|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Bất động sản online’ mang về 2.400 tỷ đồng mỗi năm cho Grab

12:02 | 10/06/2024
Chia sẻ
Bên cạnh đặt đồ ăn và gọi xe, quảng cáo trên nền tảng đang phát triển như một mảng kinh doanh đầy tiềm năng cho Grab.

Quảng cáo kỹ thuật số dành cho nhà hàng trên Grab. (Ảnh: Đức Huy).

Tại cuộc gặp gỡ truyền thông mới đây, ông Mã Tuấn Trọng - Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam, đã chia sẻ về dự án quản lý tiếp thị dành cho đối tác nhà hàng. Trong đó, Grab sẽ giúp các đối tác khởi tạo chiến dịch marketing chỉ bằng một cú click trên màn hình điện thoại.

Theo mô tả, trên ứng dụng của đối tác, Grab đưa ra nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng, nghiên cứu thị trường và các chương trình khuyến mãi, thu hút khách hàng. Đối tác nhà hàng quy mô vừa và nhỏ - vốn bị giới hạn bởi kinh phí đầu tư, nghiên cứu thị trường thì nay có thể sử dụng dữ liệu Grab cung cấp để thiết lập chiến lược quảng cáo. 

“Nhà hàng có thể giám sát chương trình marketing, dừng hoặc mở rộng nếu thấy hiệu quả. Khác với các nền tảng quảng cáo khác, nhà hàng chỉ trả tiền cho Grab khi có đơn hàng thành công”, ông Trọng cho hay.

Grab nhận định khi các đối tác không có kinh phí đầu tư, nguồn lực dành cho các chương trình quảng cáo tốn kém thì mô hình này được đánh giá là phù hợp và mang lại hiệu quả. Grab cho biết 70% đối tác nhà hàng đã quay lại tiếp tục sử dụng dịch vụ quảng cáo trên nền tảng sau tháng đầu thử nghiệm.

Ông Mã Tuấn Trọng - Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam. (Ảnh: Grab Việt Nam cung cấp).

Thực tế, không chỉ tại Việt Nam, trên khu vực Đông Nam Á, bên cạnh hai dịch vụ quen thuộc là giao đồ ăn và gọi xe, Grab còn được các đối tác nhà hàng biết tới là một nền tảng quảng cáo mới nổi. Nền tảng Grab xử lý hơn 10 triệu giao dịch mỗi ngày được đánh giá là cơ hội để các nhà hàng quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng.

Doanh thu của Grab từ quảng cáo cho các nhà hàng đã phát triển thành “một mảng kinh doanh đáng kể”, theo ông Ken Mandel - Giám đốc điều hành khu vực & Giám đốc GrabAds tại Grab. Dựa trên số liệu nửa đầu năm ngoái, bộ phận quảng cáo của Grab mang về doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu USD, tức khoảng 2.400 tỷ đồng.

“Grab là một trong những nền tảng quảng cáo phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và mang đến cho các nhà quảng cáo những cách mới để tiếp cận người tiêu dùng”, bà Anita Munro, Giám đốc đầu tư tại GroupM châu Á Thái Bình Dương, nhận xét. GroupM là một công ty quảng cáo lớn.

Sự phát triển của các công cụ quảng cáo trên Grab diễn ra vào thời điểm khi các lựa chọn thay thế quảng cáo kỹ thuật số truyền thống thu hút sự quan tâm do quyền riêng tư của người dùng ngày càng được đề cao. Người dùng không thích những quảng cáo theo dõi họ khắp nơi từ các trang mạng xã hội tới các website. Chẳng hạn, Google dự định loại bỏ dần cookie của bên thứ ba vào đầu năm 2024 - đây là công nghệ quảng cáo cho phép theo dõi hành vi của người dùng trên các trang web khác nhau. Với sự thay đổi lớn trong việc theo dõi của bên thứ ba, sự quan tâm đến các định dạng quảng cáo kỹ thuật số mới đang gia tăng.

Một giải pháp là đặt quảng cáo trên các nền tảng mà người dùng tham gia với mục đích mua thứ gì đó - trái ngược với các hành vi duyệt web để tìm kiếm thông tin hay tương tác với bạn bè trên mạng xã hội. Các nhà tiếp thị gọi các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn là "mạng lưới truyền thông bán lẻ”. GroupM ước tính các mạng lưới truyền thông bán lẻ như Grab sẽ thu hút 126 tỷ USD chi tiêu quảng cáo trong năm nay. Họ dự báo kênh này sẽ vượt qua doanh thu của truyền hình vào năm 2028.

Theo ông Mandel, sự thay đổi này hoàn toàn hợp lý. ”Nếu bạn nghĩ về phễu tiếp thị, tại sao bạn lại hướng lưu lượng truy cập đến một trang web nơi người tiêu dùng không thể mua hàng? Nó giống như việc đi vào một cửa hàng bán lẻ, nhưng không có máy tính tiền vậy”. Với phương thức truyền thông bán lẻ, các thương hiệu có thể xây dựng độ nhận diện, ra mắt sản phẩm, khuyến khích dùng thử và sau đó chuyển đổi thành các giao dịch thực tế - tất cả đều diễn ra trên một nền tảng.

Ông Ken Mandel - Giám đốc điều hành khu vực & Giám đốc GrabAds tại Grab. (Ảnh: Marketech Apac).

Ông Mandel nói các nền tảng theo yêu cầu như Grab, nơi người tiêu dùng thường xuyên sử dụng để mua thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm và đặt xe, là một phần của bức tranh truyền thông bán lẻ này. Còn theo ông Gaurav Dosi, Giám đốc Sản phẩm tại GrabAds, để đáp ứng xu hướng này, Grab đang phát triển các sản phẩm quảng cáo của mình trong hai danh mục. Loại đầu tiên là quảng cáo nội tại, hướng đến hàng triệu nhà bán hàng F&B hiện có trên Grab.

“Hệ sinh thái thương mại điện tử chính là những gì đang diễn ra trên Grab, họ góp phần lớn nhất cho hoạt động quảng cáo của chúng tôi hiện tại. Chúng tôi đang xây dựng ngày càng nhiều giải pháp cho hệ sinh thái đó”, ông Dosi nói.

Số lượng nhà hàng sử dụng công cụ quảng cáo của Grab đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm ngoái. Ông Dosi ước tính con số này lên tới hơn 70%. Trong khi đó, mức chi tiêu trung bình của mỗi nhà hàng cho các công cụ quảng cáo Grab đã tăng 54,5% so với cùng kỳ trong quý III/2023.

Grab cũng cải tiến hoạt động quảng cáo của mình. Nếu như trước đây họ cung cấp nhiều lựa chọn như quảng cáo qua tìm kiếm tương tự Google, quảng cáo hình ảnh, tăng lượt xem cho sản phẩm, tăng lượt hiển thị hơn trong danh mục,…. thì nay Grab đưa ra một cách tiếp cận hiệu quả hơn.

“Cách tiếp cận đơn giản hơn mà chúng tôi đang hướng tới có nghĩa là các nhà hàng không còn phải lo lắng về cách hiển thị quảng cáo của họ. Hệ thống của chúng tôi hiện nay sẽ tìm ra cách tiếp cận tốt nhất cho họ, nó diễn ra hoàn toàn tự động”, ông Dosi cho biết.

Ông Mandel chia sẻ thêm: “Trong quảng cáo kỹ thuật số có khái niệm gọi là CPM, viết tắt của cost-per-mille (chi phí trên 1.000 lần hiển thị). Bạn trả tiền cho mỗi nghìn lần hiển thị quảng cáo của mình. Sau đó là CPC, nghĩa là chi phí cho mỗi lần nhấp. Bạn chỉ trả tiền khi ai đó nhấp vào quảng cáo của bạn. Thứ ba là chi phí cho mỗi chuyển đổi (CPA). Bạn chỉ trả tiền khi quảng cáo của bạn trực tiếp dẫn đến việc bán hàng”. 

Bắt đầu từ thị trường Philippines, Grab đã thử nghiệm mô hình CPO tức định giá theo chi phí trên mỗi đơn hàng. “Nhà hàng chỉ phải trả tiền cho quảng cáo khi nhận được đơn hàng thành công”, ông nói.

Loại hình quảng cáo thứ hai Grab đang hướng tới là quảng cáo cho các thương hiệu không có trên nền tảng. Ông Dosi nói: “Ứng dụng Grab và trải nghiệm người dùng mang đến nhiều cơ hội mới lạ cho các thương hiệu để thu hút khách hàng”. Chẳng hạn khi người dùng đặt xe, họ dành nhiều thời gian dùng ứng dụng khi đợi xe đến hoặc khi kiểm tra khoảng cách quãng đường.

“Đây là lúc chúng tôi có thể hiển thị các quảng cáo cho những nhãn hàng không có trên Grab. Bạn có thể được hiển thị quảng cáo từ một thương hiệu có sẵn tại trung tâm thương mại nơi bạn đang đến. Bạn có thể được hiển thị quảng cáo từ một thương hiệu có sẵn tại trung tâm thương mại bạn đang đến”, ông chia sẻ.

Một cách khác, các nhãn hàng cũng có thể tận dụng hàng trăm nghìn ô tô, xe máy trong mạng lưới đối tác tài xế của Grab để quảng cáo. Đơn cử, một phần trong chiến dịch quảng cáo của Panasonic, Grab đã đặt các máy lọc không khí Panasonic bên trong xe theo yêu cầu. Điều này cho phép người dùng Grab trải nghiệm sản phẩm trực tiếp.

Grab cũng đang thử nghiệm quảng cáo trên xe hai bánh, cho phép các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu đến các khu vực lân cận cụ thể mà họ muốn hiển thị quảng cáo của mình. “Thị trường quảng cáo này có rất nhiều tiềm năng để phát triển và chúng tôi mới chỉ đang ở điểm bắt đầu”, Giám đốc Sản phẩm tại GrabAds, nhận xét.

Đức Huy

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.