|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Video streaming: Ngành công nghiệp tỷ đô thu hút nhà nhà người người lên sóng, tỷ phú cỡ Jack Ma cũng không chối từ

20:08 | 06/06/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường video streaming toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 21% vào năm 2021 và sẽ đạt 223,98 tỷ USD vào năm 2028.

Năm 2018, người tiêu dùng Trung Quốc chắc không khỏi bất ngờ với hình ảnh tỷ phú Jack Ma - một doanh nhân được rất nhiều người thần tượng đang livestream... bán son. Đây là một cuộc thi giữa Jack Ma với "Ông hoàng son môi" Trung Quốc, Austin Li - người đã từng bán 15.000 thỏi son chỉ trong vòng 20 phút trên Taobao. 

Và Jack Ma không phải là tỷ phú duy nhất ở Trung Quốc lên sóng livestream bán hàng. James Liang Jianzhang, chủ tịch của Trip.com cũng thường xuất hiện trên livestream với những bộ trang phục cổ trang để giới thiệu sản phẩm mới của công ty. Đại Gia công nghệ Charles Zhang, người sáng lập Sohu.com cũng đã tham gia đội quân bán hàng online trên livestream và thu về những con số rất tích cực.

Livestream: Ngành công nghiệp tỷ đô thu hút nhà nhà người người lên sóng, tỷ phú cỡ Jack Ma cũng không chối từ - Ảnh 1.

Tỷ phú Jack Ma livestream bán son (Ảnh: SCMP).

Ngoài Austin Li, "Nữ hoàng livestream Trung Quốc" Huang Wei hay Viya cũng là một cái tên nổi tiếng trong giới bán hàng trực tuyến. Nhờ bán hàng qua livestream, Huang Wei đã trở thành một tỷ phú với mức thu nhập khủng hàng năm, khối tài sản của cô ước tính là 1,4 tỷ USD. 

Ngoài ra, Huang Wei còn nổi tiếng với khả năng bán bất cứ thứ gì qua mạng, tháng 4/2020, cô livestream bán một quả tên lửa vũ trụ thương mại sản xuất ở thành phố Vũ Hán với giá 40 triệu nhân dân tệ (5,6 triệu USD) cho công ty công nghệ vệ tinh Chang Guang của Trung Quốc.

Video streaming - ngành công nghiệp tỷ đô bùng nổ mạnh trong thời COVID-19

Livestream là hình thức phát video trực tuyến, khi nội dung được truyền qua mạng internet trong thời gian thực mà chưa được quay và lưu trữ lại khác với hình thức phát video trong quá khứ. Ngày nay, truyền hình trực tiếp, phát trực tuyến video game và phát video trực tiếp trên mạng xã hội đều được xem là livestream.

Trong báo cáo của Grand View Research, giá trị vốn hóa thị trường năm 2020 của ngành streaming video đạt 50,11 tỷ USD và được trông chờ sẽ tăng trưởng, mở rộng tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở mức 21% từ năm 2021 đến 2028.

Vài năm trước, không ít người đã cho rằng ngành công nghiệp livestream tại Trung Quốc sẽ sớm đến chi phí hàng chục triệu Nhân dân tệ mỗi năm để chi trả cho đội quân bán hàng online nhưng không còn duy trì được số người xem ở mức cao. 

Thế nhưng, khi đại dịch COVID-19 ập tới, ngành công nghiệp này lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ nhờ lượt xem tăng đáng kể khi hàng triệu người phải ở trong nhà nhiều hơn. Ngoài ra, livestream trực tuyến cũng phát triển nhờ nhanh chóng tích hợp các tính năng mới cùng, kết hợp với nền tảng thương mại điện tử và nhiều hình thức giải trí khác nhau.

Livestream: Ngành công nghiệp tỷ đô thu hút nhà nhà người người lên sóng, tỷ phú cỡ Jack Ma cũng không chối từ - Ảnh 2.

Viya - nữ hoàng livestream Trung Quốc, người được khen ngợi với khả năng bán bất cứ thứ gì qua livestream (Ảnh: SCMP)

Đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1/4 dân số thế giới phải ở trong nhà, khi đó các dịch vụ giải trí và phát trực tuyến lên lại lên ngôi. Trong quãng thời gian phong tỏa, các dịch vụ phát trực tuyến video đã chứng kiến lượng người xem tăng khoảng 18%, theo báo cáo của Grand View Research.

Các nền tảng như Netflix, Amazon Prime Video, YouTube, Disney đều ghi nhận số lượng người xem tăng đột biến trên toàn thế giới. Trong tháng 3/2020, Netflix ghi nhận số lượt cài đặt ứng dụng tăng hơn 50% tại Ý và hơn 30% ở Tây Ban Nha.

Các nền tảng phát trực tiếp hỗ trợ giải trí, chơi game, giao lưu, nói chuyện cũng gia tăng trong quãng thời gian này. Twitch, YouTube Live, Facebook Live là một cái tên nổi bật. Cũng trong tháng 3/2020, lượng người xem Twitch đã tăng 31% khi có nhiều người kết nối với nhau qua nền tảng phát trực tiếp này hơn.

Xu hướng ngành công nghiệp video streaming trong năm 2021

Theo báo cáo Grand View Research, thị trường video stream trực tuyến được trông chờ chạm tới con số 59,14 tỷ USD trong năm 2021 và con số đó có khả năng vượt hơn khi Techjury đã có một số thống kê như sau: 96% người được hỏi cho rằng họ hiểu nhiều hơn về sản phẩm thông qua video stream; các công ty sử dụng video để quảng cáo có lượt traffic tăng 41%; số % người tiêu dùng mua hàng qua các nền tảng di động là 40% và 74% người thuộc thế hệ Gen Y (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) cảm thấy hữu ích khi được so sánh sản phẩm trên video trực tuyến.

Những con số có thể cho thấy video trực tuyến giờ không còn phục vụ mục đích giải trí nữa. Nó đã được sử dụng như một công cụ tăng trưởng kinh doanh bởi các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp trong nhiều năm. Chính những biến động trong năm 2020 đã khiến con diều "kinh doanh trực tuyến" gặp gió bay cao.

Mặc dù, Twitch được xem là ứng dụng livestream lớn nhất thế giới với hơn 9,3 tỷ giờ xem nhưng Facebook đang cho thấy thế mạnh bán hàng từ các buổi livestream "chốt đơn" trên nền tảng này, song hành cùng các ứng dụng sàn TMĐT.

Chuyên gia truyền thông xã hội Mari Smith nhận định: "Năm 2021, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng video trực tiếp cùng với hoạt động mua sắm theo thời gian thực trên cả Facebook lẫn Instagram." 

Vị chuyên gia cũng cho biết nếu việc bán hàng trực tuyến qua livestream thuận lợi, có nhiều khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ không quay trở lại với hình thức bán hàng truyền thống nữa.

Trong năm 2020, các dạng video ngắn như TikTok đang lên ngôi và sẽ còn bùng nổ trong năm 2021. Chính vì thế, khi thực hiện livestream, một đoạn nội dung của buổi live đó có thể được chọn để chỉnh sửa cẩn thận rồi đưa lên các nền tảng như TikTok, Facebook Story, Instagram Story và chúng sẽ được liên kết với video gốc. Ngoài ra, sử dụng các nền tảng video cũng là một cách để quảng cáo trước cho một buổi livestream sắp được lên sóng.

Vượng Phát