|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bi kịch sinh ra từ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu

09:29 | 08/12/2021
Chia sẻ
Trong khi chính phủ và doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng chip toàn cầu, thì những người lao động bình dân đang phải mạo hiểm tính mạng vì COVID-19.

Bi kịch của một gia đình

Hani Bin Sha'ari đã dành hơn hai thập kỷ làm việc cho nhà máy đóng gói chất bán dẫn của STMicroelectronics ở thành phố Muar, Malaysia. Anh tự hào vì đã làm việc chăm chỉ để chăm lo cho vợ và 4 đứa con. Do đó, khi nhà máy vẫn mở cửa trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh hồi giữa năm nay, Hani vẫn tiếp tục đi làm.

Một buổi sáng tháng 7, người đàn ông 43 tuổi bị sốt. Vợ anh, Nancy đưa chồng đến một phòng khám địa phương và yêu cầu xét nghiệm COVID vì nhà máy đã xuất hiện các ca nhiễm. Kết quả dương tính.

Hani phải cách ly trong bệnh viện. Anh sụt cân nhiều, bắt đầu lảng tránh các cuộc gọi video để khỏi khiến gia đình lo lắng. Khi hai vợ chồng nói chuyện qua điện thoại sau đó, Hani thấy khó thở nên Nancy giục anh nghỉ ngơi. Đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của cặp vợ chồng.

"Con trai 4 tuổi của tôi liên tục hỏi, 'Ayah [bố] đâu rồi? Ayah ở đâu?'", Nancy kể lại trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Hani là một trong ít nhất 20 công nhân khác tại nhà máy của STMicro đã qua đời do nhiễm COVID-19, Bloomberg thông tin thêm.

Bi kịch của một anh công nhân đến bài toán 'khi lợi ích quốc gia và doanh nghiệp đặt trên quyền lợi của người lao động' - Ảnh 1.

Con trai út của Hani Bin Sha'ari xem ảnh của cha mình tại ngôi nhà của gia đình ở thành phố Sungai Rambai, Malaysia. (Ảnh: Bloomberg).

Mặc dù đại dịch đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới, tỷ lệ tử vong tại nhà máy của Hani lại cao hơn mức trung bình của Malaysia lẫn toàn cầu. Theo Bộ Y tế Malaysia, cứ 1.100 người dân Malaysia nhiễm bệnh thì có 1 người tử vong; trong khi Bloomberg ước tính tỷ lệ ở nhà máy này là khoảng 1:210, cao gấp 5 lần.

Cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip của STMicro tại Muar vẫn làm việc ngày đêm khi COVID-19 bùng mạnh để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ các nhà sản xuất ô tô cũng như những khách hàng lớn như Apple, Tesla, Huawei, HP, Samsung và Bosch.

Hầu hết công nhân dây chuyền như Hani đều phải đi làm. Trên thực tế, Hani còn phải làm thêm giờ, 12 giờ mỗi ngày trong 4 ngày liên tục, sau đó nghỉ ngơi hai ngày và tiếp tục như thế. Chỉ khi phát hiện ca nhiễm thì nhà máy mới đóng cửa tạm thời để khử trùng.

Theo một công nhân khác tại nhà máy, STMicro có quy trình phòng chống COVID nhưng thực hiện không thực sự nghiêm túc vào đầu năm nay. Ví dụ, công ty chỉ đo nhiệt độ cho công nhân khi họ vào làm, thay vì phải xét nghiệm. Hơn nữa, STMicro cũng không có hệ thống theo dõi tiếp xúc giữa các công nhân.

"Tôi thực sự rất đau lòng. Nếu STMicro đóng cửa nhà máy khi mọi người nhiễm bệnh vào tháng 6, chồng tôi có lẽ đã không qua đời", Nancy cho hay.

Malaysia - mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip

Theo Bloomberg, các nhà máy tại Malaysia đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Đất nước Đông Nam Á hiện chiếm khoảng 13% công suất thử nghiệm và đóng gói chip trên thế giới.

Các chất bán dẫn phức tạp nhất thường được sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc. Sau đó, chúng được chuyển đến Malaysia để kiểm tra lần cuối và lắp ráp thành linh kiện mà khách hàng đưa vào những sản phẩm như ô tô, tủ lạnh, điện thoại, tai nghe,…

Trước năm nay, chẳng mấy ai lo lắng nhiều về chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài các chuyên gia trong ngành. Do đó, vai trò của các quốc gia đang phát triển như Malaysia hay Philippines thường không được chú trọng.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã trở thành một hồi chuông cảnh báo cho giới lãnh đạo nhà nước, giám đốc doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu, khi mà nguồn hàng iPhone, xe bán tải đến giày thể thao Nike đều có thể thiếu hụt nghiêm trọng.

Bi kịch của một anh công nhân đến bài toán 'khi lợi ích quốc gia và doanh nghiệp đặt trên quyền lợi của người lao động' - Ảnh 2.

Khi Malaysia phải oằn mình chống đỡ đợt dịch thứ hai, tình trạng thiếu chất bán dẫn trầm trọng đã gửi báo động đỏ đến chính phủ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Thời gian chờ đợi các lô hàng chất bán dẫn đạt kỷ lục 18 tuần; các ông lớn xe hơi như Ford Motor phải tạm dừng hoạt động vài tuần;...

Trước sự thúc giục từ khắp các ngả, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia nhận thấy họ phải làm gì đó để giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu chip.

Sau cùng, giới chức tại Malaysia quyết định cho phép các nhà máy sản xuất chip - những doanh nghiệp thiết yếu, được phép hoạt động với khoảng 60% công suất so với bình thường, trong khi phần còn lại của đất nước phải phong tỏa nghiêm ngặt. Chính từ đó, bi kịch của những công nhân ở nhà máy của STMicron đã xảy ra.

Bi kịch của một anh công nhân đến bài toán 'khi lợi ích quốc gia và doanh nghiệp đặt trên quyền lợi của người lao động' - Ảnh 3.

Nhà máy của STMicro (ở giữa bên phải) nhìn từ sông Muar. (Ảnh: Bloomberg).

Malaysia - ví dụ về sự mâu thuẫn giữa lợi ích con người và lợi nhuận

Câu chuyện ở Muar cho thấy cái giá mà chúng ta phải trả để giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru trong dịch bệnh. Đó là cái giá về sinh mạng con người mà không nhiều người hiểu rõ.

Zaid Ibrahim, cựu Bộ trưởng Bộ Pháp chế và Cải cách Tư pháp Malaysia, nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của chính phủ là quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của người lao động so với lợi ích của quốc gia hoặc của doanh nghiệp. Trong ba nhánh này, người lao động là bộ phận yếu thế nhất. Tôi ước chúng ta có thể tránh được những bi kịch này".

Năm 1981, Hani tròn ba tuổi và ông Mahathir Mohamad bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 22 năm trên cương vị thủ tướng Malaysia. Thành tựu mang tính bước ngoặt của ông Mahathir là một kế hoạch kinh tế nhằm biến Malaysia từ một quốc gia chỉ biết sản xuất cao su và khai thác thiếc thành một nước công nghiệp.

Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Intel, Infineon Technologies và STMicro đã giúp kinh tế Malaysia tăng trưởng nhanh chóng trong những năm 1990s. Giai đoạn 1990 - 1997, tức trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, tăng trưởng GDP trung bình của Malaysia là khoảng 9,2%.

STMicron - công ty chế tạo chất bán dẫn lớn thứ 9 thế giới tính theo doanh thu năm 2020, là một trong những nhà tuyển dụng uy tín mà những người trẻ tuổi muốn vào làm việc. STMicron bắt đầu xây dựng nhà máy tại Muar từ năm 1974, hiện có khoảng 4.200 công nhân và một khu đất rộng 5,3 ha.

Ông Peter Hanbury, một đối tác của Bain & Co., cho biết: "Tại Malaysia, nơi ngành công nghiệp điện tử là một nguồn thu lớn cho đất nước, rất khó để cân bằng giữa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp nước ngoài".

Bi kịch của một anh công nhân đến bài toán 'khi lợi ích quốc gia và doanh nghiệp đặt trên quyền lợi của người lao động' - Ảnh 4.

Một trạm xét nghiệm lưu động tại thành phố Shah Alam, Malaysia. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm Hani qua đời, STMicro đã báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, nhờ đó cổ phiếu của công ty này nhảy lên mức cao kỷ lục. Cũng ngày hôm đó, các chính trị gia địa phương đã kêu gọi các bên cùng hành động để ngăn chặn thêm thiệt hại về nhân mạng tại nhà máy của STMicron.

Trong một lá thư gửi cho STMicro, liên đoàn quốc tế IndustriALL Global Union, đã kêu gọi STMicro ưu tiên quyền lợi của công nhân trước lợi nhuận của công ty. Cùng ngày hôm đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia đã ra lệnh đóng cửa toàn nhà máy cho đến hết ngày 4/8.

Phản ứng của chính phủ Malaysia và STMicro đến quá muộn. Hơn nữa, theo lời Nancy, ban đầu STMicro không hỗ trợ tài chính cho gia đình của các công nhân đã qua đời vì cho rằng các trường hợp này không liên quan đến nhà máy.

Sau khi Nancy lên tiếng, STMicro mới đề nghị bồi thường cho gia đình cô: 10 tháng lương cơ bản của Hani khoảng 8.200 USD, trợ cấp tử vong hơn 1.182 USD và chi trả bảo hiểm nhân thọ khoảng 10.640 USD. Tổng cộng là khoảng 20.000 USD. 4 đứa con của cô sẽ nhận được khoảng 120 USD/tháng cho đến khi tròn 20 tuổi.

Đầu tháng 10, Nancy viết thư cho ban quản lý của STMicro đề nghị được hỗ trợ thêm nhưng cuối cùng cô đã bị khước từ. Ở diễn biến khác, CEO Jean-Marc Chery của STMicro kiếm được khoảng 5,7 triệu USD thu nhập trong năm 2020, tương đương khoảng 16.000 USD/ngày.

Có thể 20 ca tử vong tại nhà máy Muar là chưa đáng báo động, nhưng các chính trị gia và giám đốc điều hành doanh nghiệp cần phải nhìn nhận rõ nỗi đau đằng sau những con số thống kê này, để biết đại dịch đã hủy hoại cuộc sống của người lao động đến mức nào, cựu Bộ trưởng Zaid nhấn mạnh.

"Những bi kịch của con người ít khi được kể, và nếu không ai giải thích tường tận, chúng ta sẽ không thể nào học được từ những sai lầm. Câu chuyện ở nhà máy của STMicro thực sự là một bài học cho tương lai", ông Zaid lần nữa nhấn mạnh.

Yên Khê