Công ty của cầu thủ Lương Xuân Trường trả 300 triệu đồng/tháng cho chuyên gia: Chi phí đắt đỏ nhưng quyết không cắt giảm
Ngoài thi đấu trên sân cỏ, Lương Xuân Trường - tiền vệ mang áo số 6 của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh còn kinh doanh riêng. Anh hiện sở hữu một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao, có hai chi nhánh tại Hà Nội và TP HCM.
Trả 300 triệu đồng/tháng cho nhóm chuyên gia
Trong một chia sẻ mới đây trên trang TikTok cá nhân, Xuân Trường cho biết mỗi tháng trung tâm phải chi 300 triệu đồng trả cho các chuyên gia người nước ngoài. “300 triệu đồng một tháng chỉ là chi phí dành riêng cho chuyên gia, chưa kể những chi phí khác mà hàng tháng IRC phải gánh”, Xuân Trường nói.
Cầu thủ này cũng thừa nhận đây là một khoản chi phí lớn và áp lực cho một startup như IRC nhưng đây là khoản không thể cắt giảm. Lý giải, anh cho biết kiến thức chuẩn y học thể thao ở Việt Nam từng là con số 0 cho đến năm 2019. Khi đó, có một nhóm chuyên gia người nước ngoài đã đến và làm việc tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF, họ vừa điều trị cho các cầu thủ của trung tâm, vừa đào tạo cho ba cử nhân Đại học y dược TP HCM.
“Đó là 3 người đầu tiên được đào tạo theo một chương trình chuẩn nhất về y học thể thao Việt Nam mà tôi từng biết. Năm đó, tôi điều trị chấn thương ở Hàn và thậm chí không biết thông tin này. Mãi đến khi tôi rời khỏi Hàn Quốc do COVID-19 và về Việt Nam tiếp tục điều trị thì tôi mới biết thông tin trên”, anh chia sẻ.
Thứ hai, Xuân Trường cho rằng, ở Việt Nam hiện nay không có một trường đại học hay khoá học đào tạo ra các bạn sinh viên để có thể làm ngay trong lĩnh vực y học thể thao sau khi ra trường. “Nhiều người có thể sẽ nói rằng, từ lâu ở Việt Nam không thiếu cơ sở vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Các cơ sở này đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các vấn đề về chấn thương cơ xương khớp nhưng đây là một hiểu lầm đáng kể”, cầu thủ chỉ ra vấn đề.
Theo Xuân Trường, phần lớn các dịch vụ của vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cơ bản chỉ tập trung giúp người bệnh lấy lại khả năng sinh hoạt hàng ngày như đi, đứng hay cầm nắm. Song, mọi người muốn phục hồi và quay trở lại chơi thể thao với cường độ cao, dù là phong trào hay chuyên nghiệp sẽ đòi hỏi cấp độ chuyên môn hoàn toàn khác.
Cầu thủ khoác áo CLB Hà Tĩnh đánh giá, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thể thao có thể được xem là đỉnh cao trong lĩnh vực này. Vì phương pháp không chỉ dừng lại ở việc làm lành tổn thương mà còn phải tối ưu hóa sức mạnh, sự dẻo dai và hiệu suất vận động của cơ thể.
Các chuyên gia trong lĩnh vực không chỉ am hiểu về giải phẫu học, sinh lý học cơ xương khớp mà còn phải hiểu rõ về cơ chế vận động trong thể thao, các áp lực sinh cơ học khi vận động với cường độ cao, thậm chí cả tâm lý của vận động viên trong quá trình phục hồi. Điều này đồng nghĩa rằng, nếu chỉ dựa trên kiến thức cơ bản về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cơ xương khớp rất khó để giúp người bệnh quay trở lại thể thao.
“Còn với chuyên môn sâu và kinh nghiệm trong vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thể thao, các chuyên gia có thể xử lý mọi trường hợp từ chấn thương nhẹ đến các ca phức tạp, giúp người bệnh không chỉ lành lặn mà còn có thể chơi thể thao như chưa từng bị chấn thương ”, Xuân Trường nói. Đây cũng là lý do khiến cầu thủ buộc phải mời các chuyên gia người nước ngoài về Việt Nam vừa điều trị cho bệnh nhân và vừa đào tạo cho các bạn người Việt.
Tiềm lực của IRC
Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế - IRC thuộc CTCP IRC, được thành lập vào ngày 14/8/2020, có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Việt Hùng, chức vụ Giám đốc.
IRC đăng ký kinh doanh chính trong lĩnh vực: Chữa bệnh bằng phương pháp nắn khớp xương, thuật châm cứu; Chữa bệnh bằng phương pháp vật lý trị liệu; Hoạt động khám chữa bệnh của các thầy thuốc.
Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 5 tỷ đồng, được góp bởi 3 cổ đông. Trong đó, ông Nguyễn Việt Hùng nắm 20% vốn, ông Lương Xuân Trường nắm 65% vốn, 15% vốn còn lại được góp bởi ông Trần Hữu Hoành Sơn.
Đến tháng 5/2022, công ty nâng vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng lên 6,64 tỷ đồng. Tháng 7/2022, IRC tiếp tục nâng vốn lên 7 tỷ đồng, song cơ cấu cổ đông của công ty không được công bố chi tiết.
Tháng 7/2022 cũng là thời điểm IRC lên gọi vốn tại Shark Tank mùa 5. Tại thời điểm phát sóng, Shark Hưng đã đặt câu cho cầu thủ Lương Xuân Trường là “sao không đá SEA Games mà lại lên đây gọi vốn?".
Xuân Trường chi biết, anh đồng cảm với những người đồng đội khi gặp chấn thương và phải chật vật để chữa trị, điều đó đã thôi thúc anh xây dựng một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao cho người Việt và IRC đã ra đời, hướng tới phục hồi chức năng chấn thương thể thao một cách toàn diện.
“Em còn nhớ cảm giác ám ảnh khi phải chứng kiến một người đồng đội chơi ăn ý nhất với mình trên sân cỏ là Nguyễn Tuấn Anh. Bạn đã phải sang Thái để phẫu thuật cho chấn thương đứt dây chằng chéo đầu gối trước của mình, sau đó đã phải sang Pháp một mình để điều trị và tập phục hồi. Khi đó bạn ấy chỉ mới ở độ tuổi 16, 17 thôi”, cầu thủ Xuân Trường hồi tưởng.
Xuân Trường cho biết các vận động viên gặp nhiều khó khăn phía sau ánh hào quang chiến thắng của thể thao. Có rất nhiều trường hợp những vận động viên ở các bộ môn khác đã phải tạm dừng sự nghiệp và có những người đã phải giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
“Và em chắc chắn không có gì tồi tệ hơn việc mình có đam mê nhưng khả năng thực hiện đam mê đó lại không còn nữa”, Xuân Trường cho biết.
Năm 2019, Xuân Trường bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối. Anh đã phải sang Hàn Quốc phẫu thuật, điều trị và tập phục hồi để có thể trở lại với thể thao chuyên nghiệp. Trong suốt thời gian ở Hàn Quốc, trong anh luôn đau đáu những câu hỏi “Tại sao lại không phải là Việt Nam?”; “Tại sao mình phải đến đất nước xa xôi đến thế để điều trị phục hồi chấn thương?”... Ý tưởng về IRC đã nảy ra trong thời gian này và Xuân Trước mất 3 năm để "thai nghén" dự án khởi nghiệp.
Màn gọi vốn của Xuân Trường khiến hai “cá mập” là Shark Liên và Shark Phú giành giật. Sau quá trình thương lượng và hội ý, Shark Liên đồng ý cam kết đầu tư với 7 tỷ đồng đổi lại 15% cổ phần IRC.