|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

App đa cấp trá hình như quái vật Hydra, chặt đầu này mọc lên đầu khác

07:40 | 24/04/2021
Chia sẻ
Những ngày gần đây, dư luận xã hội không khỏi xôn xao trước vụ việc hàng loạt ứng dụng có dấu hiệu đa cấp bỗng nhiên "sập", đẩy hàng nghìn người dùng rơi vào trạng thái hoảng sợ, mất trắng số tiền đã đầu tư.

Những dự án, công ty hoạt động theo mô hình đa cấp trá hình luôn là một vấn đề nhức nhối với xã hội. Giống như quái vật nhiều đầu Hydra, cứ chặt một đầu thì lại có cái khác mọc lên, những dự án dạng "mới" luôn xuất hiện với vỏ ngoài mới nhưng cách thức vận hành thì không đổi, đánh vào tâm lý hám lợi của nhiều người. 

Sau trò lừa đảo ngồi nhà xem clip ăn tiền, hiện nay đang xuất hiện vô số trang web, ứng dụng giật đơn ảo, hưởng hoa hồng cao dụ dỗ được rất nhiều người lao vào đầu tư. Tuy nhiên, sự kiện PCHome dừng hoạt động mới đây chính là ví dụ cụ thể nhất cho cách thức nuôi "gà" để thịt của hình thức đa cấp này.

Từ Shopping Mall tới PCHome, bổn cũ soạn lại 

Giật đơn ảo là gì? Khái niệm nghe rất mới, được giới thiệu là hình thức giúp các sàn thương mại điện tử tăng doanh số và tỷ lệ hiển thị của sản phẩm lên trang. Với vỏ bọc là công ty liên kết với những sàn thương mại điện tử lớn như Shoppee, Tiki, Lazada các ứng dụng lừa đảo theo hình thức giật đơn ảo như Shopping Mail, MoXiaomi, PCHome... đã khiến nhiều người tin vào độ uy tín của mình.

Ngoài lý do đó, ứng dụng còn đưa ra một chính sách khiến người dùng không khỏi suy nghĩ, đó là mức hoa hồng cao ngất ngưởng. Đơn cử là PCHome, ứng dụng có thể giúp người tham gia giật đơn ảo có được khoản lãi hoa hồng từ 3,5% mỗi ngày và lai từ 3% - 5% mỗi tháng.

Để tham gia giật đơn, các ứng dụng này yêu cầu người chơi phải nạp tiền để mua các gói VIP, thường sẽ có 6 gói bắt đầu từ mức thấp nhất là hơn 300.000 đồng. Mỗi ngày người dùng PCHome phải hoàn thành nhiệm vụ là giật được 40 đơn hàng/ngày để có thể hưởng lãi suất cao và điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đầu tư tiền để làm nhiệm vụ vì nếu không nạp thì cũng không dễ gì giật được đơn.

Ngoài ra, PCHome cũng có chính sách thưởng hoa hồng cho các thành viên khi giới thiệu người mới.

Từ Shopping Mall cho tới PCHome: Bổn giật đơn cũ nhưng soạn lại vẫn khối người sập bẫy, tại vì sao? - Ảnh 1.

Nhóm Zalo tập hợp những người bị hại ở PCHome. (Ảnh: Chụp màn hình).

Nếu chỉ dựa vào khoản lãi hoa hồng cao thì vẫn còn chưa đủ, để gom được càng nhiều người, PCHome đã tiến hành trả lãi đều đặn, nhanh chóng trong thời gian đầu người chơi tham gia để tạo độ uy tín. Bên cạnh đó, những người đứng sau ứng dụng lừa đảo này thường xuyên tổ chức quảng bá cho PCHome, vừa làm tăng sức hút, vừa làm dày thêm sự tin tưởng của các nhà đầu tư.

Và khi mẻ cá gom được đã đủ lớn, PCHome đã ra cú chốt hạ vào ngày 17/4 vừa rồi. Trước đó, nhóm quản lý ứng dụng đã có những động thái đáng ngờ khi khuyến mãi, kêu gọi người chơi nạp để hưởng ưu đãi nhiều hơn nhưng lại kiếm lý do để che giấu việc không rút tiền được nữa. Đây được xem là cú chốt của PCHome để hoàn thành mục tiêu ôm tiền bỏ chạy.

Hình thức giật đơn ảo kiểu PCHome hiện không còn mới vì đã từng có rất nhiều trang, ứng dụng như thế gồm Shopping Mall, RichN, Nasdaq 666, Tailoc888...

Chiêu trò cũ, nạn nhân thì cả cũ cả mới

Phần lớn các ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo đều tạo ra được lý lịch đủ "sạch" và uy tín khi luôn giới thiệu là được các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee ủy thác, điều này khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng và quyết định tham gia, ngoài khoản lãi hoa hồng cực lớn.

Từ Shopping Mall cho tới PCHome: Bổn giật đơn cũ nhưng soạn lại vẫn khối người sập bẫy, tại vì sao? - Ảnh 2.

Nhóm quản lý PCHome ngang nhiên thừa nhận lừa đảo (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, như các ứng dụng đa cấp trá hình khác, việc đánh vào tâm lý hám lợi chính là thứ quyết định phần nhiều. Đa số đối tượng mà các ứng dụng mời gọi tham gia đều là người đang muốn gia tăng thu nhập, cộng thêm cách thức tham gia dễ dàng: Chỉ cần nạp tiền mua gói hỗ trợ và cứ thế giật được đơn, nhận lãi khủng.

Chưa kể, như đã nói ở trên, các ứng dụng luôn trả thưởng đều đặn, đúng hạn ở thời gian đầu khiến những người đang còn e ngại cũng phải xiêu lòng. Mỗi ngày, khoản lãi cao cứ bơm về túi dù chỉ việc ngồi bấm và chờ hệ thống tự giật đơn khiến nhiều người khó mà giữ được sự hoài nghi mãi.

Thậm chí, có những trường hợp biết là app lừa đảo từ đầu nhưng vẫn muốn "đầu tư" vì cho rằng bản thân có thể rút kịp trước khi app sập.

Không phải là chưa có ai từng lên tiếng về hình thức lừa đảo mới này nhưng với tâm lý hám lợi, nhiều người vẫn bất chấp lao vào dù biết đó là lừa đảo. Một người dùng từng phản ánh với VTV rằng ông đã hoàn được vốn với PCHome nhưng vẫn tiếp tục đầu tư thêm tiền để ăn lãi với suy nghĩ "rút kịp là được" nhưng tính toán đó lại hoàn toàn sai, kéo theo bạn bè và người thân của nhà đầu tư này cũng phải ngậm trái đắng.

Một cái sập thì sẽ có cái mới lên thay thế (Ảnh: Chụp màn hình).

Chỉ vài ngày sau khi PCHome "bốc hơi', trên các diễn đàn, hội nhóm Facebook lại xuất hiện nhiều bài đăng mời gọi người chơi tham gia các ứng dụng mới với mục đích gỡ vốn sau khi mất vào tay PCHome. Lợi dụng tâm lý muốn cải thiện thu nhập, lấy lại số tiền đã mất nhanh chóng, những ứng dụng mới còn trắng trợn khuyên người dùng từ bỏ việc tố cáo, kiện tụng để lao vào cuộc chơi "đầu tư sinh lãi" mới.

Vượng Phát