Cơn bão lạm phát tác động tới Apple như thế nào?
Theo CNBC, lần cuối cùng Apple phải đối mặt với tình trạng lạm phát như thế này là một năm sau khi nhà sản xuất iPhone đã trở thành công ty đại chúng và sản phẩm bán chạy nhất khi đó là dòng máy tính Apple II.
Vào tháng 5, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ là 8,6%, mức cao nhất kể từ năm 1981. Không chỉ Mỹ, nhiều thị trường lớn của Apple cũng đang chứng kiến mức lạm phát tương tự hoặc thậm chí cao hơn.
Apple phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng từ gánh nặng logistic toàn cầu, chi phí nhân công tăng cũng như việc người dùng hạn chế lên đời dòng máy iPhone mới. Bên cạnh đó, Apple cũng đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn cung liên quan đến việc Trung Quốc khi quốc gia này liên tục phong tỏa nhiều thành phố vì quy định phòng dịch COVID-19.
Với nhiều công ty, họ có thể dồn áp lực chi phí sản xuất lên vai khách hàng bằng cách tăng giá. Mặc dù, điều đó chưa được Apple thực hiện ở Mỹ nhưng ở Nhật, người tiêu dùng đã bắt đầu làm quen với thay đổi mới. Kể từ ngày 1/7, Apple đã tiến hành tăng giá bán các sản phẩm của họ trong bối cảnh đồng yen suy yếu.
Tờ CNBC đánh giá Apple có thể gánh một phần chi phí nhằm giữ giá ổn định để tránh giảm nhu cầu.
“Nó đã thể hiện rõ trong tỷ suất lợi nhuận gộp của chúng tôi trong quý trước. Điều đó cũng được giả định trong hướng dẫn mà Giám đốc tài chính (CFO) Luca Maestri đã đưa ra cho quý này. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn đang chứng kiến một mức độ lạm phát nào đó mà tôi nghĩ rằng mọi người đều đang thấy", CEO Tim Cook nói.
Gánh nặng chi phí sản xuất
Tim Cook cho biết có ít nhất hai nơi mà lạm phát đang hiển thị trên bảng cân đối kế toán của công ty: biên lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của Apple trong quý là 43,7%, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng giảm nhẹ so với quý IV/2021, mức cao nhất kể từ năm 2012, theo dữ liệu của FactSet.
CFO Luca Maestri cho biết tỷ suất lợi nhuận của Apple sẽ tiếp tục giảm trong quý II, đạt từ 42-43%. Tuy nhiên, lợi nhuận của Apple đã tăng trong thời kỳ đại dịch và chúng vẫn ở mức cao. Chi phí hoạt động trong quý là 12,58 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II, Apple dự báo chi phí hoạt động sẽ tăng lên khoảng 12,8 tỷ USD.
Cước phí vận tải là một phần nguồn cơn của khó khăn. "Vận chuyển hàng hóa là một thách thức lớn", Tim Cook nói vào tháng 4.
Một chi phí gia tăng khác liên quan đến tình trạng thiếu silicon do các đợt lockdown COVID-19 của Trung Quốc trong nửa đầu năm và sự thiếu hụt của các chip kém tiên tiến hơn cần thiết để hoàn thiện các sản phẩm của nhà Táo.Tuy nhiên, Tim Cook cho biết một số thành phần đang trở nên rẻ hơn.
Apple cũng phải đối mặt với việc tăng chi phí nhân công. Công ty đang tăng lương cho nhân viên của mình để đáp ứng các điều kiện thị trường sau khi một số đối thủ như Google, Amazon và Microsoft, đã thực hiện các điều chỉnh lương thưởng của họ vào đầu năm nay nhằm thu hút và giữ chân các tài năng công nghệ hàng đầu.
Nhà phân tích Katy Huberty của Morgan Stanley cho biết: “Các công ty khác mà chúng tôi theo dõi đang thiếu biên lợi nhuận do lạm phát chi phí, nhưng Apple đánh đánh giá rổ chi phí của mình là tương đối ổn định với chi phí hàng hóa thấp hơn bù lại chi phí nhân công và vận chuyển hàng hóa cao hơn”.
Nguy cơ suy giảm doanh số
Nhưng chi phí sản xuất tăng không phải là viễn cảnh tồi tệ nhất đối với Apple. Rủi ro lớn hơn là việc lạm phát và các điều kiện kinh tế vĩ mô làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm của Apple.
Các nhà kinh tế cho biết theo truyền thống, trong thời kỳ suy thoái kinh tế hoặc khi sức mua giảm, người tiêu dùng ngừng mua hàng hóa lâu bền, trong đó có đồ điện tử. Ở trường hợp của Apple, điều này có nghĩa là những người tiêu dùng đã mua điện thoại cách đây hai hoặc ba năm có thể quyết định không nâng cấp lên mẫu điện thoại mới nhất trong năm nay và giảm chi phí cho đến khi điều kiện kinh tế tốt hơn.
Jim Wilcox, nhà kinh tế của Đại học California Berkeley, cho biết: “Đôi khi bạn chỉ cần thận trọng và tạm ngưng việc mua sắm. Chờ đợi là một chiến lược tài chính rất hợp lý.”
Các nhà đầu tư phần lớn đã cảm thấy thoải mái hơn nhờ Apple có khách hàng trung thành cũng như khả năng tiếp tục nâng cấp thiết bị của nhà Táo khuyết, nhưng sự suy thoái liên quan đến lạm phát có thể khiến niềm tin đó bị lung lay, gián tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của Apple.
“Ở trường hợp của Apple, họ có một hệ sinh thái rất mạnh và khách hàng của họ rất trung thành,” nhà phân tích Toni Sacconaghi của Bernstein nói với CNBC.
“Nhưng phần lớn doanh thu của họ được tạo ra từ việc bán sản phẩm và điều đó phần lớn do khách hàng trung thành thúc đẩy. Nếu rơi vào tình trạng suy thoái, khách hàng có thể trì hoãn mua hàng cũng như việc nâng cấp đời máy", nhà phân tích này nói thêm.
Hiện, Apple vẫn đang thể hiện tốt. Vào tháng 4, họ cho biết nhu cầu các sản phẩm Apple vẫn ở mức cao và cho rằng công ty nhận thấy chưa thấy có dấu hiệu suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Vấn đề lớn hơn là sản xuất đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho các sản phẩm của nhà Táo khuyết. Nhưng thị trường điện thoại thông minh và máy tính xách tay đang có một số dấu hiệu chậm lại.
Phân khúc cao cấp của thị trường điện thoại thông minh, nơi Apple chiếm lĩnh, đang tăng giá tốt nhiều hơn so với các phân khúc thấp hơn, mặc dù tổng thể doanh số bán điện thoại đã bắt đầu giảm.
Micron Technology, nhà cung cấp bộ nhớ cho các thiết bị của Apple, cảnh báo hôm thứ 31/6 rằng họ dự kiến cả doanh số bán điện thoại thông minh và doanh số bán máy tính cá nhân sẽ thấp hơn đáng kể so với ước tính trước đó do nhu cầu tiêu dùng suy yếu và một phần là do lạm phát gia tăng trên thế giới.
Theo ước tính gần đây của Counterpoint Research, các lô hàng thiết bị cao cấp có giá từ 400 USD trở lên đã giảm 8% trong quý đầu tiên, so với 10% của toàn thị trường.
Trông chờ vào nhóm khách hàng rộng hầu bao
Doanh số bán hàng của Apple đã tăng trong hai năm qua và nó duy trì một tỷ suất lợi nhuận ổn định khiến các đối thủ cạnh tranh phần cứng phải ghen tị. Nhưng Apple có thể không phải là người gánh những khoản chi phí.
Theo CNBC, khách hàng của Apple thường là những đối tượng dư dả tài chính, so với những người mua thiết bị Android. Trong “thị trường siêu cao cấp” hoặc điện thoại có giá trên 1.000 USD, Apple chiếm 66% số lượng đơn vị xuất xưởng trong quý đầu tiên, theo Counterpoint.
Các nhà nghiên cứu của Counterpoint viết: “Với lạm phát toàn cầu gia tăng, các phân khúc cấp độ đầu vào và dải giá thấp hơn có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn."
Một cuộc khảo sát của Morgan Stanley từ tháng 6 cho biết 70% người tiêu dùng Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong 6 tháng tới vì lạm phát. Nhưng các hộ gia đình giàu có - khách hàng của Apple, vẫn còn rủng rỉnh hầu bao.
“Các hộ gia đình có thu nhập từ 150.000 USD trở lên thường có khả năng phục hồi tốt hơn", theo các nhà phân tích của Morgan Stanley đã viết.
Trong 5 năm qua, Apple đã nhiều lần tăng giá iPhone của mình. Vào năm 2017, Apple đã giới thiệu một mẫu iPhone cao cấp trị giá 1.000 USD, thu hút một tỷ lệ đáng kể khách hàng sẵn sàng trả tiền cho một thiết bị mới này. Gần đây hơn, Apple đã âm thầm tăng giá vào năm 2020 khi tăng giá khởi điểm của dòng máy bán chạy nhất - vào thời điểm đó là iPhone 12, từ 699 USD lên 799 USD.