Cổ phiếu xi măng dậy sóng, bức tranh ngành có tươi sáng như kỳ vọng?
Cổ phiếu nhóm xi măng dậy sóng
Trong vòng một tháng qua, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành vật liệu xây dựng, tiêu biểu là nhóm thép tăng tích cực. Ngoài ra, nhóm ngành xi măng cũng bắt đầu bùng nổ theo.
Diễn biến tích cực này có được khi việc xuất khẩu xi măng và clinker trong 7 tháng đầu năm đã vượt 24,35 triệu tấn, trị giá 945 triệu USD, tăng lần lượt 23,7% và 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, đại dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là cước phí vận chuyển tăng cao, nhưng đối với ngành xi măng không những không bị tác động mà còn có mức tăng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay.
Xuất khẩu xi măng tăng mạnh là nhờ Trung Quốc thay đổi chính sách đầu tư đối với ngành này, Hiệp hội Xi măng Việt Nam thông tin.
Cụ thể, Trung Quốc đã giới hạn và giảm dần các nhà máy xi măng (chủ yếu vì mục đích môi trường), tăng nhập clinker từ nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam. Hiện quy mô sản xuất xi măng của Việt Nam đứng thứ 5 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đánh giá, ngành xi măng vẫn đang duy trì sản xuất và tiêu thụ khá trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế chịu tác động mạnh bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Trong đó, kênh xuất khẩu có mức tăng tốt, do xi măng Việt Nam đã ít nhiều tạo được vị thế trên thị trường.
Cụ thể hơn, trong 6 tháng qua, lợi nhuận sau thuế của một số công ty xi măng trong ngành đã cải thiện so với cùng kỳ như CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1), CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC),... Tuy nhiên, vẫn có các đơn vị không ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận trong nửa đầu năm.
Theo nhận định của Vietdata, không phải tất cả các đơn vị đều tăng sản lượng sản xuất, mà chỉ những đơn vị thuộc khối Vicem mới có sản lượng tăng so với cùng kỳ (tăng 8,5%), trong đó HT1 chiếm tỷ trọng lượng sản xuất lớn nhất; trong khi khối liên doanh ghi nhận mức giảm 4,6% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao… liên tục tăng đã khiến một số doanh nghiệp quyết định điều chỉnh tăng giá bán xi măng (tăng khoảng 3,5% so với đầu năm).
Nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhẹ song biên lãi gộp chưa cải thiện, thậm chí còn giảm đi vì cạnh tranh ngành gay gắt và gánh nặng của các chi phí hoạt động trong tình hình dịch vẫn còn phức tạp.
Triển vọng ngành xi măng sẽ tươi sáng?
Hồi đầu năm, các chuyên gia đánh giá ngành vật liệu xây dựng khá tích cực và là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng,...
Theo ước tính của VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021; 60% chi phí xây dựng (23.700 tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.
Thực tế trong 6 tháng qua, quá trình giải ngân cho các dự án đầu tư công - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau tác động của đại dịch vẫn đang nhỏ giọt.
Theo cập nhật mới nhất, tính đến cuối tháng 7, giải ngân vốn đầu tư công hơn 169.300 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch chính phủ giao, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các yếu tố chủ quan, thì nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp còn do vướng mắc về giải phòng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án; một số dự án ODA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định…
Riêng đối với đầu tư công trong ngành giao thông vận tải, các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam đang phải đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng quá cao khiến các nhà thầu thi công cầm chừng.
Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long - nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã chia sẻ với Báo Giao thông rằng không thể ngồi yên khi vật liệu đắp nền thiếu hụt, giá thép, xi măng tăng 60 - 70% so với thời điểm bỏ thầu.
Nhà thầu chưa làm đã nhìn thấy lỗ, nhưng hợp đồng đã ký rồi, bắt buộc phải triển khai để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăng Long
Tương tự, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn theo kế hoạch phải thông xe vào cuối năm nay nhưng đang phải thi công chậm lại vì thiếu nguồn vật liệu xây dựng và vướng giải phóng mặt bằng. Tính đến đầu tháng 8, dự án đạt khoảng 59% tiến độ.
Chính vì chậm tiến độ nên chính phủ đã có những hành động quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, theo đó sẽ phấn đấu hết tháng 12 đạt tối thiểu 90% kế hoạch và đến 31/1/2022 sẽ giải ngân 100% kế hoạch. Chủ trương này sẽ là "cứu cánh" cho ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng được khả quan hơn trong nửa năm còn lại.
Tại diễn biến khác, Bộ Tài Chính mới đây đã đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker từ mức hiện tại 5% lên 10%. Bên cạnh đó, sự trở lại của làn sóng dịch lần thứ 4 tại các tỉnh, thành phố lớn đã khiến các công trình xây dựng tạm ngừng thi công dẫn đến việc tiêu thụ xi măng gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng nếu tăng thuế xuất khẩu clinker thêm 5% thì khả năng sẽ không xuất khẩu được vì giá cả biến động liên tục và nhiều khi xuống rất thấp nên ngành xi măng sẽ rất khó khăn nếu đề xuất này được thực thi.
Nhìn tổng quan, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các cổ phiếu ngành xây dựng sẽ gặp nhiều thử thách, bắt nguồn từ một nguyên nhân chung đó là chiếc bánh thị phần không còn liên tục nở ra với tốc độ thần kỳ như giai đoạn bùng nổ 2013 - 2018.
Đồng quan điểm, phân tích và dự báo của một số chuyên gia cho thấy tỷ suất lợi nhuận ngành xi măng có thể tiếp tục bị suy giảm trong năm nay do công suất và chi phí nhiên liệu tăng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/