|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dấu ấn Bamboo Capital tại Giga City - dự án quy mô lớn nhất còn sót lại trên đại lộ Phạm Văn Đồng

08:02 | 13/06/2021
Chia sẻ
Tính từ đầu năm đến nay, chủ đầu tư hai dự án King Crown Infinity Thủ Đức và Giga City tại TP Thủ Đức đã huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu, chưa kể những đợt thu xếp vốn từ phát hành riêng lẻ của các bên liên quan.
Chủ đầu tư King Crown Infinity Thủ Đức và Giga City hút dòng vốn nghìn tỷ - Ảnh 1.

Trung tâm thương mại GigaMall tại số 240 - 242 Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức do Khang Gia Land (nay là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ GigaMall Việt Nam) làm chủ đầu tư. (Ảnh: Hoàng Huy).

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang, chủ đầu tư dự án King Crown Infinity Thủ Đức đã huy động 2.500 tỷ đồng trái phiếu từ công ty chứng khoán trong nước ở những tháng đầu năm.

Trong đó, doanh nghiệp đã phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2/2-16/3 và phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu tiếp theo vào ngày 26/4. Các trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 12 tháng đầu tiên là 11% mỗi năm.

Gia Khang cho biết, công ty sẽ dùng toàn bộ số tiền huy động được để tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ An Khang Land - chủ đầu tư dự án Giga City ở TP Thủ Đức. Tại ngày 4/6, Gia Khang sở hữu trực tiếp 83,3 triệu cp tại An Khang Land (tương đương khoảng 49% vốn).

Những đợt phát hành nói trên đều được đảm bảo bằng cổ phần của các cổ đông tại An Khang Land; toàn bộ quyền lợi ích liên quan, nguồn thu và các quyền tài sản của dự án Giga City. 

Bên cạnh đó, hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu này còn được đảm bảo bởi quyền sử dụng đất đối với khu đất thực hiện dự án Giga City thuộc sở hữu của An Khang Land (sau khi đủ điều kiện thế chấp theo quy định) và nhiều tài sản khác.

Gia Khang được thành lập vào năm 2016, nằm trong hệ sinh thái gồm CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Khang Gia Land (nay là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ GigaMall Việt Nam); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Quản Lý Khang Gia Retail và An Khang Land. Phần lớn nhóm doanh nghiệp này được sáng lập bởi ba cá nhân: Nguyễn Đức Minh Giao, Nguyễn Khánh Duy và Phan Tấn Phúc.

Trong đó, GigaMall Việt Nam là chủ đầu tư Trung tâm thương mại GigaMall tại số 240 - 242 Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức. Dự án này từng gây chú ý cho thị trường vào những năm 2016-2017 bởi quy mô lớn nhất hiện nay nằm trên đại lộ Phạm Văn Đồng - trục đường lớn đang tập trung rất nhiều dự án nhà ở như dòng căn hộ Opal của Đất Xanh Group (Mã: DXG), dòng căn hộ Flora Novia của Nam Long (Mã: NLG),...

Ghi nhận vào cuối năm 2020, Gia Khang trở thành công ty liên doanh, liên kết do Bamboo Capital sở hữu gián tiếp 49% vốn. Tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 59,4% (tính đến hết tháng 3 năm nay) và Gia Khang trở thành công ty con gián tiếp của Bamboo Capital. 

Trước khi tham gia vào dự án Giga City, Gia Khang đã hợp tác với nhóm doanh nghiệp Bamboo Capital phát triển dự án King Crown Infinity có tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD tại TP Thủ Đức.

Bamboo Capital và công ty thành viên liên tục huy động vốn cho King Crown Infinity

King Crown Infinity được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận cho Gia Khang làm chủ đầu tư tại Công văn số 7132/UBND-QLĐT (ngày 20/11/2017) và chấp thuận đầu tư dự án tại Quyết định số 198/QĐ-UBND (ngày 17/1/2018). Dự án tọa lạc tại số 218 Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức, cạnh Vincom Plaza. Theo Bamboo Capital, dự án có quy mô 1,26 ha, bao gồm tòa tháp đôi cao 30 tầng với 724 căn hộ, 203 officetels, shophouse và khu vực kinh doanh. (Ảnh: Tấn Lợi).

Tháng 12 năm ngoái, dự án King Crown Infinity Thủ Đức do Gia Khang làm chủ đầu tư chính thức ra mắt thị trường với sự tham gia của CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) trong vai trò đơn vị phát triển và CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, Mã: TCD, công ty con của Bamboo Capital) thi công xây dựng.

Vào thời điểm ra mắt King Crown Infinity, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital, cho biết đây là dự án trọng điểm của Bamboo Capital ở mảng bất động sản nhà ở và thương mại cao cấp, tiếp sau mảng nghỉ dưỡng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng và giá trị thi công của Tracodi tại dự án này khoảng 2.387 tỷ đồng. Theo dự kiến, điểm rơi doanh số của dự án vào năm nay và dự án sẽ được bàn giao đợt đầu tiên vào năm 2023.

Trước đó vào đầu tháng 7/2020, BCG Land (công ty con của Bamboo Capital) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án trong vòng ba năm với Gia Khang. 

Tính đến hết quý I năm nay, Bamboo Capital ghi nhận khoản phải thu dài hạn khác gần 291 tỷ đồng  và Tradico ghi nhận hơn 840 tỷ đồng phải trả khác từ chủ đầu tư King Crown Infinity.

Từ cuối năm ngoái đến nay, nhóm Bamboo Capital liên tục huy động vốn cho dự án. Đơn cử trong kế hoạch phát hành 68 triệu cp BCG được Bamboo Capital công bố vào cuối năm 2020, có khoảng 230 tỷ đồng dự kiến được góp vốn vào công ty con BCG Land, sau đó BCG Land hợp tác với Gia Khang phát triển dự án King Crown Infinity.

Hay như Tracodi đã chào bán riêng lẻ, huy động 350 tỷ đồng trong giai đoạn 31/12/2020-4/2/2021 để bổ sung nguồn vốn thi công dự án. Thời điểm giải ngân dự kiến trong ba quý đầu năm nay. 

Về phía Gia Khang, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng từ 1,8 tỷ đồng ở cuối năm 2019 lên hơn 878 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Kết quả kinh doanh của Gia Khang cũng chuyển từ lãi hơn 2 tỷ đồng (2019) sang lỗ 1 tỷ đồng (2020).

Cuối tháng 1 vừa qua, Gia Khang có đợt tăng vốn điều lệ từ 370 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Ngoài công ty mẹ Bamboo Capital sở hữu gián tiếp 59,4% vốn như người viết đã đề cập, các cổ đông còn lại của Gia Khang không được công bố. 

Thông tin gần nhất cho thấy, Ban lãnh đạo Gia Khang do bà Lê Thị Mai Loan (Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tracodi và BCG Land) làm Chủ tịch HĐQT và bà Huỳnh Thị Kim Tuyến (Thành viên Ban Kiểm soát Tracodi) làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Chủ đầu tư King Crown Infinity Thủ Đức huy động thêm hàng nghìn tỷ đổ vốn vào Giga City  - Ảnh 3.

Dấu ấn của Bamboo Capital 

Song song với việc triển khai dự án King Crown Infinity Thủ Đức, thời gian gần đây Gia Khang đã huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu cho An Khang Land, qua đó gián tiếp đầu tư dự án Giga City.

An Khang Land trước đây là Công ty Cơ khí A74, thành viên của Tổng Công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp - CTCP (Mã: MIE). Sau khi cổ phần hóa vào năm 2004, doanh nghiệp có tên CTCP A74.

Năm 2007, báo chí trong nước đưa tin về việc Thanh tra TP HCM làm rõ những sai phạm trong việc sử dụng đất tại Khu phố 1, phường Linh Tây, quận Thủ Đức của CTCP A74.

Theo thông tin phản ánh, khu đất nói trên trước giải phóng là Trung tâm thương mại Thủ Đức, thuộc sở hữu của tư nhân. Sau giải phóng, A74 được UBND TP cho thuê gần 10,4 ha đất trong thời hạn 50 năm để phục vụ sản xuất máy và thiết bị nông nghiệp. Tuy nhiên, A74 đã cho các đơn vị khác thuê trên diện tích hơn 4 ha và các đơn vị này tiếp tục cho thuê lại để hưởng chênh lệch.

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết thêm, UBND quận Thủ Đức từng cấp phép cho A74 xây dựng 50 căn nhà ở cho cán bộ công nhân viên trên diện tích 2.400 m2. Thế nhưng A74 không trực tiếp xây dựng mà đã giao lại cho các hộ dân tự xây, sau đó một số hộ dân đã bán nhà lại cho bên khác.

Kết luận thanh tra vào tháng 7/2007 cho biết, UBND TP HCM giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra diện tích đất thực tế do A74 đang quản lý, sử dụng; sau đó lập thủ tục trình UBND TP ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất được sử dụng không đúng mục đích, cho các đơn vị khác thuê trái phép và điều chỉnh lại diện tích đất thuê của công ty, theo thông tin từ Báo Người Lao động.

Đồng thời, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cũng được giao phối hợp với UBND quận Thủ Đức rà soát các đơn vị đang trực tiếp sử dụng đất và nhà xưởng thuê của A74 để lập thủ tục giao lại cho các đơn vị thực sự có nhu cầu sử dụng đất cho sản xuất kinh doanh, phù hợp với quy hoạch, thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất,... nhằm khai thác có hiệu quả khu đất bị thu hồi.

Đến cuối năm 2016, A74 được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận cho làm chủ đầu tư Khu phức hợp kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng có diện tích hơn 40.291 m2 tại phường Linh Tây, TP Thủ Đức (tên thương mại là Giga City). Vào thời điểm này, A74 do 4 cổ đông cá nhân sở hữu, trong đó có ông Nguyễn Đức Minh Giao nắm 15% vốn.

Chủ đầu tư King Crown Infinity Thủ Đức huy động thêm hàng nghìn tỷ đổ vốn vào Giga City  - Ảnh 4.

Giai đoạn 2018-2019, A74 thực hiện tăng vốn điều lệ từ 330 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 6/2018 và chính thức đổi tên thành An Khang Land vào tháng 8/2019. Với việc dự án chưa có tiến triển sau khi được chấp thuận đầu tư, hoạt động kinh doanh công ty mẹ của An Khang Land ghi nhận lỗ vài tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2019.

Chỉ đến gần đây, khi các bên liên quan đến Bamboo Capital bắt đầu huy động vốn cho dự án. Sau hai đợt phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu của Gia Khang, An Khang Land tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.700 tỷ đồng vào tháng 5 vừa qua. Không lâu sau đó, vị trí Chủ tịch HĐQT cũng được chuyển từ ông Nguyễn Đức Minh Giao sang ông Phạm Văn Hải.

Chủ đầu tư King Crown Infinity Thủ Đức huy động thêm hàng nghìn tỷ đổ vốn vào Giga City  - Ảnh 5.

Tại Báo cáo thường niên 2020 và tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021, Bamboo Capital đề cập đến kế hoạch phát triển dự án King Crown City có quy mô 4 ha, nằm tại A74, Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức. 

Dù chưa được các bên liên quan công bố chính thức nhưng với những dữ liệu hiện có, nhiều khả năng nhóm Bamboo Capital sẽ tiếp tục tham gia phát triển dự án Giga City và đổi tên dự án thành King Crown City, góp mặt vào chuỗi dự án mang thương hiệu King Crown thuộc dòng căn hộ cao cấp của Bamboo Capital như: King Crown Thảo Điền (0,9 ha, quận 2, tổng mức đầu tư 1.566 tỷ đồng); King Crown Infinity (1,15 ha, Thủ Đức; tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng); King Crown Park (5,6 ha, Bình Tân).

Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2024. Tại dự án này, Tracodi tiếp tục thi công với giá trị 7.450 tỷ đồng, đây cũng là gói thi công có giá trị lớn nhất trong số 10 dự án công trình dân dụng của Tracodi hiện nay.

Nguyên Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.