.000 - 50.000 người.

Tuy nhiên, việc treo quy hoạch suốt gần 30 năm qua đã làm cho khu vực này trở thành một vùng nông thôn dù chỉ nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 15 phút đi xe máy.

'Siêu đô thị' Bình Quới - Thanh Đa: Nửa đời người chờ quy hoạch treo - Ảnh 1.

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa nằm trọn trên bán đảo Thanh Đa,đến nay đã treo quy hoạch gần 30 năm khiến cuộc sống người dân ở đây vô cùng khó khăn. (Ảnh: Google Maps).

Siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa: Nửa đời người chờ quy hoạch treo - Ảnh 2.

Thông tin từ Báo Thanh Niên, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP HCM phê duyệt vào năm 1992 và được phê duyệt quy hoạch 1/5.000 vào năm 1994.

Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Tuy nhiên đến năm 2010, UBND TP HCM đã có quyết định thu hồi dự án do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn không đủ năng lực, khả năng tài chính có hạn và cũng không kêu gọi được nguồn vốn đầu tư, làm dự án ách tắc kéo dài.

Thời điểm đó, UBND TP HCM tiếp tục giao dự án cho một đơn vị thực hiện đồ án quy hoạch 1/2.000 với mục tiêu biến toàn bộ diện tích bán đảo Thanh Đa thành một khu đô thị với nhiều hạng mục hiện đại kết hợp sinh thái, có cầu bắc qua sông Sài Gòn. Số tiền đền bù dự kiến đến 23.000 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty bất động sản ở Dubai) được UBND TP HCM chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên đến giữa năm 2016, Emaar Properties PJSC cũng đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch.

Đến nay, sau gần 30 năm kể từ lần quy hoạch đầu tiên, đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn là một vùng nông thôn đúng nghĩa giữa một TP HCM hoa lệ.

Thay vì trở thành một khu đô thị sinh thái hiện đại theo quy hoạch thì khu Bình Quới - Thanh Đa hiện nay như một vùng quê, người dân hàng ngày sống trong khó khăn, mòn mỏi đợi chờ nơi an cư có một diện mạo mới. (Ảnh: Tấn Lợi).

Siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa: Nửa đời người chờ quy hoạch treo - Ảnh 4.

Gần 30 năm quy hoạch treo cũng là từng ấy thời gian người dân tại đây phải sống trong những khó khăn bởi "đi chẳng được mà ở cũng chẳng xong".

'Siêu đô thị' Bình Quới - Thanh Đa: Nửa đời người chờ quy hoạch treo - Ảnh 3.

Sống trong một căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm sâu trong phường 28, quận Bình Thạnh, bà Kim Việt tâm sự: "Trước đây người dân ở Bình Quới - Thanh Đa chủ yếu sống bằng nghề nông. Khi có thông tin quy hoạch, ai ai cũng trông ngóng được sống trong một khu đô thị hiện đại. Nhưng đến nay vẫn chờ, vẫn trông, mòn mỏi hơn nửa đời người, quy hoạch cứ đứng yên trên giấy".

Bà Kim Việt bộc bạch, thiếu thốn về tiện ích chỉ là một, khó khăn trong việc không được cấp phép sửa chữa, xây lại nhà lên đến 10 do nhà của bà nằm trong phần đất dính quy hoạch.

Bà Tư, người dân sống cùng phường 28, quận Bình Thạnh chia sẻ: "Nhà tôi có ba người con lớn. Vì vậy, gia đình có nhu cầu xây mới nhà cửa để đảm bảo chỗ ở cho các thành viên trong gia đình. 

Tuy nhiên, chỉ việc xin phép sửa chữa nhà cũng đã gặp nhiều khó khăn, đừng nói đến việc xây mới nhà. Hiện tại, do nhà quá chật hẹp, hai người con của tôi đã ra ngoài thuê trọ ở. Thử hỏi, có ai có nhà có đất mà phải thuê nhà trọ sống qua ngày hay không?".

Bà Việt và bà Tư là những câu chuyện điển hình của người dân sống ở khu vực Bình Quới - Thanh Đa. Trong một chuyến đi thực tế của người viết, rất nhiều hộ dân sống tại vùng quy hoạch dự án gặp vướng mắc trong việc sửa chữa, xây lại nhà cửa. 

Những vướng mắc kéo dài, tồn động nhiều năm chậm giải quyết, nhìn những căn nhà cấp 4 xập xệ nơi đây, ai ai cũng thấy nhói lòng. Thậm chí đã để lại trong ký ức những người dân nơi đây một nỗi đau mà không thể nào quên được.

'Siêu đô thị' Bình Quới - Thanh Đa: Nửa đời người chờ quy hoạch treo - Ảnh 4.

Bà Hai Hồng, người dân sống ở khu vực này tâm sự: "Ngôi nhà của gia đình tôi hiện đang xuống cấp trầm trọng, không biết sẽ sập lúc nào. Hai vợ chồng tôi làm đơn xin phép sửa chữa từ năm 2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chưa xong do vướng mắc nhiều giấy tờ, hồ sơ".

Nói đoạn, bà Hồng thở dài kể lại biến cố gia đình mà đến cuối đời bà vẫn không thể nào quên.

"Năm 2019, mẹ tôi lâm bệnh nặng. Khi đó bà chỉ có một ước muốn là cuối đời được sống trong một ngôi nhà mới. Cả gia đình ngày đây mai đó đi chứng thực giấy tờ để xin sửa chữa nhà. Xin mãi, xin mãi đến khi cả nhà đều mệt mỏi vẫn chưa xong. 

Cuối cùng mẹ tôi qua đời, nhà vẫn chưa được sửa, gia đình 'cắn răng' làm lễ tang cho bà trong ngôi nhà cũ đó. Lòng đau đáu chỉ sợ sập nhà ngay lễ tang. Nhìn cảnh đó, tôi đau lòng không thể nào kể hết, suốt đời không thể quên", bà Hồng kể lại.

Đồng cảm với bà Hồng, ông Hai Việt, người dân sống gần đó, chia sẻ: "Người ta hay gọi dân Bình Quới - Thanh Đa là đại gia. Nhưng là đại gia không đồng. Chờ nửa đời người rồi, từ đời mình, đời con rồi tiếp đến đời cháu. Nhìn những chung cư cao tầng, biệt thự, cầu đường bên kia sông Sài Gòn mà tôi không khỏi chạnh lòng".

Những ngôi nhà xệp xệ, xuống cấp mòn mỏi chờ ngày được sửa chữa. (Ảnh: Tấn Lợi).

Siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa: Nửa đời người chờ quy hoạch treo - Ảnh 8.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA): "Bán đảo Thanh Đa là khu đất vàng cuối cùng còn sót lại nằm sát cạnh trung tâm Sài Gòn. Chính vì vậy, tiềm năng phát triển của khu vực này vô cùng lớn. Nếu được chỉnh trang, tái thiết đô thị thì đây sẽ trở thành một cực phát triển của TP HCM trong thế kỷ 21".

Hiện tại, cây cầu duy nhất nối bán đảo Thanh Đa với phần còn lại của TP HCM là cầu Kinh Thanh Đa, khiến khu vực này ở thế độc đạo.

Tuy nhiên theo quy hoạch, sẽ có thêm 4 cây cầu nối trung tâm TP với bán đảo Thanh Đa, bao gồm một cây cầu nối với quận Bình Thạnh và ba cây nối với TP Thủ Đức. Đồng thời, tuyến đường trục chính hiện tại là đường Bình Quới cũng sẽ được đầu tư mở rộng. Với hệ thống cầu đường này, bán đảo Thanh Đa sẽ phá vỡ được thế độc đạo, tạo ra động lực phát triển.

Cầu Kinh Thanh Đa và đường Bình Quới, tuyến giao thông huyết mạch hiện tại của bán đảo Thanh Đa. (Ảnh: Tấn Lợi).

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng: "Giải pháp dành cho khu vực Bình Quới - Thanh Đa hiện tại là đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư phát triển khu đô thị này. Trước đây, TP HCM có tính đến việc chia dự án thành một số khu vực nhỏ để đấu thầu. Tuy nhiên, TP nên tập trung lập quy hoạch khu vực này trước, còn vấn đề đấu thầu toàn khu hay từng khu sẽ dựa trên quy hoạch phát triển đô thị để thực hiện".

Cũng theo ông Châu, TP HCM nên mời những nhà tư vấn quốc tế lớn, có kinh nghiệm để thực hiện lập quy hoạch phát triển đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Tháng 3/2021, UBND TP HCM đã có văn bản chấp thuận nội dung báo cáo của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP về tiếp thu, hoàn chỉnh nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Trong đó, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được xác định là một trong 4 khu đô thị mới của TP HCM, bên cạnh Khu đô thị biển Cần Giờ, Khu đô thị cảng Hiệp Phước và Khu đô thị Tây Bắc.

Với quỹ đất khoảng 426 ha, Bình Quới - Thanh Đa được kỳ vọng trở thành một cực phát triển kinh tế - xã hội mới của TP HCM, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nơi đây sau gần "nửa đời người" chờ đợi.

Siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa: Nửa đời người chờ quy hoạch treo - Ảnh 10.

Quỹ đất rộng lớn khoảng 426 ha của Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa sánh ngang các khu đô thị nổi tiếng của TP HCM hiện tại như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm,... (Ảnh: Tấn Lợi).

Song, với những người dân nơi đây, điều mà họ kỳ vọng nhất chưa phải là được sống trong một khu đô thị hiện đại, tiện nghi. Cái mà họ trông mong nhất hiện tại là tháo gỡ được những khúc mắc trong việc xin phép sửa chữa nhà để an tâm mưu sinh, lo toan cuộc sống.

"Và nếu thành phố vẫn tiếp tục triển khai quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa, tôi chỉ mong chính quyền sẽ triển khai nhanh, đúng tiến độ, bố trí tái định cư và bồi thường hợp lý để người dân ổn định, yên tâm làm ăn, thoát khỏi cảnh cơ cực của hàng chục năm qua. Đây không chỉ là ước mong của tôi, mà là còn rất nhiều người khác nữa", ông Hai Việt bộc bạch.

Nghĩ về tương lai của mảnh đất mà gia đình bao đời sinh sống, bà Hai Hồng nói: "Bán đảo Thanh Đa đã là mảng xanh cuối cùng ở khu vực trung tâm Sài Gòn rồi. Nếu thành phố không thể thực hiện quy hoạch triệt để, thì tôi xin hãy để nơi đây như thực trạng ban đầu, trả về cho người dân quản lý để giữ 'lá phổi xanh' cuối cùng của trung tâm thành phố này...".


Tấn Lợi
Justin Bui
Kinh tế chứng khoán