|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các thương hiệu ngoại ùn ùn kéo về Việt Nam giữa đại dịch

07:01 | 10/06/2021
Chia sẻ
Nhờ chiến lược kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút các thương hiệu ngoại đổ bộ.

Năm 2020, các chuỗi cửa hàng thời trang bị đại dịch COVID-19 đẩy vào cảnh lao đao khi phải đóng cửa nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng trời, gây ra tác động vô cùng lớn tới công việc kinh doanh. Đại dịch như cơn lũ lớn, cuốn phăng đi mọi thành quả đã gầy dựng suốt bao năm của các doanh nghiệp. 

J.Crew - thương hiệu bán lẻ thời trang style preppy của Mỹ dành cho giới học sinh, sinh viên đã tuyên bố phá sản. Trong khi đó, nhãn hàng Esprit, nhà sản xuất quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức và đồ gia dụng đã từng đạt doanh số toàn cầu 1,5 tỷ euro trong vài năm qua, cũng dự định đóng tất cả các cửa hàng tại châu Á.

Không chỉ chuỗi nhỏ, bóng ma COVID-19 cũng không buông tha cho những ông lớn. Vào giữa tháng 5 vừa qua, JCPenney - chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ có 118 năm với 800 cửa hàng cũng đã nộp đơn tuyên bố phá sản. 

Việt Nam: Mảnh đất lành cho các thương hiệu ngoại tìm đến giữa bão COVID-19 - Ảnh 1.

Các cửa hàng, chuỗi bán lẻ điêu đứng trước bóng ma COVID-19 (Ảnh: AP)

Việt Nam - miền đất hứa cho các thương hiệu ngoại

Trong khi thị trường nước ngoài lao đao, sụp đổ liên tiếp giữa làn sóng dịch bệnh thì Việt Nam bỗng nổi lên như một điểm đến đầu tư, mảnh đất lành cho các thương hiệu ngoại. 

Ngày 30/4, hãng thời trang và dụng cụ thể thao đến từ Pháp, Decathlon đã mở thêm cửa hàng tiếp theo tại Mega Mall Thảo Điền (TP Thủ Đức) với diện tích 2.500 m vuông. Hay như hãng thời trang Nhật Bản, Uniqlo cũng đã tiếp tục khai trương cửa hàng thứ 8 tại Vincom Phan Văn Trị (TP HCM). Dù đến thị trường Việt Nam sau H&M và Zara, nhưng Uniqlo đang "thần tốc" mở thêm nhiều cửa hàng, tại Hà Nội và TP HCM. 

Trước đó, trong sự kiện khai trương cửa hàng Unqlo đầu tiên tại TP HCM, tỷ phú Tadashi Yanai, Chủ tịch Uniqlo nói rằng: "Việt Nam là một miền đất hứa. Chúng tôi muốn thành công ở đây cùng với sự thịnh vượng của đất nước này". Mục tiêu Uniqlo là có 100 cửa hàng hiện diện tại các tỉnh thành phố của Việt Nam. 

Các thương hiệu ngoại ùn ùn kéo về Việt Nam giữa đại dịch - Ảnh 2.

Khách mua hàng tại một trung tâm Uniqlo ở Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Không chỉ các chuỗi thời trang, ngành bán lẻ cũng khá sôi động với sự xuất hiện của nhiều cái tên mới, đến từ nước ngoài. Trong tháng 5, Việt Nam chào đón thêm một siêu thị nữa đến từ chuỗi bán lẻ FujiMart Việt Nam. Tháng 7 năm ngoái, một nhà bán lẻ khác đến từ đất nước mặt trời mọc là Muji cũng đã chính thức khai trương cửa hàng flagship đầu tiên tại thị trường Việt Nam.

“Việt Nam là quốc gia nằm trong top đầu của khu vực ASEAN được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư trong thời gian tới”, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định.

Cũng theo JETRO, quy mô dân số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 106 triệu dân vào năm 2050, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, điều này biến Việt Nam thành điểm đến ưa thích cho các nhà bán lẻ. Chính vì lẽ đó, có rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam, như: AEON; Muji, FujiMart,...

Vì sao Việt Nam trở nên "sexy" trong mắt thương hiệu ngoại?

Không khó khi giải mã sức hút của thị trường Việt Nam trong mắt các thương hiệu ngoại. Năm 2020, khi thế giới bị khủng hoảng do đại dịch COVID-19 thì Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế dương 2,9%.

Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody's, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên "Tích cực".

Ba tháng đầu năm nay, sản lượng kinh tế Việt Nam đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 4,5% và theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm nay có thể đạt 6,7% và năm 2022 đạt 7,0%.

Các thương hiệu ngoại ùn ùn kéo về Việt Nam giữa đại dịch - Ảnh 3.

Đại dịch khiến chi phí thuê mặt bằng rẻ đi nhiều lần so với trước đó, tạo ra cơ hội cho các thương hiệu ngoại lấn sân. (Ảnh: Chí Dũng).

Nhờ chiến lược kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút các thương hiệu ngoại đến đầu tư.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đổ vào Việt Nam đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng lượng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này chứng tỏ, Việt Nam đang thu hút khối đầu tư ngoại chuyển dịch dòng vốn. 

Đơn cử, gần đây nhất, một nhóm các nhà đầu tư trong đó có “ông lớn” thương mại điện tử Alibaba và quỹ đầu tư Baring Private Equity Asia đã rót vốn đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX - công ty con của Masan Group. Trước đó, SK Group từ Hàn Quốc cũng đã rót 410 triệu USD tiền mặt cho 16,26% cổ phần tại VinCommerce – công ty điều hành hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ của Masan.

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam nhận định rằng dịch bệnh COVID-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn cho thị trường cho thuê. Nhiều địa điểm cho thuê phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh. Song, Bà Hồng An đánh giá đây là quy luật đào thải tự nhiên và làn sóng mở rộng thương hiệu ngoại cũng đang tạo ra những điểm sáng cho ngành bán lẻ.

Khảo sát của Savills cho thấy thị trường Việt Nam vẫn có nhiều sức hút với thương hiệu ngoại. Phân khúc bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh thời điểm hiện tại cũng đã và đang đón nhận nhiều nguồn đầu tư ngoại khi ghi nhận nhiều giao dịch mở mới một số thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng thời trang và phụ kiện. 

Ngoài ra, tại thời điểm này, các thương hiệu mở cửa cũng có được lợi thế về giá với động thái hỗ trợ khách thuê từ các bên cho thuê, ưu đãi miễn tiền thuê trong suốt giai đoạn thi công hoặc áp dụng chiết khấu lên đến 40% từ 2 đến 3 tháng đầu tiên với những khách thuê mới.

Vượng Phát