Cách người Thái quản trị chi phí nhìn từ câu chuyện của Sabeco và Nhựa Bình Minh
Hậu thoái vốn nhà nước, điểm chung trong câu chuyện của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) và CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) là cách người Thái Lan tập trung vào câu chuyện quản trị chi phí bao gồm kiểm soát đầu vào, xây dựng chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối giúp doanh nghiệp cải thiện tỷ suất sinh lời.
Sabeco đã thay đổi ra sao sau khi về tay ThaiBev?
Tháng 12/2017, ThaiBev bỏ gần 5 tỷ USD để mua lại 53,6% cổ phần Sabeco thuộc sở hữu của Bộ Công Thương. Tháng 4/2018, người Thái chính thức tham gia điều hành Sabeco. Ước tính, sau các đợt chia cổ tức của Sabeco, ThaiBev có thể bỏ túi hơn 8.200 tỷ đồng sau 6 năm kiểm soát.
Tại đại hội thường niên 2018 của Sabeco, phía ThaiBev nhìn nhận Sabeco có các điểm cốt lõi cần cải thiện gồm năng lực đội ngũ bán hàng và hệ thống phân phối. Đặc biệt, Thaibev mong đầu tư vào hệ thống hơn là giảm giá, đồng thời nhân viên tiếp thị tại hệ thống bán hàng cũng sẽ được cải thiện, nâng cao năng lực hiệu suất làm việc.
Sau khi người Thái tiếp quản Sabeco đã tập trung vào việc cắt giảm chi phí và tăng doanh thu bán hàng. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư giữa năm 2019, ban lãnh đạo công ty dự kiến việc cắt giảm chi phí sẽ tiếp tục được duy trì trong vòng ba năm tiếp. Các chi phí liên tục được cắt giảm như chi phí vận chuyển, chi phí đóng góp đã giúp cải thiện biên lợi nhuận công ty.
Để gia tăng doanh thu, Sabeco đã thay đổi hình tượng và vị thế của mình. Công ty cũng cố gắng giành lại thị phần từ các đối thủ cạnh tranh ở các thành phố lớn như TP HCM, Đà Nẵng,… nơi mà Sabeco từng bị thất thế.
Nhiều chiến dịch quảng cáo mới được tung ra liên tiếp để tăng độ nhận thức của người tiêu dùng. Ngoài ra, tất cả sản phẩm của Sabeco sẽ được thiết kế lại bao bì để nhất quán hơn với nhãn hàng đồng thời các mẫu sản phẩm mới cũng được tung ra thị trường.
Sau năm 2018 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan do đang trong quá trình chuyển giao quyền lực thì tới năm 2019 có thể thấy biên lợi nhuận của Sabeco đã có sự cải thiện rõ ràng.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019 về Quy định xử phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông được coi là cú giáng mạnh vào ngành bia trong nước.
Năm 2020, Sabeco đã tiến vào phân khúc cao cấp với các dòng bia premium để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ngoại như Heineken, Budweiser. Đồng thời doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu tồn kho,triển khai đầu tư công nghệ từ đầu năm 2020 nhằm tối ưu các chi phí vận hành quản lý, tăng quảng cáo và khuyến mãi để thúc đẩy doanh thu.
Sabeco đã chuyển đổi kênh bán hàng từ kênh truyền thống (On-trade) sang kênh hiện đại (Off-trade) trong bối cảnh thay đổi hành vi tiêu dùng mới của người dân hạn chế ra ngoài quán, tăng mua hàng mang về và tìm hướng xuất khẩu bia.
Cuối năm 2022, trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu gia tăng, Sabeco thắt chặt chi phí từ sử dụng nguyên liệu thô đến tiết kiệm năng lượng và nước. Công ty cũng cho biết sẽ cải thiện cơ cấu sản phẩm của mình theo hướng ưu tiên tăng sản lượng tiêu thụ các thương hiệu cận cao cấp (mass-premium). Việc tăng giá để bù cho phần chi phí nguyên liệu thô tăng lên được ban lãnh đạo coi là biện pháp cuối cùng.
Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của Sabeco.
Nhựa Bình Minh đang bỏ xa Nhựa Tiền Phong
Năm 2018, Nawaplastic Industries Co. Ltd - một thành viên của Tập đoàn SCG của Thái Lan đã chính thức nắm quyền kiểm soát Nhựa Bình Minh. Hiện doanh nghiệp Thái Lan này nắm gần 55% cổ phần tại đây. Ước tính doanh nghiệp Thái Lan đã chi ra khoảng 2.350 tỷ để thâu tóm Nhựa Bình Binh và đã nhận về khoảng 1.400 tỷ tiền cổ tức sau 6 năm.
Theo số liệu từ Chứng khoán FPT, Nhựa Bình Minh có vị thế đứng đầu tại thị trường miền Nam, tương đương khoảng 46% thị phần.
HĐQT xác định giai đoạn 2020 - 2024, Nhựa Bình Minh sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí đồng thời xúc tiến hợp tác với các liên minh chiến lược trong phát triển sản phẩm mới và thâm nhập thị trường mới thông qua mạng lưới mạnh trong phân phối.
Nguyên liệu sản xuất chính của Nhựa Bình Minh gồm ba loại chính là hạt nhựa PVC (chiếm 70%), hạt nhựa PP và hạt nhựa HDPE. Các nguyên liệu này đều có nguồn gốc từ đầu mỏ, do đó dự biến động của đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.
Kể từ khi Nhựa Bình Minh về tay người Thái, cả biên lợi nhuận gộp và biên lãi sau thuế của doanh nghiệp đều có sự cải thiện ngoại trừ giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Năm 2022, Nhựa Bình Minh nhận định là năm thành công rực rỡ trong 45 năm qua với mức lợi nhuận cao kỷ lục. Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud đánh giá quản lý chuỗi cung ứng từ đầu vào đến thực hiện vận hành sản xuất đến giao nhận sản phẩm cho hệ thống phân phối là yếu tố quan trọng giúp Nhựa Bình Minh ghi nhận lợi nhuận cao.
Quý III/2023 không phải quý có lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay nhưng lại là quý ghi nhận biên lãi gộp cao kỷ lục của Nhựa Bình Minh.
Ngoài ra, với sự hậu thuẫn của Tập đoàn SCG sở hữu tổ hợp hóa dầu Long Sơn, dự kiến vận hành thương mại vào đầu năm 2024, sẽ cung cấp nguyên liệu PVC cho Nhựa Bình Minh với giá ưu đãi và sản lượng ổn định.
Dưới bàn tay của người Thái, cả lợi nhuận ròng và biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh đã vượt trên cả đối thủ là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) từ đầu năm 2022. Nếu Nhựa Bình Minh thống trị thị trường miền Nam thì Nhựa Tiền Phong đang thống thị khu vực phía Bắc. Hết năm 2022, Nhựa Tiền Phong chiếm khoảng 37% thị phần cả nước.
So sánh lợi nhuận ròng và biên lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh. (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý).
Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư hồi tháng 10, lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết công ty có lợi thế trong việc nhập nguyên vật liệu từ SCG, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chủ động đa dạng hóa nguyên vật liệu từ kênh nội địa lẫn nhập khẩu (70-30).
Công ty định hướng nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu để tối ưu kết quả kinh doanh trong tương lai, có thể gia tăng nhập PVC từ Hoá chất Đức Giang khi Đức Giang Nghi Sơn đi vào hoạt động.