|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bão Noru gây thiệt hại 237 tỷ, HAGL Agrico lỗ hơn nghìn tỷ 9 tháng

15:10 | 27/10/2022
Chia sẻ
Bên cạnh các vấn đề như thiếu hụt lao động, chi phí phân bón, vật tư, chi phí vận chuyển tăng mạnh so với cùng kỳ, lỗ tỷ giá, thì sự xuất hiện của bão Noru khiến HNG thua lỗ đậm hơn trong quý III.

Lỗ hơn nghìn tỷ sau ba quý đầu năm

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) cho thấy doanh thu thuần đạt 191 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do doanh thu bán trái cây giảm mạnh.

Sản lượng trái cây thu hoạch trong quý đạt 17.396 tấn, giảm 9.991 tấn so với cùng kỳ. Trong khi đó, khai thác mủ cao su đạt 2.653 tấn, tăng gần 35%. 

Chỉ có doanh thu bán mủ cao su tăng trưởng, còn lại các mảng khác của HNG đều sụt giảm so với cùng kỳ. (Nguồn: Thuyết minh BCTC quý III/2022 của HNG).

Công ty kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp 182 tỷ đồng, trong khi quý III năm ngoái lỗ gộp 14 tỷ đồng. Đồng thời, áp lực từ chi phí tài chính, tăng 171% lên 223 tỷ đồng khiến HNG lỗ sau thuế gần 416 tỷ đồng, trong khi mức lỗ quý III năm ngoái là 181 tỷ đồng.

HNG giải trình, trong quý, tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm 35% so với quý III năm ngoái. Giá mua phân bón, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói không tăng so với quý II/2022, tuy nhiên so với quý III/2021 tăng 200%, trong đó vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 60% so với cùng kỳ. Đồng thời, cước phí vận chuyển tăng 13% lên 2.533 USD/container.

Ngoài ra, tại ngày 30/9, tỷ giá đồng LAK của Lào so với USD tiếp tục mất giá 10% và so với VND giảm 5% so với quý II trước đó nên công ty hạch toán ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá gần 142 tỷ đồng.

Bão số 4 Noru cũng là nguyên nhân khiến HNG lỗ nặng hơn trong quý này. HNG cho biết tổng thiệt hại do bão ước tính 237 tỷ đồng, bao gồm 174 tỷ khắc phục vườn cây, 10 tỷ công trình trên đất và 53 tỷ đồng doanh thu thu hoạch chuối (sản lượng thu hoạch giảm 30% so với kế hoạch dự kiến thu trong tháng 10, 11/2022).

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán năm của HNG.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HNG đạt 553 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Công ty lỗ ròng gần 1.086 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 303 tỷ.

Năm nay, HNG dự kiến lỗ hơn 2.700 tỷ đồng do ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây lớn. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HNG nhận định năm 2022 tiếp tục khó khăn hơn năm 2021 khi tình hình giá nguyên vật liệu, phân bón, chi phí vận chuyển tăng cao và khó khăn này dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2023. 

 Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2022 của HNG.

Mục tiêu doanh thu thuần 246 tỷ đồng quý IV 

Quý IV, HNG đặt mục tiêu sản lượng trái cây thu hoạch là 10.242 tấn, khai thác mủ cao su là 5.178 tấn. Doanh thu thuần dự kiến 246 tỷ đồng, tăng 29% so với quý III.

Về mảng cây ăn trái, công ty sẽ tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và công trình trên đất phục vụ sản xuất gồm 10 km hệ thống ống/kênh dẫn nước, 3 hồ trung tâm, 2 hồ trung chuyển và hồ tưới; 10 km tuyến đê bao chống ngập, nâng cấp 15 km đường dây điện 20 KV, đầu tư 17 km đường giao thông, 1 cầu giao thông, 2 xưởng đóng gói, 20 căn nhà và 4 khu nhà ở công nhân. Giá trị đầu tư khoảng 136 tỷ đồng.

Với hoạt động chăn nuôi bò, công ty bước đầu triển khai đầu tư trang trại chăn nuôi bò sinh sản theo mô hình bán chăn thả với quy mô bao gồm xây dựng 6 cụm chuồng trại và nhập 3.000 con bò sinh sản với giá trị đầu tư 240 tỷ đồng.

Về sân bay NongKhang, khối lượng thi công đã hoàn thành đạt 92,34%, khối lượng còn lại sẽ hoàn thành để bàn giao sân bay đầu năm 2023, dự kiến giá trị đầu tư khoảng 87 tỷ đồng.

Tổng số tiền đầu tư trong quý IV là 463 tỷ đồng, lũy lế cả năm là 903 tỷ.

Nợ vay gần 6.900 tỷ cuối quý III

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của HNG đạt 11.535 tỷ đồng cuối quý III, giảm 18% so với đầu năm, tương ứng giảm 2.482 tỷ đồng, phần lớn do giá trị tài sản cố định và chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm.

Khoản tiền mặt của công ty là 92 tỷ đồng, gấp 3 lần ngày đầu năm.

Hàng tồn kho là 1.475 tỷ, các khoản phải thu ngắn hạn là 1.371 tỷ đồng (trong đó phải dự phòng 69 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi), lần lượt giảm 5% và tăng 15,5%.

Tổng nợ vay của HNG tính tới cuối quý III là 6.864 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó vay ngân hàng là 2.809 tỷ đồng, vay từ Công ty mẹ Thagrico là 2.550 tỷ và 1.505 tỷ đồng từ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

So với ngày cuối quý II, số nợ của HNG với HAGL đã giảm 579 tỷ đồng, còn với Thagrico tăng 1.478 tỷ. Trong ba quý đầu năm, HNG chi gần 182 tỷ trả lãi vay.

Tính đến cuối tháng 9, số lỗ lũy kế 4.512 tỷ đồng và khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái âm 5.534 tỷ kéo vốn chủ sở hữu của HNG còn 2.208 tỷ đồng.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.