Chuyện nghề mùa dịch: Khi shipper Sài thành 'sống chung với COVID-19'
Những ngày này, phía trước chung cư Hoàng Anh Thanh Bình (quận 7, TP HCM) lại có khá đông shipper đến giao hàng của những trang thương mại điện tử, hoặc giao đồ ăn nhất là vào giờ trưa. Nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát trong khi chờ nhận đơn mới gửi về từ app.
Theo đuổi công việc "chạy nhong nhong ngoài đường cả ngày" đã được 4 năm, anh Hưng (33 tuổi, tài xế GrabFood) tâm sự chưa bao giờ cảm thấy lo lắng khi giao hàng cho khách như những ngày này. Ngoài việc mang khẩu trang và giữ khoảng cách, anh chọn cách "né" những đơn hàng từ các khu vực cách ly, dù có thể làm giảm số lượng đơn trong một ngày xuống.
Vì thế, dù anh vẫn chạy và giao đồ ăn bình thường nhưng lượng đơn lại có phần giảm đi. Trước đây, nếu siêng, anh có thể đạt 38 - 42 cuốc/ngày, tương đương với 15 - 17 tiếng làm việc. Nhưng giờ chỉ còn chừng 27 cuốc, để bù lại anh cố gắng chạy đều và sớm hơn ngày thường.
Bắt đầu từ 3h30 sáng đến hơn 11h đêm, khi nào mệt, anh ngồi nghỉ tại chỗ, rồi chịu khó nhận thêm những đơn hàng xa tầm 9 - 12km và chạy cả khi trời mưa, bởi "chạy mưa mới kiếm được nhiều vì tài xế nghỉ hết nên được trả cao hơn".
"Năm nay dịch nhiều hơn, mấy chỗ phong tỏa, hàng hóa giao nhận được khử khuẩn, tiền cũng xịt khuẩn rồi để lên bàn trước khu phong tỏa. Có mấy lần đi giao, tôi nhận đơn và mua hàng xong rồi thì người mua hủy nên đành phải mang về ăn, đơn hàng hôm đó đến hơn 300.000 đồng. Nghề mình là vậy, đành chịu thôi", anh Hưng nhớ lại.
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người thất nghiệp, tìm nghề khác để mưu sinh, đặc biệt là làm shipper, bởi tính chất công việc tưởng chừng đơn giản và lại có tiền ngay. Nhiều người vì thế phải bỏ việc chạy khách mà chuyển sang giao đồ ăn.
Dù chung nỗi lo giao hàng mùa dịch, nhưng Đạm (22 tuổi, tài xế Now) lại sẵn sàng nhận đơn hàng ở cả những khu vực phong tỏa để có được nhiều đơn. Là sinh viên, Đạm chọn chạy thêm xe công nghệ vì công việc này thu nhập ổn định khi không kiếm ra được việc làm tốt hơn trong mùa dịch.
Nhu cầu giao hàng, nhất là đồ ăn trong những ngày này tăng nhanh, đặc biệt vào giờ cao điểm từ 11h đến 13h. Theo Đạm, trong một buổi trưa, nếu chịu "cày", shipper có thể nhận 7 - 10 đơn hàng là chuyện bình thường.
"Em học xong rồi, đang còn thi bằng tiếng Anh nữa là xong. Qua dịch, em sẽ đi kiếm việc làm, còn giờ chạy đỡ để đóng tiền trọ. Mỗi ngày 12 tiếng, em cũng được tầm 300.000 - 400.000 đồng. Em tuân thủ biện pháp phòng dịch, chạy riết rồi quen, có chai xịt khuẩn, khử khuẩn hàng hóa và khi vô quán. Với khu phong tỏa, những đơn nào trả qua thẻ thì tốt, còn tiền mặt thì em khử khuẩn lên tờ tiền. Nhiều lúc nghĩ lại cũng ớn nhưng thôi cứ có tiền trước đã", Đạm tâm sự.
Còn anh Tùng đang là shipper cho văn phòng J&T Express quận 7 chia sẻ, dù đã đối mặt với những khó khăn trong mùa dịch suốt hơn một năm qua, nhưng anh vẫn không khỏi bối rối thì thành phố bước vào đợt giãn cách xã hội đúng thời điểm mùa săn sale. Với lượng hàng hóa nhiều hơn các dịp khác và lại về nhiều vào cuối tuần, anh em shipper và bưu tá của công ty phải đến trung tâm từ rất sớm để phân loại hàng.
Tuân thủ quy định về giãn cách và tránh tập trung đông người, bưu cục trưởng phải chia nhân viên thành nhiều nhóm nhỏ 2-3 người và từng người một vào lấy hàng. Trong lúc chờ đợi đến lượt lấy hàng, những người khác đều được đo nhiệt độ cơ thể, sát khuẩn tay và không tụ tập một chỗ. Mặc dù bất tiện hơn thường ngày nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng đảm bảo an toàn và đúng thời gian giao hàng cho khách.
"Giờ hoàn cảnh bắt buộc mình phải thích nghi, hy vọng là anh em không ai bị gì trong khi làm việc. Tiếp xúc với khách cũng đâu biết họ thế nào. Tôi chỉ mong mau chóng qua đợt dịch để có thể làm việc bình thường trở lại", anh Tùng chia sẻ khi nói về khó khăn trong mùa dịch.
Để chủ động phòng dịch, anh Nguyễn Văn Tuấn (tài xế GoFood) chọn cách mang bao tay, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và đeo hai khẩu trang mà theo anh là "cho nó chắc".
Là lao động chính trong nhà nên anh ý thức rất rõ những hệ lụy nếu lỡ dính mầm bệnh, vừa ảnh hưởng cuộc sống vừa nguy hiểm với những người xung quanh, vì "đi lung tung suốt ngày".
"Giờ mình chủ động bảo vệ bản thân thôi, đến quán thì đứng cách xa, rồi khai báo y tế và theo dõi tin tức những địa điểm có ca bệnh. Vợ con cũng lo lắm, dặn chừng suốt, hỏi có thấy ho sốt gì thì đi khám ngay. Có ai hỏi sao không nghỉ, nhưng giờ nghỉ thì cũng không biết làm gì ra tiền nên tiếp tục "cày" thôi. Mong sao dịch mau qua hết", anh Tuấn vui vẻ tâm sự.
Hiện tại, TP HCM tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp của chỉ thị 10 của UBND thành phố. Trong đó, có giải pháp mạnh như dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát. Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, khuyến cáo tài xế và các công ty vận chuyển giao hàng cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như: không tiếp xúc trực tiếp khi giao nhận hàng và thanh toán, luôn mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không chạm tay vào mặt. Đặc biệt, khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… tài xế không được đi làm và phải khám bệnh ngay, khai báo trung thực tại cơ sở y tế.