|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

[Video] Cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán trong 20 năm

09:00 | 22/07/2020
Chia sẻ
Trên chặng đường 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, các công ty chứng khoán với vai trò cầu nối góp phần quan trọng cho sự phát triển. 20 năm qua cũng là cuộc đua tăng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán, có "chú bé tí hon" trở thành "người khổng lồ" nhưng cũng có những tên tuổi lớn bỏ cuộc và đi vào dĩ vãng.
[Video] Cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán trong 20 năm - Ảnh 1.

So với nhiều thị trường có qui mô lớn tại Châu Á, thậm chí trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường non trẻ. Mặc dù vậy, chứng khoán Việt Nam vẫn đạt được những dấu ấn trên chặng đường 20 năm hình thành và phát triển.

Điểm nhấn, từ kênh đầu tư hoàn toán mới mẻ đối với người dân, chứng khoán dần thu hút sự quan tâm của công chúng. Tính đến cuối tháng 6/2020, TTCK Việt Nam có hơn 2,5 triệu tài khoản giao dịch.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng là kênh huy động vốn quan trọng của nhiều "ông lớn" như Vingroup, Vinamilk, Masan, Vietcombank. Hoạt động IPO, niêm yết cổ phiếu trên sàn được xem như chiến lược của nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước. 

Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về IPO trong năm 2018 nhờ các thương vụ Techcombank, Vinhomes. Trước đó không lâu, thương vụ thoái vốn 5 tỉ USD tại Sabeco của Bộ Công thương cũng gây được tiếng vang lớn trong khu vực.

Để đạt được những thành công trên, không thể không nhắc đến vai trò lớn của các công ty chứng khoán với vai trò cầu nối công ty niêm yết, thị trường và các nhà đầu tư.

Với sự vận động không ngừng của thị trường, các công ty chứng khoán cũng phải liên tục phát triển về qui mô để đáp ứng nhu cầu. Minh chứng rõ nét nhất là qui mô vốn điều lệ. Có thể nói rằng 20 năm qua là "cuộc đua" gay cấn về vốn của các công ty chứng khoán, đặc biệt là khối tư nhân.

Sự thay đổi về vốn điều lệ của các công ty chứng khoán hàng đầu trong 20 năm qua (2000 - 2020) được thể hiện trong video dưới đây:

Thay đổi vốn điều lệ của công ty chứng khoán sao 20 năm (2000 - 2020). Video: Lợi Hoàng

Sơ khai TTCK Việt Nam có 7 công ty chứng khoán gồm Bảo Việt (BVSC), Chứng khoán BIDV (BSC), Sài Gòn (nay là SSI), Đệ Nhất (nay là Yuanta), Thăng Long (nay là MBS), ACBS, Chứng khoán VietinBank (CTS). Cuối năm 2000, Chứng khoán Agribank (Agriseco) được thành lập. 

Tại vạch xuất phát, những công ty chứng khoán được các ngân hàng hậu thuẫn có tiềm lực tài chính lớn. Đơn cử, Agriseco - công ty con của Agribank đứng đầu về qui mô vốn điều lệ với 60 tỉ đồng, theo sau là Chứng khoán BIDV (55 tỉ đồng), Chứng khoán VietinBank (55 tỉ đồng), ACBS (43 tỉ đồng), BVSC (43 tỉ đồng).

Thời điểm đó Chứng khoán Sài Gòn (nay là SSI) được xem như "chú bé tí hon" trên thị trường với vốn điều lệ vỏn vẹn 6 tỉ đồng, xếp sau Chứng khoán Thăng Long (nay là MBS) với vốn 9 tỉ đồng.

Những năm sau đó, công ty chứng khoán trở thành "mốt" khi hầu hết các ngân hàng mở ra như Vietcombank với VCBS, Sacombank với SBBS. Nhiều tập đoàn lớn của nhà nước cũng đầu tư ngoài ngành, thành lập công ty chứng khoán tại thời điểm đó như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Hóa chất.

Cao trào của việc thành lập công ty chứng khoán là giai đoạn 2006 - 2009. Đây cũng là thời kì thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ. Cuối năm 2010, có đến 102 công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ồ ạt mở ra, nhiều tổ chức hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, mất an toàn vốn. Thực trạng trên dẫn đến việc phải tái cấu trúc lại các công ty chứng khoán. 

Giai đoạn 2011 - 2020, số lượng công ty bị thu hẹp với nhiều hình thức khác nhau như hợp nhất, sáp nhập, hủy bỏ tư cách thành viên, giải thể. Điều đáng tiếc là công ty chứng khoán Kim Long với qui mô vốn hàng nghìn tỉ đồng đã chính thức bị xóa tên.

Song song với công cuộc tái cấu trúc các công ty chứng khoán nội là làn sóng các công ty chứng khoán ngoại từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đổ bộ.

Ghi nhận của người viết tại thời điểm cuối năm 2019, cả 4 tổ chức lớn nhất tại Hàn Quốc đều đã hiện diện trên TTCK Việt Nam gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities và Korea Investment and Securities. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam.

Nội dung trên đã phác thảo sơ bộ về những dấu mốc phát triển hoạt độngcông ty chứng khoán tại Việt Nam.

[Video] Cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán trong 20 năm - Ảnh 3.

Trở lại "cuộc đua" tăng vốn của các công ty chứng khoán. Công bằng để nói rằng, 20 năm qua ghi nhận những thành tích ấn tượng của khối công ty chứng khoán tư nhân. 

Mặc dù xuất phát điểm hạn chế về tiềm lực tài chính, nhiều công ty chứng khoán tư nhân đã vươn lên trở thành "ông lớn" với qui mô vốn hàng đầu thị trường.

Điển hình nhất là công cuộc tăng vốn của Chứng khoán SSI. Sau 20 năm hoạt động, vốn điều lệ của SSI tăng hơn 1.000 lần. Tính đến 30/6, qui mô vốn điều lệ của Chứng khoán SSI là 6.029 tỉ đồng, lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Nguồn tài chính để Chứng khoán SSI tăng vốn rất đa dạng như bán vốn cho cổ đông chiến lược tại Nhật Bản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, ESOP. Tuy nhiên, nội lực quan trọng nhất đó là nguồn lợi nhuận giữ lại từ hoạt động kinh doanh của công ty.

Như vậy, từ một "chú bé tí hon" trong những ngày đầu thành lập, Chứng khoán SSI đã vươn lên trở thành "người khổng lồ" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với SSI, hàng loạt công ty chứng khoán tư nhân khác cũng tăng vốn điều lệ hàng chục lần kể từ khi thành lập như HSC (61 lần), VNDirect (44 lần), Rồng Việt (10 lần).

Tại nhóm các công ty chứng khoán ngoại, với tiềm lực tài chính lớn từ tập đoàn mẹ, các công ty này đã liên tục tăng vốn để trở thành đơn vị có qui mô vốn hàng đầu trên thị trường. Tính đến cuối tháng 6/2020, Mirae Asset (Việt Nam) đứng thứ hai về vốn điều lệ với 5.456 tỉ đồng. 

Top5 công ty chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam còn có đại diện khác từ Hàn Quốc là KIS với vốn điều lệ 2.596 tỉ đồng tại thời điểm 30/6.

[Video] Cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán trong 20 năm - Ảnh 4.

Về phần công ty chứng khoán là công ty con của các ngân hàng thương mại, mặc dù sớm về đích trong chặng đua tăng vốn lên nghìn tỉ đồng, nhưng nhiều đơn vị vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc để tìm lại chính mình. Đơn cử như Agriseco của Ngân hàng Agribank.

Một số công ty chứng khoán khác lại đang tìm kiếm các đối tác chiến lược để bán vốn, tăng quy mô vốn như MBS, Chứng khoán VietinBank, Chứng khoán BIDV. Kì vọng đây sẽ là điểm nhấn của các công ty chứng khoán này khi chúng tôi tổng hợp "cuộc đua" về vốn điều lệ trong 30 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tựu chung lại, 20 năm qua là cuộc đua không ngừng nghỉ về vốn của các công ty chứng khoán tại Việt Nam. Đâu đó có những thời điểm, những cái tên bị bỏ lại trên chặng đường dài nhiều chướng ngại vật. Nhưng với những nỗ lực cải tổ, kì vọng rằng các công ty chứng khoán tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa để lại có một "cuộc đua" gay cấn hơn trong chặng 30 năm sắp tới.

[Video] Cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán trong 20 năm - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI. Ảnh: SSI

Dẫn lời từ trang cá nhân của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI, những gì đã làm được trong 20 năm qua giờ đã là quá khứ, đã được gọi là “ngày hôm qua”, tất cả chỉ còn lại là kí ức dù thành quả hiện nay đã tốt hơn cả những tưởng tượng trong mơ của mỗi người lúc ấy. 

Tương lai của thị trường chứng khoán, những gì được gọi là “ngày mai”, những cơ hội và thách thức với các thành viên thị trường, rồi vai trò huy động vốn chủ đạo của nền kinh tế, rồi là địa chỉ tin cậy để người dân tin tưởng giữ tài sản thay vì chỉ gửi tiết kiệm, mua vàng, ngoại tệ hay bất động sản... Tất cả những mơ ước lớn lao ấy đều phụ thuộc vào “ngày hôm nay” chúng ta hành động như thế nào.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lợi Hoàng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.