Trình tự xử lý vụ ông Trump: Cáo trạng, truy tố, luận tội là gì? Khi nào xét xử?
Cáo trạng
Theo Reuters, bản cáo trạng là một tài liệu gồm các lời buộc tội đã được một đại bồi thẩm đoàn biểu quyết thông qua. Đại bồi thẩm đoàn gồm 23 người được chọn trong quần chúng, họp mặt bí mật và có quyền quyết định công tố viên có đủ bằng chứng để truy tố các tội hình sự hay không.
- TIN LIÊN QUAN
-
Người mẫu Playboy, diễn viên phim khiêu dâm và các nhân vật chủ chốt khác trong vụ cựu Tổng thống Trump bị truy tố 31/03/2023 - 17:21
Bản cáo trạng chính thức cáo buộc một người đã phạm tội hình sự, đồng thời làm căn cứ cho quá trình truy tố về sau.
Sau khi có bản cáo trạng, bị cáo sẽ được thông báo chính thức về các tội danh, theo quy định tại Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Mỹ. Tiếp đến, bị cáo sẽ được đưa ra phiên tòa luận tội (arraignment). Các nhân viên hành pháp sẽ lấy dấu vân tay và chụp ảnh chân dung của bị cáo.
Phiên tòa luận tội
Bị cáo được đưa ra trình diện trước tòa để nghe bản cáo trạng và có cơ hội khẳng định bản thân vô tội hoặc nhận tội.
Một thẩm phán hoặc công tố viên sẽ đọc to các cáo buộc. Bị cáo thường được đại diện bằng một hoặc nhiều luật sư, nhất là trong những vụ án lớn hoặc nghiêm trọng có thể dẫn tới phạt tù.
Nếu bị cáo không nhận tội, một thẩm phán thường sẽ chấp nhận lời biện hộ này và lên lịch cho ngày ra tòa tiếp theo, đôi khi có thể là ngày xét xử dự kiến. Nếu bị cáo thừa nhận có tội, thẩm phán sẽ áp dụng hình phạt, thường là vào một ngày sau đó.
Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ ra trình diện trước tòa tại New York vào ngày 4/4 theo giờ Mỹ, tức rạng sáng 5/4 theo giờ Việt Nam. Các luật sư của ông Trump đã khẳng định cựu Tổng thống Mỹ sẽ không nhận tội.
Luật sư của các bị cáo không nhận tội có thể đàm phán với phe công tố để chuyển thành nhận tội và tránh phải ra tòa xét xử. Trong trường hợp này, bị cáo thường chỉ nhận tội với mức độ nhẹ, hoặc chỉ nhận một số tội chứ không phải tất cả tội danh mà phe công tố đưa ra.
Phe công tố có thể sẽ chấp nhận điều kiện của phe bị cáo vì không tin chắc 100% vào các bằng chứng mà mình thu thập được, lo thất bại khi ra tòa.
Bảo lãnh tại ngoại
Các thẩm phán tại tòa án hình sự bang New York có ba lựa chọn liên quan tới tại ngoại: Xác định mức tiền bảo lãnh để cho bị cáo tại ngoại, ra lệnh thả bị cáo ngay mà không cần bảo lãnh, hoặc ra lệnh tạm giam bị cáo mà không cho tại ngoại.
Mục đích của bảo lãnh tại ngoại ở New York là đảm bảo rằng bị cáo sẽ quay trở lại tòa, không tính đến rủi ro bị cáo có thể tiếp tục gây ra các thiệt hại khác. Năm 2019, New York đã chấm dứt quy định nộp tiền bảo lãnh trong hầu hết vụ án liên quan tới các tội nhẹ và tội không bạo lực, như vụ án của ông Trump hiện nay.
Lệnh cấm phát biểu công khai
Lệnh cấm phát biểu trước công chúng (gag order) là lệnh do thẩm phán đưa ra nhằm cấm các luật sư bào chữa, công tố viên, nhân chứng, bị cáo … nói công khai về một vụ án.
Lệnh cấm này thường được ban hành trong các vụ án hình sự, đặc biệt là khi có khả năng các phát biểu công khai về vụ án sẽ kích động bạo lực, đe dọa tới bên công tố và nhân chứng, hoặc tổn hại tới quá trình chọn bồi thẩm đoàn.
Theo Reuters, một bị cáo vi phạm lệnh cấm phát biểu công khai ở New York có thể bị thẩm phán phạt về hành vi xúc phạm tòa án, hình phạt tối đa là một năm tù giam.
Nếu ông Trump bị cấm phát biểu trước công chúng về vụ án, cựu Tổng thống Mỹ có thể kháng nghị và lập luận rằng lệnh cấm này vi phạm Tu chính án thứ nhất liên quan tới quyền tự do ngôn luận của ông trong quá trình tranh cử tổng thống năm 2024.
Theo Washington Post, việc ông Trump bị truy tố hay thậm chí là bị kết tội trong vụ án liên quan tới trả tiền bịt miệng cho nữ diễn viên và người mẫu lần này cũng không làm ông mất tư cách tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, tiêu chuẩn căn bản để tranh cử tổng thống là: Ít nhất 35 tuổi, sinh ra tại Mỹ, đã sống ở Mỹ trong ít nhất 14 năm, và chưa từng tham gia các phong trào phản loạn chống lại nước Mỹ.
Ông Trump đang bị tình nghi từng có quan hệ tình dục với nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal khi ông vẫn đang kết hôn với người vợ thứ ba là Melania Trump.
Khi tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump được cho là đã trả chỉ đạo trả 130.000 USD cho Stormy Daniels và 150.000 USD cho Karen McDougal để hai phụ nữ này giữ kín chuyện quan hệ trước kia, tránh ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử.
Đảng Dân chủ còn cáo buộc ông Trump kích động bạo lực tại tòa nhà Quốc hội hôm 6/1/2021 làm 5 người chết và nhiều người bị thương. Tuy nhiên, cuộc điều tra và phiên tòa sắp tới tại New York sẽ tập trung vào mối quan hệ của ông Trump với cựu diễn viên Stormy Daniels và cựu người mẫu Karen McDougal.