Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đưa VN-Index vượt 1.500 điểm bất chấp lực cản từ nhóm thép
Phiên 25/11, chỉ số VN-Index tăng 0,8% lên kỷ lục mới 1.500,81 điểm và đánh dấu lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm. Cổ phiếu ngân hàng đã hạ nhiệt khi không còn tăng đồng loạt như phiên hôm qua (24/11), một số mã giữ được sắc xanh như TPB, STB, VPB, … trong khi nhiều cổ phiếu đi xuống như HDB, TCB, CTG, …
Mặc dù vậy, khi xét trong một tháng gần đây, ngân hàng vẫn là nhóm hỗ trợ đắc lực nhất cho thị trường chung. Theo thống kê của Algo Platform, trong số 15 mã đóng góp nhiều nhất vào VN-Index, các nhà băng có 8 đại diện, bao gồm ba đại gia quốc doanh là VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank và BID của BIDV.
Các cổ phiếu này không tăng quá mạnh nhưng vẫn có tác động lớn đến chỉ số nhờ có vốn hóa khổng lồ. Trong top 10 mã có giá trị niêm yết lớn nhất HOSE hiện nay có 4 đại diện ngân hàng là VCB, TCB, BID và CTG.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng lòng tăng mạnh trong hai phiên 22 và 24/11 khi xuất hiện thông tin nhiều nhà băng được Ngân hàng Nhà nước nâng trần tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm. Một số được nới room lên trên 20% như Techcombank (Mã: TCB), Ngân hàng Quân Đội (Mã: MBB), TPBank (Mã: TPB), ...
Ngoài nhóm ngân hàng, hai cổ phiếu đầu ngành chứng khoán là SSI và VND cũng giúp VN-Index đi lên trong tháng qua. Cả Chứng khoán SSI và VNDirect đều mới công bố kế hoạch tăng vốn khủng để bổ sung nguồn cho vay ký quỹ và các hoạt động kinh doanh khác.
Cụ thể, VNDirect lên kế hoạch chào bán 435 triệu cổ phiếu VND cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100%. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp, bằng khoảng 1/8 thị giá hiện nay. VNDirect có thể thu về khoảng 4.350 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty chứng khoán của Chủ tịch Phạm Minh Hương còn có dự định phát hành 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 80%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được nhận 80 cổ phiếu mới.
Sau hai đợt phát hành này, vốn điều lệ của VNDirect có thể tăng lên thành 12.180 tỷ đồng, lớn hơn nhiều ngân hàng hiện nay như LienVietPostBank (12.036 tỷ), TPBank (11.716 tỷ) hay Bắc Á Bank (7.531 tỷ).
Chứng khoán SSI cũng có kế hoạch chào bán tối đa 497,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1, tức là nhà đầu tư nắm giữ hai cổ phiếu sẽ được quyền mua một cổ phiếu. Giá chào bán dự kiến là 15.000 đồng/cp, bằng 1/4 thị giá hiện tại. Nếu chào bán thành công, công ty của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng sẽ thu về khoảng 7.460 tỷ đồng.
Trong một tháng gần đây, cổ phiếu SSI đã tăng tổng cộng 43,6%, bao gồm hai phiên kịch trần. Cùng khoảng thời gian đó, VND vọt lên hơn 60%, có ba phiên "tím lịm".
Ngoài nhóm "bank" và "chứng", một số cổ phiếu khác cũng hỗ trợ mạnh cho VN-Index lên đỉnh trong tháng qua gồm GEX của Tập đoàn Gelex, VHM của Vinhomes, MSN của Masan, DIG của DIC Corp và MWG của Thế Giới Di Động.
Ở chiều ngược lại, GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và HPG của Tập đoàn Hòa Phát là hai cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong một tháng gần đây. Giá dầu khí và giá thép thế giới điều chỉnh là một trong những nhân tố khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với hai bluechip này.
Ngoài HPG còn ba mã cổ phiếu thép khác góp mặt trong top 15 kéo tụt chỉ số, đó là: HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Nam Kim và POM của Pomina.