|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ Moca dừng ví điện tử nhìn về chiến lược dịch vụ tài chính của Grab

14:41 | 11/06/2024
Chia sẻ
Động thái dừng hoạt động mảng thanh toán số Moca cho thấy Grab đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh tài chính để tập trung có lợi nhuận tốt hơn.

Ngày 31/5, CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca thông báo sẽ dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng Moca và trên ứng dụng Grab từ 1/7. Mục đích của quyết định này theo doanh nghiệp giải thích là nhằm tập trung nguồn lực vào các dịch vụ trung gian thanh toán khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn tại thị trường Việt Nam.

 Thông báo ngừng cung cấp dịch vụ ví Moca tại Việt Nam. (Ảnh: Thành Vũ).

Trước năm 2023, trong suốt một thời gian dài, bằng cái bắt tay với Grab, Moca gần như là ví điện tử duy nhất hoạt động trên nền tảng gọi xe lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để ví điện tử này bứt phá khi thị phần thường xuyên đứng sau cả MoMo và ZaloPay. 

Về phía Grab, đơn vị này bước vào lĩnh vực tài chính ngay từ năm 2018 - thời điểm nền tảng vừa "chân ướt chân ráo" vào Việt Nam. Công ty có trụ sở tại Singapore đã ra mắt dịch vụ thanh toán số GrabPay. Khi vừa ra mắt, GrabPay đã được kỳ vọng là đối thủ cạnh tranh của MoMo, nền tảng ví điện tử hàng đầu với khoảng 10 triệu người dùng vào thời điểm đó.

Cả hai bên cạnh tranh quyết liệt bằng các chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ cùng các chương trình khuyến mại khủng. Tuy nhiên, cuối năm đó, GrabPay vướng quy định pháp lý khi chưa đăng ký kinh doanh dịch vụ thanh toán.

Cùng năm, Grab rót vốn vào Moca trong một thương vụ không được tiết lộ về giá trị với số cổ phần nắm giữ chỉ vài phần trăm, theo truyền thông địa phương lúc bấy giờ. Màn hợp tác này mở đầu cho việc Moca thay thế GrabPay trong việc cung cấp giải pháp trung gian thanh toán trên nền tảng tại Việt Nam.

Sau khi trở thành phương thức thanh toán trung gian duy nhất trên nền tảng, tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên Grab ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng hơn 70%, theo dữ liệu từ Misa. 

Sau khi có thêm Moca, Grab nhanh chóng xây dựng hệ sinh dịch vụ tài chính cá nhân rộng khắp của mình, khai thác cơ sở khổng lồ dữ liệu khách hàng (người đi lại qua Grab, mua hàng hay vận chuyển qua GrabFood hay GrabExpress).

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, từ 2018 - 2023, Moca không tận dụng được thế mạnh từ nền tảng người dùng khổng lồ của Grab, khi thị phần ví điện tử chỉ vỏn vẹn 2%, đứng sau MoMo (59%), ShopeePay (17%), ZaloPay (14%) - theo dữ liệu từ Vietdata vào năm 2022.

Do đó, tháng 10 năm ngoái, ban lãnh đạo Grab Việt Nam quyết định mở cửa với ZaloPay và sau đó là tích hợp MoMo trên nền tảng. Moca vẫn tiếp tục hoạt động.

Có thể nhận ra hành động này của Grab là dấu hiệu cho thấy nền tảng có trụ sở tại Singapore không từ bỏ mảng kinh doanh tài chính tại Việt Nam. Ngược lại, bằng việc "phá thế độc quyền" của Moca, Grab muốn khai thác chéo tập khách hàng lớn trên cả MoMo và ZaloPay. Theo các báo cáo, lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 50 triệu người vào cuối năm nay - đây thực sự là con số mà Grab khó lòng bỏ qua.

Đồ hoạ: Thành Vũ.

Tiềm năng fintech không chỉ là lượng người dùng khổng lồ mà còn nằm ở trạng thái sẵn sàng sử dụng từ phía khách hàng. Theo nghiên cứu của Visa năm 2023, 88% người dùng Việt Nam ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt và 62% sử dụng thanh toán QR, tăng từ 35% năm 2021. Việt Nam có mức độ ưa thích ví điện tử cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, cùng với Indonesia và Philippines.

Do đó, ngoài Moca, Grab đã triển khai hàng loạt các dịch vụ tài chính khác như GrabInvest, GrabFinance (cho vay, mua trước trả sau cũng là một phần của mảng này), dịch vụ bảo hiểm với GrabInsure, cổng thanh toán GrabLink, dịch vụ ngân hàng số với Digibank Savings Account và GXS FlexiLoan.

Có thể nói, mảng dịch vụ tài chính là một phần trong chiến lược mở rộng, phát triển kinh doanh của công ty, hướng tới mục tiêu Superapp (siêu ứng dụng). Nhưng, không phải mọi chiến lược đầu tư đều mang lại kết quả. So với mảng gọi xe hay giao đồ ăn, số liệu cho thấy dịch vụ tài chính của Grab đang gặp phải nhiều khó khăn hơn.

 Đồ hoạ: Thành Vũ.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của mảng tài chính trong nhiều giai đoạn 2019 - 2023, có thể thấy tình hình vẫn chưa thể cải thiện nhiều.

Nếu như năm 2019, EBITDA đã điều chỉnh của mảng này âm 548 triệu USD thì tính đến hết năm ngoái, dịch vụ tài chính vẫn chưa thể đem về lợi nhuận khi lỗ tới 294 triệu USD. Một điểm tích cực là sau nhiều năm "đốt tiền", tỷ lệ giao dịch người dùng hàng tháng duy trì đà tăng trưởng đều đặn và doanh thu được cải thiện rất nhiều.

Kết quả lợi nhuận được Grab công bố dựa trên chỉ số EBITDA đã điều chỉnh. Theo giải thích của Grab,  EBITDA đã điều chỉnh được tính sau khi loại trừ nhiều chỉ số như: lãi ròng, thu nhập khác, chi phí thuế thu nhập, khấu hao và phân bổ, chi phí bồi thường bằng cổ phiếu, chi phí liên quan đến sáp nhập và mua lại, lãi (lỗ) chưa thực hiện từ chênh lệch tỷ giá, lỗ suy giảm giá trị tài sản, thay đổi giá trị đầu tư, chi phí tái cấu trúc, các khoản dự phòng pháp lý, thuế và quy định, và chi phí niêm yết cổ phiếu.

Đồ hoạ: Thành Vũ.

Hồi tháng 2, Grab lần đầu tiên báo lãi dựa trên EBITDA điều chỉnh, song "kỳ lân" Đông Nam Á này dự báo tăng trưởng doanh thu yếu trong năm 2024. Việc chấm dứt các dịch vụ tài chính như Moca hay GrabInvest vào năm ngoái có thể là một bước chuyển chiến lược tập trung vào các phân khúc có lợi nhuận khá hơn. Ban lãnh đạo Grab cũng cho biết đã nhận thấy dịch vụ "Mua trước, trả sau" (PayLater) có tỷ lệ chấp nhận và tiện ích cao hơn.

Trong bối cảnh ngành fintech tràn ngập các sản phẩm sáng tạo, có thể thấy Grab đang điều chỉnh chiến lược để hướng tới lợi nhuận bền vững hơn thay vì tăng trưởng nóng như trước kia.

Thành Vũ