Tư duy làm chủ không chịu làm thuê của ông Phạm Nhật Vượng trong game VinFast
Ngày 16/8 đánh dấu cột mốc quan trọng của hãng xe điện Việt Nam VinFast, khi lần đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, Mỹ. Trong tháng 7, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng khởi công xây dựng nhà máy sản xuất trị giá 4 tỷ USD tại Mỹ. Đây là hai sự kiện lớn đánh dấu bước chuyển mình của VinFast, từ một công ty nội địa trở thành hãng xe điện toàn cầu.
Vậy điều gì giúp VinFast - một công ty 7 năm tuổi, có những bước tiến nhanh và lớn như vậy trong ngành ô tô? Có thể có rất nhiều yếu tố, tuy nhiên mới đây theo tiết lộ của người trong cuộc, thì mấu chốt làm nên một VinFast như hiện tại có dáng dấp của người đứng đầu: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Chia sẻ với chúng tôi về ngày đầu khởi nghiệp, gầy dựng thương hiệu VinFast, bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO toàn cầu của công ty, kể rằng lúc đầu bà đề xuất VinFast đi làm thuê, gia công cho cho các nhà sản xuất ô tô khác, mục đích là để học và thử làm xe.
“Ban đầu, lúc thành lập công ty, tôi nói với anh Vượng (Chủ tịch Phạm Nhật Vượng - pv) là hay thôi mình bắt đầu như các công ty ô tô khác, là mình sản xuất cho người ta, mình làm ô tô cho người ta, học xem thử làm ô tô như thế nào. Sau đấy, mình hẵng đi làm ô tô”, bà Thuỷ kể.
Tuy nhiên, ông Vượng đã gạt đi ý tưởng này, và khẳng định phải làm một hãng xe, tự sản xuất. “Không. Mình đi thẳng vào xây dựng một thương hiệu riêng. Mình đi làm ô tô, mình phát triển ô tô ngay từ đầu, không đi làm cho ai cả”, ông Phạm Nhật Vượng trả lời.
Bà Thuỷ nhận định đây là một lựa chọn rất khó khăn. “Vingroup đã không làm thì thôi nhưng nếu đã làm thì phải làm cái khó nhất. Ngay từ sự ra đời của VinFast cho đến những lựa chọn hiện tại (niêm yết trên sàn Mỹ - pv) đều là lựa chọn khó nhất”, CEO VinFast, nói.
Hiện tại, sau khi đã niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và nhớ về những ngày đầu “chưa có gì trong tay” của VinFast, vị nữ CEO cho rằng “mọi thứ đã dễ dàng hơn rất nhiều so với lúc đấy”.
“Thử tưởng tượng một đất nước không có ngành công nghiệp ô tô, từ công ty không biết gì về ô tô đến công ty xe điện toàn cầu hiện tại; những ngày đầu tiên, nghe nói để sản xuất một mẫu xe thành công phải mất cả tỷ đến những khó khăn khác; thì đến giờ, có vẻ khó khăn cũng không đến nỗi khó như vậy”, bà Lê Thị Thu Thuỷ nhận xét.
Ngay đến lựa chọn niêm yết trên sàn Nasdaq, New York, Mỹ của VinFast cũng mang dấu ấn ông Phạm Nhật Vượng.
Từ hai năm trước (đầu năm 2021) ban lãnh đạo VinFast đã bắt đầu nung nấu ý tưởng niêm yết. Hôm ấy là một ngày đầu năm, bà Thuỷ nhìn vào bảng báo cáo giá trị các công ty xe điện trên thế giới, bà Thuỷ ngạc nhiên vì những con số quá cao.
“Tesla là hơn 100 tỷ USD, Nio và Xpeng lần lượt có giá trị 100 tỷ USD, 88 tỷ USD. Tôi đặt mốc 15/1/2021 để so sánh vì đó là ngày đầu tiên VinFast chuẩn bị cho kế hoạch lên sàn”, bà Thuỷ nhớ lại.
Khi nhìn thấy những con số như vậy, bà Thuỷ đã trao đổi với ông Vượng. Ông Phạm Nhật Vượng nói rằng: “ Ô, thế này thì mình nên niêm yết thử trên thị trường chứng khoán Mỹ xem sao. Vì đây là một thị trường lớn và giá trị thị trường của các công ty xe điện lớn như thế này”. Đây là những manh nha đầu tiên về ý tưởng đưa VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ.
Lãnh đạo VinFast cho biết lúc đó nếu công ty lựa chọn niêm yết thông qua SPAC thì sẽ rất nhanh vì ngành sẽ điện lúc bấy giờ “rất nóng”. Nhưng VinFast đã không đón được “sóng” của thị trường bởi tiêu chuẩn về pháp lý rất cao tại thị trường tài chính Mỹ. VinFast đã không thể hoàn thiện kịp báo cáo tài chính kiểm toán đáp ứng đúng yêu cầu.
Mãi đến 22/5/2021, VinFast mới có thể hoàn thành BCTC theo đúng chuẩn mực kế toán tại Mỹ. Nhưng từ tháng 4 thị trường SPAC đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Công ty đã tính đến phương án IPO theo cách truyền thống song thị trường chứng khoán nói chung lại bắt đầu gặp khó khăn trong hai năm.
“Hành trình khá thăng trầm trong việc tìm đường niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ”, bà Thuỷ nhớ lại.
Đến tháng 4/2023, ban lãnh đạo VinFast nhận thấy thị trường rất khó và đặc biệt sau ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản, sau đó đến những ngân hàng lớn cũng sáp nhập…, trong khi thị trường IPO vẫn đóng cửa gần hai năm.
Khi ấy, rất nhiều SPAC đã tiếp cận VinFast. Để gỡ bỏ áp lực huy động vốn cho VinFast, ông Phạm Nhật Vượng cùng Tập đoàn mẹ Vingroup đã ngay lập tức cam kết hỗ trợ tài chính cho hãng xe. Từ đó, VinFast chỉ còn hướng tới mục tiêu bằng mọi giá niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, đưa “VinFast trở thành công ty toàn cầu thực sự và làm rạng danh đất nước”.
Có thể thấy dấu ấn của ông Phạm Nhật Vượng trong các bước ngoặt của VinFast là khá rõ ràng. Theo tìm hiểu, cá nhân ông Vượng hiện không trực tiếp nắm giữ cổ phần VinFast. Song thông qua công ty gián tiếp và Tập đoàn Vingroup đang sở hữu 99% cổ phần hãng xe điện vừa niêm yết tại Mỹ.
Bắt đầu từ 2017 Vingroup, công ty mẹ VinFast, thông báo tiến vào lĩnh vực sản xuất ô tô.
Công ty nhanh chóng khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy tại Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. VinFast đã vươn lên top 3 nhà sản xuất ô tô có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2021, công ty thông báo dừng toàn bộ hoạt động sản xuất xe xăng để chuyển sang ô tô điện và các giải pháp giao thông xanh. Mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng xe điện toàn cầu.
Đến nay, công ty đã có dải sản phẩm ô tô điện hoàn chỉnh với 7 mẫu xe, từ A tới E. Ngoài ra, phân khúc xe bus điện, xe máy điện, xe đạp điện,… cũng đang dành được sự quan tâm. Trả lời báo chí ngày 16/8, bà Lê Thị Thu Thuỷ tự tin khẳng định “trên thế giới chưa có một công ty xe điện nào có dải sản phẩm rộng như vậy”.