|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Bamboo Capital: BCG đang có mục tiêu tiến vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm

07:56 | 21/08/2021
Chia sẻ
Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Bamboo Capital chia sẻ tham vọng muốn lấn sang lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm khi thành lập BCG Financial nhằm hỗ trợ cho công ty trong việc huy động vốn và tài trợ dự án.

Chiều 20/8, CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) đã tổ chức buổi gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư để giải đáp các thắc mắc cũng như chia sẻ các định hướng trong nửa cuối năm nay và năm 2022. 

Buổi gặp gỡ có đại diện lãnh đạo BCG ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Phó Tổng Giám đốc, bà Phạm Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc khối huy động vốn, bà Đặng Khánh Hàm,Trợ lý chiến lược Chủ tịch HĐQT và bà Hồ Nguyễn Hải My, Phó Phòng quan hệ nhà đầu tư.

Bamboo Capital: Quý III sẽ ghi nhận doanh thu từ 'của để dành' Xuân Phú Hải, tự tin vượt kế hoạch năm 2021 - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình.

BCG có khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2021 hay không khi tính đến cuối tháng 6, công ty mới thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm?

Đại diện BCG khẳng định với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 5.375 tỷ đồng và 806 tỷ đồng, BCG tự tin sẽ vượt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm đề ra. Bởi bên cạnh doanh thu dự kiến từ mảng năng lượng, công ty sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng từ dự án Malibu Hội An và 900 tỷ đồng từ dự án King Crown Village.

Chia sẻ thêm về lợi nhuận mảng năng lượng, ông Tuấn cho biết mảng sẽ đóng góp khoảng 216 tỷ đồng lợi nhuận. Sang các năm sau, kết quả sẽ tăng dần lên khi BCG sẽ ghi nhận các dự án triển khai và đưa vào hoạt động, tái cơ cấu các dự án và M&A dự án.

Với mảng nông nghiệp, tuy tỷ trọng chiếm nhỏ nhưng BCG vẫn sẽ duy trì hoạt động của mảng này bởi dòng tiền mang lại tốt. Trong tương lai nếu có cơ hội phù hợp công ty sẽ đầu tư thêm vào sản xuất và hoạt động M&A.

Công ty dự kiến kế hoạch lợi nhuận năm 2022 là bao nhiêu và có dự định tăng vốn không?

Hiện HĐQT BCG đã có kế hoạch năm 2022 với 900 tỷ đồng lợi nhuận và đại diện công ty khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra này. Sự tự tin này theo công ty là có cơ sở khi HĐQT đã vạch sẵn các chiến lược quản trị rủi ro. Tuy nhiên, kế hoạch cũng sẽ chờ được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua vào năm sau.

Về kế hoạch tăng vốn, BCG dự kiến tăng vốn từ gần 2.035 tỷ đồng lên 5.063 tỷ đồng trong năm nay.

Sang năm sau, công ty khẳng định sẽ diễn ra hoạt động huy động vốn từ các nhà đầu tư chiến lược nhằm nâng tầm doanh nghiệp lên tầm quốc tế, tuy nhiên công ty chưa công bố con số cụ thể.

Hiện BCG đã xây dựng lộ trình tăng vốn, theo đó từ nay đến năm 2026, tổng tài sản của BCG sẽ đạt khoảng 116.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2021, vốn chủ sở hữu của BCG là 5.298 tỷ đồng, chiếm 15% trong tổng 35.796 tỷ đồng tài sản.

Bamboo Capital: Quý III sẽ ghi nhận doanh thu từ 'của để dành' Xuân Phú Hải, tự tin vượt kế hoạch năm 2021 - Ảnh 2.

Trên báo cáo tài chính quý II, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đang âm, các hoạt động kinh doanh chính chưa tạo ra doanh thu như kỳ vọng. Công ty lý giải thêm về điều này?

Những năm gần đây, mảng năng lượng (lợi nhuận gần như bằng 0) và bất động sản chủ yếu ghi nhận doanh thu từ hoạt động M&A. Sang năm 2021, kết quả kinh doanh đã có những chuyển biến khi mảng năng lượng tái tạo đã đóng góp tỷ trọng lớn hơn.

Theo dự báo, BCG sẽ hoàn thiện các dự án BĐS và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận vào cuối năm nay. Trong các năm sau, dòng tiền âm dần giảm đi cho đến khi mảng bất động sản và năng lượng ghi nhận doanh thu và dòng tiền sẽ dương. Về bản chất, BCG vẫn đang đầu tư xây dựng nên dòng tiền âm.

Công ty có hành động gì để cải thiện tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức cao, khoảng 2,48 lần tính đến cuối tháng 6?

Các năm trước, BCG huy động vốn từ thị trường gặp khó khăn. Sang năm nay, công ty đã có lộ trình tăng vốn lên hơn 5.000 tỷ. Vốn tăng lên chủ yếu để phát triển dự án mới và sẽ cân đối tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu.

Từ nay đến năm 2022, công ty dự kiến đưa dự án nào vào hoạt động?

- Mảng năng lượng: BCG đang xây dựng 500 MW các dự án điện gió, 164 MW các dự án điện mặt trời. Đây là các dự án dang dở trong năm 2020. Đồng thời BCG đang thực hiện các dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 50 MW.

Dự kiến các dự án điện mặt trời sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm nay và điện gió vào năm 2022. Còn lại công ty đang chờ kế hoạch quy hoạch điện VIII sau đó mới có kế hoạch tiếp theo để phát triển thêm dự án.

- Mảng bất động sản: từ năm 2021- 2022 BCG sẽ đưa dự án Malibu Hội An vào hoạt động.

- Về mảng LNG: BCG đang thực hiện xin bổ sung quy hoạch và chuyển đổi nguồn cho ba dự án ở ba địa điểm khác nhau với tổng công suất 4.500 MW. Công ty chưa tiết lộ vị trí của dự án.

Bamboo Capital: Quý III sẽ ghi nhận doanh thu từ 'của để dành' Xuân Phú Hải, tự tin vượt kế hoạch năm 2021 - Ảnh 3.

Dự án Malibu Hội An. (Ảnh: Malibu Hội An).

Công ty đã mua 50 triệu cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả chưa?

Về bản chất, BCG và Tập đoàn Đèo Cả cùng hợp tác, thể hiện mối quan hệ chiến lược của hai doanh nghiệp để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Hiện BCG và Đèo Cả đã thực hiện một phần thương vụ và chưa thể công bố cho cổ đông cho đến khi hoàn tất.

Công ty có tiếp tục hoạt động đầu tư cổ phiếu không?

Thực tế trong quý II, doanh thu từ hoạt động tài chính của BCG tăng mạnh 262% lên 713 tỷ đồng nhờ các khoản lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Tổng doanh thu quý II của công ty đạt 814 tỷ đồng.

Ông Tuấn khẳng định BCG không đầu tư vào cổ phiếu và doanh thu từ hoạt động này không phải là hoạt động chính của BCG. 

Bản chất của nguồn thu tài chính này là thực hiện M&A các dự án bất động sản, năng lượng tái tạo. 

Vai trò của việc thành lập BCG Financial là gì?

Khi thành lập BCG Financial với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, BCG đang có mục tiêu tiến vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm,… nhằm hỗ trợ cho công ty trong việc huy động vốn và tài trợ dự án. Thời gian tới công ty dự kiến sẽ có thêm các thương vụ M&A.

Khi nào công ty sẽ công bố đối tác mua 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ?

Theo kế hoạch, BCG dự kiến chào bán 60 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược. 

Hiện thương vụ này đang chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng công ty kỳ vọng sẽ hoàn thành trước ngày 31/12 năm nay.

Kế hoạch IPO mảng năng lượng của công ty đã đến đâu?

Trước tiên, BCG sẽ xây dựng và huy động vốn trong nước để đảm bảo cải thiện tài sản. Sau khi tài sản ổn định thì BCG sẽ tái cơ cấu các khoản nợ. Tại thời điểm này, các đánh giá của ngân hàng, tổ chức tài chính đã dễ dàng hơn. 

Sau đó BCG sẽ IPO mảng năng lượng là BCG Energy trên thị trường quốc tế. Hiện Tập đoàn SP (SP Group), một công ty công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore đã ký biên bản ghi nhớ về việc nhận chuyển nhượng 49% cổ phần của CTCP Skylar (Skylar) từ BCG Energy.

Ông Tuấn cho biết hiện liên danh SP Group và BCG Energy đang phát triển 500 MW điện mặt trời áp mái và đang xây dựng trên các nhà máy và trang trại của Vinamilk.

Khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây dựng Xuân Phú Hải khi nào sẽ chuyển nhượng?

Theo kế hoạch, khoản đầu tư vào Xuân Phú Hải sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu chuyển nhượng từ quý III.

Theo tìm hiểu của người viết, Xuân phú Hải là chủ đầu tư tổ hợp nghỉ dưỡng Xuân Phú Hải, quy mô 7 ha, toạ lạc tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dự án này có tên thương mại là Amor Garden, được BCG thâu tóm từ đầu năm 2020.

Khoản đầu tư tài chính 559,9 tỷ đồng vào Xuân Phú Hải của công ty con BCG được ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất từ cuối năm ngoái với mục đích nắm giữ để bán trong ngắn hạn. Tính tới cuối quý II/2021, BCG vẫn chưa bán được khoản đầu tư này.

Khi nào BCG sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1?

BCG hiện đang thực hiện các thủ tục cuối cùng và dự kiến cuối tháng 9 sẽ gửi thông tin đến nhà đầu tư.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.