|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sức hút lớn của SPAC tại Đông Nam Á khi hàng loạt kỳ lân khu vực lựa chọn IPO thông qua sáp nhập

15:07 | 16/04/2021
Chia sẻ
Các startup kỳ lân ở Đông Nam Á như Sea, Grab, Traveloka đã lựa chọn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), trở thành tâm điểm và làn sóng SPAC tại khu vực đang nóng dần lên.

Thời gian qua, một số công ty ở khu vực Đông Nam Á đang cuốn theo làn sóng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua việc hợp nhất với các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Một số thương vụ nổi bật như Grab (Singapore) chuẩn bị lên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq thông qua SPAC với mức định giá dự kiến gần 40 tỷ USD. Traveloka cũng đang đàm phán sâu để IPO thông qua việc sáp nhập với Bridgetown Holdings, một công ty SPAC do tỷ phú Richard Li và Peter Thiel hậu thuẫn.

Tại Việt Nam, hãng ô tô VinFast của Vingroup và hãng hàng không Bamboo Airways của FLC đang có ý định IPO trên sàn chứng khoán Mỹ. Các công ty không nói rõ sẽ gia nhập thị trường đại chúng theo phương thức nào nhưng sáp nhập với SPAC cũng là một lựa chọn không tồi để IPO gián tiếp.

Theo nhận định từ cây viết Marissa Lee trên trang tài chính Preqin, 2021 là một năm bùng nổ lớn đối với Đông Nam Á. Các công ty "kỳ lân" có giá trị nhất trong khu vực đang chuẩn bị cho kế hoạch IPO theo phương thức truyền thống hoặc hợp nhất với các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Sau cơn sốt gây quỹ ở Phố Wall vào năm ngoái, khoảng 320 công ty SPAC cùng 100 tỷ USD được tạo ra để "săn lùng" các doanh nghiệp đang có nhu cầu niêm yết thực sự, theo nghiên cứu từ SPAC Research. Điều này đã mở ra tầm nhìn về các cơ hội trong các lĩnh vực kinh tế mới của Đông Nam Á.

Vì sao SPAC có sức hút lớn tại Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm Châu Á áp dụng chiến lược rút lui thông qua IPO và bán cổ phần, giai đoạn 2011 - 2021. (Nguồn: Preqin, Việt hóa: Tường Vy).

Nếu một thỏa thuận được ký kết, đây sẽ là một thời khắc chuyển mình cho hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm mới nổi của Đông Nam Á. Dữ liệu của Preqin (Hình 1) cho thấy trong khi các thương vụ IPO là chiến lược rút lui phổ biến của nhà đầu tư mạo hiểm châu Á nói chung, thì ở Đông Nam Á, các thương vụ IPO khá ít ỏi (Hình 2).

Thương vụ IPO gần đây nhất của một kỳ lân Đông Nam Á là Sea (Singapore) trị giá 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán New York (NYSE) vào năm 2017. 

Ông David Gowdey, một thành viên trong ban điều hành quỹ đầu tư Jungle Ventures tại Singapore, đã lưu ý rằng chỉ một số công ty ở Đông Nam Á sẵn sàng trở thành công ty đại chúng ở Mỹ.

"SPAC là một trong nhiều cách để tiến vào thị trường đại chúng Mỹ, nhưng bất kể là cách nào, một công ty vẫn cần đáp ứng đủ điều kiện để được niêm yết.

Chẳng hạn như phải có đủ quy mô (định giá/vốn hóa thị trường) để nhận được sự chú ý từ các nhà phân tích, nhà đầu tư theo tổ chức và nhà đầu tư nhỏ lẻ; tính nhất quán hoặc ổn định trong hoạt động để có thể dự báo chính xác kết quả kinh doanh hàng quý", ông Gowdey chia sẻ.

Vì sao SPAC có sức hút lớn tại Đông Nam Á? - Ảnh 3.

Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á áp dụng chiến lược rút lui thông qua IPO và bán cổ phần, giai đoạn 2011 - 2021. (Nguồn: Preqin, Việt hóa: Tường Vy).

Thật vậy, trong năm ngoái, thị trường giá lên sôi động ở Mỹ cùng với sự bùng nổ của SPAC đã tạo ra một làn sóng rút lui hấp dẫn cho các công ty "kỳ lân" ở Đông Nam Á. Cuộc đầu tư vào Đông Nam Á cũng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Cây viết của Preqin lấy ví dụ tại Indonesia và dẫn lời ông Willson Cuaca, một thành viên trong ban điều hành quỹ đầu tư East Ventures, cho biết: "Tại Indonesia có tới 197 triệu người dùng internet, tương ứng tỷ lệ 74%.

Thị trường đã được định hướng và mọi người đều biết cách thực hiện thanh toán kỹ thuật số. Chúng tôi đã chứng kiến nền kinh tế internet hiệu quả như thế nào và toàn bộ khu vực đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp cho quỹ đầu tư tư nhân gia nhập thị trường".

Ông Cuaca cũng nói thêm rằng các khoản đầu tư vào công nghệ được ưa chuộng nhưng đều tập trung ở Mỹ. Sea đã hoạt động rất tốt và do đây là công ty duy nhất đại diện cho công nghệ của Đông Nam Á nên tất cả số tiền của nhà đầu tư Mỹ đổ vào đây. Hiện Sea đang là công ty chủ quản của sàn thương mại điện tử Shopee và nền tảng Garena.

Ngoài thương vụ trên, các trường hợp khác đều là thương vụ tư nhân, thị trường đại chúng cần nhiều lựa chọn thay thế hơn để đầu tư, ví dụ như Gojek, Traveloka hoặc Tokopedia.

Để chắc chắn, không chỉ các SPAC niêm yết tại Mỹ đang tìm kiếm các mục tiêu ở Đông Nam Á. Sự thành công của các đợt IPO của SPAC với các nhà đầu tư Mỹ đang thúc đẩy nhiều đơn vị trong khu vực thành lập các SPAC của riêng họ.

Ông Gowdey cho rằng việc đầu tư vào thị trường tư nhân là hoạt động kinh doanh rất khó khăn và phức tạp do thiếu tính thanh khoản. Mặc khác, đặt cược vào các đợt IPO của SPAC khác so với việc đầu tư vốn mạo hiểm.

Phía ông Cuaca cũng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư tư nhân và các công ty đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á thành lập SPAC trong những tháng tới. 

Tuy vậy, ông cũng lưu ý những thách thức mà SPAC cần đối mặt như khả năng hợp nhất với công ty mục tiêu; hay thực tế ở Đông Nam Á không có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm có danh mục công ty đã đầu tư sẵn sàng gia nhập thị trường đại chúng.

Các SPAC thường hoạt động trong vòng hai năm kể từ khi IPO để hợp nhất với một mục tiêu hoặc phải đối mặt với việc thanh lý, đồng thời cạnh tranh các giao dịch rất khốc liệt. 

Do đó, việc xây dựng một công ty SPAC có ý nghĩa nhất đối với các công ty đầu tư tư nhân hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư đủ lâu để sở hữu danh mục công ty sẵn sàng cho thị trường, đồng thời nắm giữ ảnh hưởng cần thiết đối với danh mục đó.

Đối với những công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn tăng trưởng ở giai đoạn cuối, việc lựa chọn nhà tài trợ SPAC phù hợp có thể là chìa khóa cho sự thành công lâu dài của doanh nghiệp cũng như cách họ hoạt động trên thị trường đại chúng.

Tường Vy