|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bỏ tiền vào đâu năm 2024?

09:00 | 11/02/2024
Chia sẻ
Trừ khi có những rủi ro rất lớn xảy ra như suy thoái kinh tế ở Mỹ hay thị trường bất động sản trong nước suy giảm mạnh và đóng băng kéo dài, chúng tôi tin rằng triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm tới sẽ sáng sủa hơn nhiều so với năm 2023.

 Ảnh minh họa: Alex Chu

Nhu cầu toàn cầu suy giảm, hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, vẫn là một thách thức rất lớn cho Việt Nam trong năm 2024.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, một thống kê từ World Bank cho thấy các hoạt động liên quan đến xuất khẩu đóng góp gần một nửa giá trị gia tăng. Mức này chỉ xếp sau Singapore và cao hơn so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Khi xuất khẩu suy giảm liên tiếp trong bốn quý trở lại đây, rất dễ nhận thấy được tác động của nó lên tổng cầu và nền kinh tế nội địa.

Nhìn về năm 2024, theo tổng hợp mới nhất của Bloomberg từ 34 định chế tài chính lớn trên thế giới thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm tốc từ mức 2,9% năm 2023 xuống còn 2,6%. Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, tốc độ tăng trưởng được dự báo ở mức 1,2% năm 2024 so với mức 2,4% năm 2023.

Có lý do để kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất vào năm sau khi áp lực lạm phát giảm đi đáng kể và tăng trưởng kinh tế của quốc gia này có dấu hiệu giảm tốc. Song, lãi suất tại Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ ở mức cao trong một khoảng thời gian nữa để lạm phát quay trở về mức mục tiêu. Và việc kinh tế Mỹ có thể chống đỡ thời kỳ thắt chặt tiền tệ kéo dài này mà không rơi vào suy thoái là một rủi ro lớn cần được theo dõi một cách chặt chẽ.

Tương tự tại châu Âu, thị trường xuất khẩu quan trọng thứ ba của Việt Nam, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn quyết tâm giữ lãi suất cao trong một khoảng thời gian đủ dài để đưa lạm phát lõi từ mức 3,6% tháng 11 về mức mục tiêu 2%.

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam, cũng đang gặp khó khăn trong việc giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế chậm lại và những rủi ro từ thị trường bất động sản. Và điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến xuất khẩu mà còn đến ngành du lịch của Việt Nam.

 

Trong bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức như vậy, vậy triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ như thế nào? Hãy xem xét ở dưới 3 khía cạnh là sản xuất, tiêu dùng và đầu tư của toàn nền kinh tế.

Sản xuất vẫn đang trong quá trình hồi phục: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 11 tăng 5,8% so với cùng kì năm trước, tuy vẫn khiêm tốn nhưng là mức tăng cao nhất trong 13 tháng qua (loại bỏ yếu tố mùa vụ).

Xuất khẩu đang dần hồi phục với mức tăng 6,8% so với cùng kì năm trước trong tháng 11, đánh dấu tháng tăng trưởng dương thứ 3 liên tiếp (từ mức 5,0% tháng 10 và 2,1% tháng 9).

Chỉ tiêu sản lượng điện cả nước cũng cho thấy sự tích cực với mức tăng trưởng 10,0% so với cùng kì năm trước trong hai tháng 10 và 11.

Tiêu dùng chưa thực sự phục hồi mạnh: Khi nhìn vào những khoản chi tiêu hàng tiêu dùng không thiết yếu như sản lượng bán hàng ô tô cá nhân cả nước và doanh thu hàng điện thoại điện máy của những doanh nghiệp lớn nhất ngành, có thể thấy sức cầu các mặt hàng này tuy đã qua khỏi đáy nhưng tốc độ phục hồi chưa thực sự tốt. Điều này phản ánh niềm tin tiêu dùng chưa thực sự cải thiện nhiều.

Tuy nhiên gần đây lãi suất cho vay đầu ra đã và đang giảm rất nhanh làm giảm đáng kể áp lực tài chính của người tiêu dùng. Trong giai đoạn sắp tới nếu triển vọng thu nhập của người dân được cải thiện hơn thì cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng quay trở lại mạnh mẽ.

Đầu tư vẫn tích cực: Dòng vốn FDI vẫn rất tích cực đổ vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp những năm vừa qua. Trong giai đoạn 4 năm qua kể từ COVID-19, vốn FDI giải ngân hàng năm vẫn đạt mức trên dưới 20 tỷ USD/năm và vốn FDI giải ngân trong 9 tháng 2023 cũng là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua bất chấp việc triển vọng kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Đặc biệt ngày càng có nhiều dự án đầu tư vào các ngành sản xuất chất lượng cao.

Giải ngân đầu tư công cũng là điểm sáng trong giai đoạn này, khi con số 11 tháng cho thấy mức tăng trưởng lên đến 37,2% so với cùng kỳ. Với quyết tâm cao của Chính phủ và tầm quan trọng của đầu tư công trong trong bối cảnh hiện nay, chắc chắn việc giải ngân sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong năm tới.

Như vậy, những cú huých từ hạ tầng và các dự án FDI đi vào hoạt động sẽ tiếp tục tạo hiệu ứng tích cực lên đầu tư tư nhân cũng như thị trường lao động và xuất khẩu trong năm 2024.

Ảnh minh họa: Hoàng Huy

Để hỗ trợ tăng trưởng, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng, nhất là khi áp lực tỷ giá đã giảm bớt đáng kể sau khi chỉ số đồng USD suy yếu thời gian gần đây. Hơn nữa, lạm phát ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt và có nhiều thuận lợi khi gần đây giá cả nhiều loại hàng hóa cơ bản cũng giảm mạnh.

Thêm vào đó, mục tiêu lạm phát cho năm 2024 vẫn được nới lỏng ở mức dưới 4,5% so với mục tiêu thông thường hàng năm là dưới 4%, giúp tăng thêm sự linh hoạt điều hành cho Chính phủ.

Với thanh khoản dồi dào nhờ chính sách tiền tệ mở rộng và nhu cầu tín dụng vẫn đang chậm, lãi suất huy động đã và đang liên tục giảm về mức rất thấp so với lịch sử. Cùng với môi trường cạnh tranh cao hơn về chất lượng tín dụng, các ngân hàng thương mại đã phải cắt giảm lãi suất cho vay một cách thực chất hơn. Một số ngân hàng hiện đang đưa ra lãi suất thế chấp trong năm đầu tiên chỉ ở mức 6,4-6,5%/năm. Điều đó nhìn chung sẽ có lợi cho tiêu dùng và đầu tư.

Trong bối cảnh lãi suất thấp như vậy, các lớp tài sản rủi ro như chứng khoán sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2024. Trừ khi có những rủi ro rất lớn xảy ra như suy thoái kinh tế ở Mỹ hay thị trường bất động sản trong nước suy giảm mạnh và đóng băng kéo dài, chúng tôi tin rằng triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm tới sẽ sáng sủa hơn nhiều so với năm nay.

Điều này được thúc đẩy bởi những yếu tố như sự phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với mặt bằng lãi suất thấp và một số yếu tố hỗ trợ khác.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong rổ chỉ số VNIndex có thể sẽ đạt mức tăng trưởng dương theo quý đầu tiên trong năm nay vào quý IV/2023 và xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong năm 2024.

Điều này một phần do là hiệu ứng nền cơ sở thấp, một phần nhờ tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng tích cực hơn. Cụ thể, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) bình quân của VNIndex giảm 21,1% trong 6 tháng đầu năm và giảm 2,1% trong quý III so với cùng kỳ. Nhưng chỉ số này được dự báo sẽ tăng trở lại 10,6% trong quý IV và 29,1% trong cả năm 2024, theo   thống kê các dự báo từ các công ty chứng khoán của Bloomberg.

Ngân hàng - ngành có tỷ trọng lớn nhất thị trường, cũng được cho là đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất khi tỷ lệ nợ xấu có thể đã đạt đỉnh và tỷ lệ lãi biên (NIM) trở nên ổn định hơn sau một thời gian suy giảm. Điều này do đó sẽ là động lực quan trọng cho thị trường trong những quý tới.

Lợi nhuận doanh nghiệp kém trong 9 tháng 2023 cũng đã đẩy định giá thị trường chứng khoán, xét theo hệ số P/E (giá/thu nhập) trượt 12 tháng của VNIndex, lên mức 14,9 lần, vốn không thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong 10 năm qua là 16,6 lần. Tuy nhiên, định giá thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn nếu nhìn về 2024 khi P/E dự phóng cho năm sau chỉ ở mức 12,0 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 14,1 lần.

Đặc biệt trong giai đoạn này chúng tôi ưa thích nhìn vào hệ số định giá P/B (giá/giá trị sổ sách) hơn, bởi vì nền kinh tế và thị trường mới vừa trải qua cú sốc lớn khiến lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm mạnh và mới chỉ đang trong giai đoạn thoát ra khỏi đáy của chu kì giảm. P/B của VNIndex hiện đang ở mức 1,6 lần, là mức rất thấp và chỉ xuất hiện khoảng 3 lần trong vòng 10 năm vừa qua.

Bên cạnh đó, triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng đã trở nên rõ ràng hơn và điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy định giá của thị trường chung. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự phân hóa sẽ diễn ra rất mạnh mẽ giữa các ngành và các cổ phiếu trong năm sau và điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn cổ phiếu trong đầu tư.

 

 

Ông Phạm Lê Duy Nhân - Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF) 

 Trích Đặc san Xuân Giáp Thìn của Tạp chí Điện tử Doanh Nhân Việt Nam 

 

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.