|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM đang diễn biến ra sao?

17:36 | 08/06/2021
Chia sẻ
Số ca nhiễm COVID-19 tại TP HCM trong những ngày gần đây đã có dấu hiệu giảm và chủ yếu ghi nhận trong khu vực phong tỏa, cách ly. Tuy nhiên, số ca nhiễm chưa rõ nguồn lây lại có dấu hiệu tăng. Từ 2/6 đến trưa 8/6, TP ghi nhận 27 ca mới không liên quan các ổ dịch cũ.

Ngay sau khi phát hiện ba trường hợp chỉ điểm đầu tiên liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục hưng vào ngày 26/5, ngành y tế TP HCM đã đẩy nhanh các biện pháp truy vết. Sau khi tiến hành giãn cách xã hội toàn TP kèm theo khoanh vùng ổ dịch, số ca mắc mới ở TP đã có xu hướng giảm dần, chủ yếu ghi nhận bệnh nhân thuộc diện cách ly hoặc trong khu phong tỏa.

Tuy nhiên, những ngày qua, TP lại xuất hiện các ca bệnh mới không liên quan các chuỗi lây nhiễm cũ.

Tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM đang diễn biến ra sao? - Ảnh 1.

Hình ảnh TP HCM trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: Công an TP HCM).

27 bệnh nhân COVID-19 chưa rõ nguồn gốc lây nhiễm

Trong vòng 7 ngày, TP HCM đã ghi nhận 27 trường hợp nhiễm COVID-19 không rõ nguồn lây, tất cả đều được phát hiện thông qua quá trình khám sàng lọc tại các bệnh viện. Điều này làm dấy lên lo ngại dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước.

Tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM đang diễn biến ra sao? - Ảnh 2.

TP HCM hiện đã ghi nhận 27 trường hợp nhiễm COVID-19 không rõ nguồn lây. (Nguồn: HCDC. Biểu đồ: Phương Trang).

Từ kinh nghiệm ứng phó với các đợt dịch lần trước, có thể thấy một khi đã khoanh vùng được ổ dịch, số ca dương tính trong khu phong tỏa tăng nhanh đều nằm trong dự tính và không tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan. Đáng lo ngại hơn cả là những ca bệnh mới nằm ngoài chuỗi lây nhiễm cũ. 

Thông tin về các ca bệnh mới chưa xác định được nguồn lây, trong cuộc họp sáng 7/6, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng "nguồn gốc các ca bệnh này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ".

Giám đốc Sở Y tế TP nhận định do các ca bệnh chưa rõ nguồn gốc được phát hiện trong thời gian TP giãn cách xã hội, nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1, 2 thành viên trong gia đình. 

Nguồn gốc các ca bệnh này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM

Trước tình hình hình gia tăng F0, TP HCM đã tiến hành mở rộng khu cách ly tập trung tại mỗi quận, huyện lên 200 giường, riêng TP Thủ Đức 600 giường. Đồng thời, để tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly, TP cũng yêu cầu phòng cách ly đảm bảo hai người/phòng. Nếu diện tích phòng rộng hơn thì bố trí giường cách nhau tối thiểu 2 m.

Đồng thời, TP HCM cũng vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, trung thực và kịp thời khai báo nếu có tiếp xúc với người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc từng đến các địa điểm dịch tễ để được giám sát phù hợp, không để dịch lây lan rộng.

Bên cạnh đó, TP cũng đảm bảo đủ năng lực các khu cách ly tập trung và điều trị cho 1.000 người, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương án triển khai trước cho kế hoạch có thể có 5.000 người mắc.

Ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng lây lan ra các tỉnh thành lân cận

Từ ngày 18/5 đến sáng 8/6, TP HCM ghi nhận ca 446 COVID-19, đứng thứ 3 cả nước về số ca COVID-19 cộng đồng trong đợt dịch này. Trong đó, phần lớn các ca bệnh đều liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng. Đây cũng là cụm lây nhiễm lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện từ ngày 26/5. Số trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch này, trải rộng 21/22 quận huyện với nhiều nhánh lây nhiễm nhỏ.Trong đó, có 6 nhánh lây lan với tốc độ mạnh.

Tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM đang diễn biến ra sao? - Ảnh 4.

Ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng có số ca F0 nhiều nhất và cũng là ổ dịch phức tạp nhất. (Nguồn: HCDC. Biểu đồ: Phương Trang).

Theo nhận định từ Sở Y tế TP HCM nhận định, nhờ vào các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời, sau khi tiến hành giãn cách xã hội toàn thành phố, số ca bệnh mới ngày càng có dấu hiệu giảm dần, chủ yếu ghi nhận các ca được phát hiện trong khu cách ly và phong tỏa. Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm liên quan đến các ổ dịch, đặc biệt là ổ dịch liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng đã từng bước được khống chế.

Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, kể từ ngày 16/5 khi thành viên đầu tiên có triệu chứng cho đến ngày 26/5 mới được phát hiện mắc bệnh. Do đó đã có tới 40/55 thành viên của tổ chức bị lây nhiễm và dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ.

Sở Y tế TP HCM

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ổ dịch này đã lan rộng đến nhiều tình thành lân cận với TP HCM. Tính đến nay, hiện đã có 9 tỉnh thành ghi nhận các ca bệnh liên quan tới ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng.

Cụ thể, tại Long An có 7 trường hợp, Bình Dương có ba trường hợp và Trà Vinh ghi nhận hai trường hợp liên quan tới ổ dịch này. Các địa phương khác gồm Đồng Tháp, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bạc Liêu, Hà Nội, Tiền Giang đều ghi nhận một ca bệnh.

Để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch từ chuỗi lây nhiễm của TP HCM, các tỉnh thành lân cận áp dụng hàng loạt biện pháp ứng phó. Đáng chú ý có Bình Dương quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 với TP Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và hai thị xã Bến Cát, Tân Uyên cùng một số xã, thị trấn của huyện Bàu Bàng có khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp hoạt động.

Tỉnh cũng áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn các khu phố, liên khu phố của 3 phường là Đông Hòa (Dĩ An), Bình Chuẩn (Thuận An), Hiệp Thành (Thủ Dầu Một). Các xã còn lại của huyện Bàu Bàng và các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo áp dụng Chỉ thị 19.

Đồng thời, trung tâm hành chính một cửa của tỉnh Bình Dương cũng tạm thời ngưng nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp.

Đặt mục tiêu dập dịch trong thời gian giãn cách xã hội

Tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM đang diễn biến ra sao? - Ảnh 6.

Số ca nhiễm tại TP HCM kể từ 19/5 đên trưa 8/6. (Nguồn: Bộ Y tế. Biểu đồ: Phương Trang).

Quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và cách ly xã hội quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc theo Chỉ thị 16 đã được UBND TP HCM đưa ra cách đây hơn một tuần. Tại thời điểm đó, TP ghi nhận 126 trường hợp liên quan đến ổ dịch nhóm truyền giáp Phục hưng.

Chúng ta không vì kết quả số ca nhiễm chững lại mà làm suy giảm các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM

Sau lệnh giãn cách xã hội cùng với việc tăng tốc xét nghiệm, truy vết và khoanh vùng cách ly, số ca nhiễm mới trong ngày tại TP HCM có xu hướng giảm dần.

Cụ thể, vào ngày 1/6 , TP HCM ghi nhận 70 ca nhiễm mỗi ngày, nhưng sau đó số người nhiễm chỉ dao động khoảng 30 ca mỗi ngày. Nhờ vào sự nỗ lực trong công tác truy vết, khoanh vùng, TP HCM đã cơ bản kiểm soát được các ổ dịch và kỳ vọng sẽ đẩy lùi COVID-19 sau 15 ngày áp dụng giãn cách xã hội.

Trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trên tinh thần tổng tiến công toàn lực, TP tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch bệnh.

Lãnh đạo TP cũng yêu cầu các sở, ngành, quận huyện, TP Thủ Đức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế, thực hiện nhiệm vụ kép, đảm bảo kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phương Trang