|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xe điện trên đường trở thành 'nhân tố mới' với các doanh nghiệp vận tải & logistics - giao nhận?

10:26 | 23/05/2023
Chia sẻ
Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp vận tải & logistics - giao nhận tại Việt Nam như Lado Taxi, ASV Airports Taxi, Gojek, Baemin,... đã thử nghiệm và áp dụng xe điện vào hoạt động kinh doanh. Phải chăng xe điện sẽ trở thành một "nhân tố đặc biệt mới" trong các lĩnh vực này?

Thời gian qua, tại thị trường Việt Nam, xu hướng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải – giao nhận chuyển hướng từ xe xăng sang sử dụng xe điện đã “nở rộ” thành một trào lưu có thể dễ dàng nhận thấy.

Mới đây, vào giữ tháng 5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Cảng hàng không Việt Nam (ASV) - đơn vị sở hữu thương hiệu ASV Airports Taxi - đã ký hợp đồng thuê 500 ô tô điện VinFast với Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) để sử dụng cho dịch vụ taxi sân bay.

ASV Airports Taxi thuê 500 xe VinFast VF e34 từ GSM nhằm đem đến cho khách hàng dịch vụ di chuyển xanh và thông minh. Theo kế hoạch, GSM sẽ bàn giao 500 xe theo từng giai đoạn, trong đó, dự kiến bàn giao 100 xe đầu tiên ngay trong tháng 5/2023. Thời hạn thuê là 36 tháng kể từ thời điểm bàn giao xe, có thể được gia hạn tuỳ vào nhu cầu sử dụng thực tế. Dự kiến, dịch vụ taxi điện của ASV sẽ chính thức đi vào vận hành ngay trong tháng 5/2023.

Trước đó, từ tháng 5/2022 đến nay, Lado Taxi đã mua tổng cộng 150 xe VinFast VF e34 để cung cấp dịch vụ taxi điện tại Lâm Đồng và Bình Định. Cuối tháng 3/2023, Lado Taxi cũng ký hợp đồng thuê 300 xe VF e34 và 200 xe VF 5 Plus từ công ty GSM. 

Tới ngày 20/5, Công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi đã ký hợp đồng mua thêm 300 xe điện VF 5 Plus với VinFast, nâng tổng số xe ô tô điện VinFast trong dàn xe taxi của hãng lên gần 1.000 chiếc vào cuối năm nay. Theo kế hoạch chuyển đổi xanh đến năm 2025, 95% xe taxi của Lado sẽ là xe điện.

Xe VinFast điện đến với hãng taxi Lado. (Ảnh: Lado Taxi).  

Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như Ahamove, Én Vàng cũng đã ký kết hợp tác với GSM nhằm điện hóa dịch vụ vận tải hành khách tại Lâm Đồng, Bình Định, Đà Nẵng, Hải Phòng và các tỉnh thành khác trên cả nước.

Không chỉ ô tô điện, mà ngay cả xe máy điện cũng đang được các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải – giao nhận áp dụng nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của mình. Chẳng hạn, Gojek, nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á, và Dat Bike, một trong những thương hiệu xe máy điện của Việt Nam, vừa qua đã công bố hợp tác thí điểm sử dụng xe máy điện để phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng Gojek tại Việt Nam.

Với quan hệ hợp tác này, Gojek trở thành hãng gọi xe công nghệ đầu tiên tại Việt Nam triển khai vận chuyển hành khách bằng xe máy điện, bên cạnh các dịch vụ theo yêu cầu khác, và là nền tảng công nghệ đầu tiên hợp tác với Dat Bike.

Ảnh minh họa. 

Trước đó, trong tháng 4, ứng dụng giao đồ ăn Baemin cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Selex Motors để triển khai việc sử dụng xe máy điện của các đối tác tài xế, nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Ứng dụng giao đồ ăn Baemin mong muốn hỗ trợ tài xế chuyển sang xe máy điện từ phương tiện xe xăng truyền thống, góp phần giúp họ tiết kiệm chi phí trong quá trình vận chuyển đơn hàng.

 Xu hướng toàn cầu và những tác động tích cực

Có thể thấy, trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải – giao nhận tại Việt Nam đã tích cực hơn trong việc chuyển đổi từ xe xăng trên xe điện. Thực tế, xu hướng này không còn mới và đã được nhiều đơn vị trên toàn cầu áp dụng từ những năm trước.

Tại Trung Quốc, nơi được coi là thị trường xe điện số một thế giới hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng xe điện. Đơn cử như Meituan, hãng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc từng ký với Li Auto, hãng xe điện lớn thứ hai thế giới hiện tại xét về giá trị vốn hóa thị trường, để cho phép đơn vị sử dụng tài sản trí tuệ (IP) của nhà sản xuất ô tô nhằm phát triển các phương tiện giao hàng tự động vào năm 2021.

Meituan sẽ trả cho Li Auto một khoản phí dựa trên cả tỷ lệ không được tiết lộ và số lượng xe mà hãng sản xuất dựa trên IP được cấp phép, theo hồ sơ. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hy vọng thỏa thuận này sẽ mang lại lần lượt 500.000 nhân dân tệ (77.208 USD), 10 triệu nhân dân tệ và 27,5 triệu nhân dân tệ trong ba năm cho đến năm 2023, theo Caixin Global.

"Siêu ứng dụng" ngành giao đồ ăn tại Đông Nam Á Foodpanda hợp tác cùng Gogoro và Cycle & Carriage ở Singapore. (Ảnh: PR Newswire).

Gần hơn, vào tháng 3, “siêu ứng dụng” trong ngành giao đồ ăn tại Đông Nam Á là Foodpanda cũng đã ký kết mối quan hệ hợp tác với Gogoro và Cycle & Carriage để thí điểm hoạt động hoán đổi pin hỗ trợ các phương tiện xe điện hai bánh cho các hoạt động giao hàng chặng cuối tại Singapore, theo PR Newswire.

Theo Global Logistics Network, ngành vận tải – logistics và giao nhận từ trước tới nay có truyền thống sử dụng các phương tiện trang bị động cơ đốt trong, song những phương tiện này lại đang gây ra lượng khí thải carbon khổng lồ ra môi trường.

Theo báo cáo có tiêu đề “The Future of the Last-Mile Ecosystem” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổng hợp, hoạt động vận chuyển và giao hàng truyền thống chiếm tới 24% lượng khí thải carbon ra môi trường hàng năm.

Do đó, việc áp dụng các phương tiện chạy bằng điện vào trong lĩnh vực này là một giải pháp thay thế tiềm năng đối với các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, một số ưu điểm khi áp dụng xe điện vào hoạt động kinh doanh vận tải & logistics cũng như giao nhận có thể kể tới như tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi giá nhiên liệu tăng cao, thân thiện với môi trường, được chính phủ nhiều quốc gia ủng hộ và hỗ trợ,…

Tuy nhiên, việc áp dụng không phải là không có mặt trái. Chẳng hạn, theo Global Logistics Network, lý do khiến nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu chưa vội áp dụng xe điện vào hoạt động kinh doanh có thể là vì chi phí cao. Dù giá pin đã giảm trong khoảng một thập kỷ qua, song chi phí nói chung với xe điện vẫn là tương đối cao.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan tới trạm sạc cũng có thể gây gián đoạn hoạt động kinh doanh vận tải – giao nhận, một yếu tố đặc biệt quan trọng trong ngành này. Bên cạnh đó, việc triển khai xe điện còn chậm và chủ yếu mới dừng lại ở các loại xe thương mại nhẹ, dẫn tới việc chưa đủ sản phẩm phù hợp với hoạt động của các đơn vị.

Tiềm năng tại Việt Nam

Dù vẫn còn những mặt hạn chế, song không thể phủ nhận rằng xe điện đang ngày càng nhận được nhiều phản hồi tích cực hơn từ người dùng tại Việt Nam. Vào năm 2022, ông Trần Lê Hoài Bảo – Giám đốc sản phẩm AhaFast từng chia sẻ với truyền thông rằng điện hóa là xu hướng đã phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, theo CAND.

“Tại Việt Nam, xu hướng này bắt đầu được các hãng xe quan tâm trong những năm gần đây. Với việc hợp tác cùng VinFast triển khai dịch vụ AhaFast, chúng tôi mong muốn chứng minh được sự phù hợp, tiện lợi và cơ hội phát triển của xe điện đối với ngành vận tải, từ đó, góp phần vào cuộc cách mạng “xanh”, bắt kịp xu hướng thế giới”, ông Bảo cho biết.

Ông Trần Lê Hoài Bảo – Giám đốc sản phẩm AhaFast. (Ảnh: CAND).

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhấn mạnh: “Trong những năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành vận tải nói chung, ngành taxi nói riêng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của một số loại hình taxi công nghệ, giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng không nhỏ ngành nghề vận tải. Nhiều doanh nghiệp phải bán phương tiện để trả nợ.

Bởi vậy, hiện nay việc vực dậy ngành nghề này cần phải tìm một hướng đi mới, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xu thế ngành vận tải thế giới, đặc biệt là áp dụng công nghệ, sử dụng các phương tiện tiên tiến trong kinh doanh như xe ô tô điện”.

Về xu thế sử dụng xe điện trong ngành kinh doanh vận tải, ông Hồ Quốc Phi, Phó chủ tịch, Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, ô tô điện có thể được xem là tương lai của nền công nghiệp ô tô thế giới hiện nay bởi không những giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, loại phương tiện này còn tiện dụng hơn rất nhiều so với các dòng xe chạy bằng xăng dầu.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, các doanh nghiệp taxi đưa xe điện vào khai thác là một tất yếu. Trên thế giới, taxi điện được nghiên cứu và khai thác từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có nghiên cứu, đánh giá các yếu tố an toàn đối với người lao động và hành khách để lựa chọn nhà cung cấp phương tiện.

Doanh Chính

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.