|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao Bamboo Capital muốn IPO mảng năng lượng ra quốc tế?

07:39 | 30/08/2021
Chia sẻ
Bamboo Capital dự kiến IPO BCG Energy ra quốc tế nhằm giảm tỷ lệ nợ xuống mức thấp hơn trong bối cảnh doanh nghiệp này đang đầu tư lớn vào hai lĩnh vực bất động sản và năng lượng với một lượng lớn vốn vay tăng đột biến trong khoảng hơn 1 năm qua.
Vì sao Bamboo Capital muốn IPO mảng năng lượng ra quốc tế? - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Thông tin mới đây từ ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) cho biết, doanh nghiệp này đang muốn IPO mảng năng lượng tái tạo ra thị trường quốc tế. 

Thực tế, thông tin này là không mới khi tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 5/2021, ông Tuấn cũng đã tiết lộ với cổ đông về kế hoạch này từ nay đến năm 2025. 

Theo ông Tuấn, BCG đang có kế hoạch xây dựng 500 MW các dự án điện gió, 164 MW các dự án điện mặt trời. Đây là các dự án dang dở trong năm 2020. Đồng thời tập đoàn cũng đang thực hiện các dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 50 MW.

Dự kiến các công trình điện mặt trời sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm nay và dự án điện gió vào năm 2022. Còn lại công ty đang chờ quy hoạch điện VIII sau đó mới có kế hoạch tiếp theo để phát triển thêm dự án.

Hiện các dự án năng lượng đã đóng điện vào cuối năm ngoái đã bắt đầu tạo ra dòng tiền cho BCG. Lần chia sẻ gần nhất, ông Phạm Minh Tuấn cho biết mảng năng lượng sẽ đóng góp khoảng 216 tỷ đồng lợi nhuận cho BCG trong năm nay, tức chiếm khoảng 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm của tập đoàn.

Sang các năm sau, ông Tuấn kỳ vọng kết quả của mảng này sẽ tăng dần lên khi BCG sẽ ghi nhận các dự án triển khai và đưa vào hoạt động, tái cơ cấu các dự án cũng như M&A dự án.

Việc BCG chọn năng lượng tái tạo là hoạt động huyết mạch bên cạnh đầu tư bất động sản cũng là xu thế chung của thị trường. Qua thời gian, đã có rất nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này, từ những ông lớn như Trungnam Group cho đến những đơn vị mới vài năm tuổi.

Năm 2019 chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Số liệu cho thấy từ năm 2018 chỉ có 86 MW, nguồn điện mặt trời đã tăng lên gấp trên 54 lần, tới 4.696 MW vào năm 2019.

Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, với 16.500 MW vào cuối năm 2020. Thống kê của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cũng cho thấy tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.

Theo tính toán của FiinGroup, các dự án năng lượng mặt trời đã đi vào hoạt động từ năm 2019 và đầu năm 2021 được dự báo sẽ đóng góp khoảng 20-30% vào doanh thu và lợi nhuận trước khấu hao, lãi vay và thuế của BCG trong giai đoạn 2021 - 2022.

FiinGroup dự báo doanh thu năm 2021 của BCG được dự sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 232% với kỳ vọng doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng và doanh thu bất động sản dự kiến đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Kể từ sau khi niêm yết cổ phiếu BCG lên sàn HOSE từ tháng 7/2015 với vốn điều lệ 409 tỷ đồng, quy mô vốn của Bamboo Capital đã tăng mạnh trong vòng 6 năm qua.

Tổng hợp số liệu của người viết cho thấy, tổng tài sản của BCG tăng mạnh vào năm 2020 và đạt gần 35.800 tỷ đồng tại cuối tháng 6/2021, gấp 8 lần sau 5 năm. 

Trong đó, chiếm hơn 1/2 tổng tài sản là "các khoản phải thu khác" lên đến 18.776 tỷ đồng. Tổng nợ vay tại ngày 30/6/2021 lên đến 13.155 tỷ đồng, chưa bao gồm khoản trái phiếu chuyển đổi hơn 2.000 tỷ. Dù vậy, con số này có thể còn phình to hơn theo như tham vọng của lãnh đạo BCG chia sẻ.

Vì sao Bamboo Capital muốn IPO mảng năng lượng ra quốc tế? - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của BCG.

Theo đánh giá xếp hạng tín nhiệm (FiinRatings) của FiinGroup, với đặc thù thâm dụng vốn của ngành bất động sản và năng lượng, kế hoạch phát triển tăng mạnh về quy mô hoạt động của BCG trong thời gian tới đòi hỏi nguồn vốn lớn trong giai đoạn 2021-2023. Trong khi đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu của BCG tiếp tục duy trì ở mức khiêm tốn ngay cả khi các trái phiếu chuyển đổi được chuyển đổi sang cổ phần.

FiinRatings đánh giá tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ được cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. Nợ vay/EBITDA (đã điều chỉnh) của BCG là 5,6 lần vào cuối năm 2020 và FiinRatings ước tính sẽ nằm trong khoảng 7 đến 8 lần vào cuối năm 2021.

"Công ty hiện đã có kế hoạch tăng vốn cùng với việc khai thác các nguồn tài trợ khác nhau trong trung hạn. Khả năng huy động vốn một cách kịp thời của Công ty trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ là một yếu tố đánh giá chính mà chúng tôi sẽ theo dõi trong thời gian tới", nhóm xếp hạng tín nhiệm FiinGroup cho biết.

Còn theo lãnh đạo BCG, mục tiêu BCG muốn IPO mảng năng lượng tái tạo nhằm tìm kiếm các nguồn tài trợ trên thị trường quốc tế sẽ chịu chi phí 7%, rẻ hơn so với khi huy động trong nước là 10,5%.

Minh Hằng