|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lây nhiễm qua nhiều chu kỳ, F4 thành F0 và loạt bài toán khó cho TP HCM trong đợt dịch COVID-19 mới

11:23 | 07/06/2021
Chia sẻ
Kể từ sau khi phát hiện ba ca nhiễm COVID-19 đầu tiên liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, TP HCM bước vào giai đoạn đối mặt với nhiều khó khăn khi liên tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới trong ngày, đặc biệt có trường hợp F4 thành F0.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 18/5 đến hết ngày 6/6, TP HCM ghi nhận 388 ca nhiễm COVID-19, hiện đứng thứ 4 cả nước về số ca nhiễm trong đợt này. Bên cạnh đó, TP đã phát hiện ba chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng và phát hiện cả hai biến chủng lây nhiễm cao gồm biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ.

Ổ dịch thứ nhất trong công ty quận 3 gồm hai bệnh nhân (BN4514, BN4583), phát hiện ngày 18/5. Ngày 4/6, ngành y tế công bố thêm một trường hợp tiếp xúc gần dương tính, đã được cách ly trước đó (BN8243).

Ổ dịch thứ hai tại quán bánh canh ở quận 3 gồm 5 bệnh nhân được phát hiện ngày 21/5 (BN4780, BN4781, BN4782, BN5329, BN5463). Ngày 2/6, có thêm hai trường hợp tiếp xúc gần dương tính, đã được cách ly trước đó (BN7761, BN7762).

Ổ dịch cuối cùng được đánh giá là nguy hiểm nhất liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, từ ngày 26/5 đến sáng ngày 7/6, đã có 362 trường hợp dương tính đã được công bố.

Lây nhiễm qua nhiều chu kỳ, F4 thành F0 và loạt bài toán khó cho TP HCM trong đợt dịch COVID-19 mới - Ảnh 1.

Sau 20 ngày, TP HCM ghi nhận 387 ca COVID-19, đứng thứ 4 cả nước về số ca bệnh trong đợt dịch này. (Nguồn: Bộ Y tế. Biểu đồ: Phương Trang).

Nhận định về tình hình dịch trên địa bàn, trong cuộc họp chiều 4/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: "Dịch bệnh có dấu hiệu chững lại và giảm dần. Đây là tín hiệu mừng, cho thấy TP đã truy vết, khoanh vùng kịp thời; cần tiếp tục khoanh vùng, truy vết triệt để hơn nữa".

Dù vậy, TP HCM vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ trong đợt dịch được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay tại TP.

Lây nhiễm nhiều chu kỳ, F4 trở thành F0

Thông tin mới nhất từ cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM sáng nay 7/6, Sở Y tế TP cho biết từ ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng đã phân thành nhiều chuỗi lây nhiễm ở khu công nghiệp, công ty, trường học và khu dân cư. Đặc biệt, trong số chuỗi lây nhiễm liên quan đến ổ dịch này, chuỗi lây nhiễm tại trường mầm non song ngữ KID TOWN đã ghi nhận ca lây nhiễm tới chu kỳ 3 và 4. Cụ thể, đã xác định được 26 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 8 ca F1, 9 ca F2, 7 ca F3 và 2 trường hợp F4.

Trước đó, TP HCM ghi nhận trường hợp đầu tiên F3 trở thành F0 là BN7970 (30 tuổi, ngụ quận 12), cũng liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Trong cuộc họp chiều 4/6, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng nhận định, điểm đặc biệt và nguy hiểm của đợt dịch này là vòng lây ngày càng ngắn. 

"Có những người chỉ ba ngày kể từ khi tiếp xúc nguồn lây đã phát bệnh. Đến khi ngành y tế phát hiện ra thì đã có một chùm ca nhiễm liên quan đến bệnh nhân rồi", ông Dũng nói.

Vì ta sợ chậm hơn nó một bước nên phải truy vết F3. Tất nhiên, F2 quá nhiều rồi thì không làm hết F3 nổi. Ta chỉ truy những F3 tiếp xúc gần với F2.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc HCDC

Ông Nguyễn Trí Dũng đã đề xuất về việc lấy mẫu xét nghiệm F3 có tiếp xúc gần F2 nhằm đi trước tốc độ lây nhiễm. Nguyên nhân là do TP HCM đã ghi nhận nhiều trường hợp F2 dương tính nên những F3 tiếp xúc gần F2 cũng sẽ có nguy cơ cao.

Đồng tình với phương án truy vết dịch tễ đến F3 thay vì chỉ F1, F2 như trước đây., Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho rằng, chủng Ấn Độ đang lưu hành ở thành phố có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, việc thực hiện truy vết sớm, sẽ giúp thành phố sẵn sàng cho những bước tiếp theo. 

Khu cách ly tiếp nhận 600 F1 mỗi ngày

Tính đến 7h ngày 6/6, theo báo cáo từ HCDC, TP HCM có tổng số hiện đang thực hiện cách ly là 21.484. Trong đó 7.770 người đang cách ly tập trung, 13.714 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Trong cuộc họp ngày 4/6 về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, mỗi ngày thành phố phát hiện 30 ca bệnh thì F1 phải cách ly tập trung nhân lên gấp bội. Theo tính toán, mỗi một trường hợp F0 thì có khoảng 20 F1 phải cách ly tập trung. Như vậy, 30 trường hợp F0 mỗi ngày thì sẽ có 600 người phải cách ly tập trung.

TP HCM đối điện thách thức trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 - Ảnh 3.

Hình ảnh một khu cách ly tại TP HCM. (Ảnh: Sức khỏe & Đời sống).

Dự báo trong thời gian tới số trường hợp F1 thành F0 trong khu cách ly sẽ tăng, dẫn đến trường hợp F2 thành F1 phải đi cách ly tập trung cũng sẽ tăng. Bên cạnh đó, thời gian cách ly lên tới 21 ngày khiến thời gian giải phóng bớt F1 cũng sẽ lâu hơn. Những khó khăn này chính là thách thức lớn đối với TP HCM trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.

Cũng trong cuộc họp ngày 4/6, lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết, hiện công suất tối đa tại TP Thủ Đức là 1.200 chỗ, tuy nhiên hiện nay đã có 817 trường hợp đang cách ly tập trung tại 6 khu cách ly của thành phố. Dự kiến thời gian tới, số trường hợp F2 thành F1 sẽ tăng nên khả năng có thể lấp đầy giường cách ly.

Từ ngày 3/6 đến ngày 4/6, quận Gò Vấp có thêm 165 trường hợp F1 và 805 trường hợp F2, có thêm 4 điểm phong tỏa và đã lấy được 5.205 mẫu xét nghiệm. Quận cũng đang mở rộng khu cách ly dự phòng với công suất dự kiến 100 giường và sẽ vận hành trong 2 ngày tới.

Khó khăn lớn nhất là quản lý F1, F2 vì khu cách ly của quận và thành phố đều đã đầy. Việc mở khu mới đang được chỉ đạo, nhưng tình hình này không biết sắp tới cách ly thêm thì điều kiện ngân sách thế nào.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp

Nhận định được tình hình trên, ngành y tế TP HCM cũng đã tiến hành nâng công suất cách khu cách ly tập trung tại mỗi quận, huyện lên 200 giường bệnh.

UBND TP HCM cũng đồng ý cho các quận - huyện tổ chức cách ly có thu phí tại các khách sạn trên địa bàn. Giao Sở Y tế khẩn trương rà soát và hướng dẫn việc triển khai thực hiện hình thức cách ly có thu phí tại các khách sạn đủ điều kiện và đáp ứng các tiêu chí an toàn về phòng, chống dịch bệnh. Tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly.

Hơn 6.000 lao động bị ảnh hưởng do Đồng Nai cách ly người từ TP HCM

Kể từ khi TP HCM tiến hành giãn cách xã hội, đến nay đã có 44 tỉnh thành tạm dừng hoạt động vận tải tới TP HCM, đồng thời áp dụng các biện pháp cách ly y tế tại khu cách ly hoặc tại nhà tùy trường hợp.

TP HCM đối điện thách thức trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 - Ảnh 5.

Chốt kiểm soát người từ TP HCM đi tới tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Thanh niên).

Từ 0h ngày 5/6, tỉnh Đồng Nai quyết định tiến hành áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh (tự trả phí) 21 ngày đối với tất cả những người từ TP HCM tới Đồng Nai tính từ ngày rời khỏi TP HCM.

Theo UBND TP HCM, hiện TP HCM có hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao sinh sống và cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, một số lượng không nhỏ người dân sinh sống trên địa bàn TP HCM đang làm việc tại tỉnh Đồng Nai.

Các địa phương không "ngăn sông, cấm chợ", gây ách tắc lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Việc thực hiện theo văn bản cách ly 21 ngày người về từ TP HCM của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM.

Ngay sau đó, UBND TP HCM đã lập tức có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị điều chỉnh phương án hoạt động giao thông vận tải để không làm ảnh hưởng đến lưu thông, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân giữa TP HCM và Đồng Nai.

Đến sáng ngày 5/6, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành họp khẩn và đưa ra quyết định điều chỉnh phương án. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu đối với người lao động đi xe đưa đón thì doanh nghiệp thực hiện đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm dịch. Mỗi xe không chở quá 50% số lượng người so với quy định; thực hiện khử khuẩn xe sau mỗi ngày vận chuyển.

Trường hợp người lao động tự do di chuyển bằng phương tiện cá nhân phải tuân thủ nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch.

Bài toán khó khi phong tỏa Gò Vấp

Vào 0h ngày 31/5, toàn quận Gò Vấp đã tiến hành thiết lập 10 chốt phong tỏa Gò Vấp với các địa bàn lân cận. Trong hai ngày đầu tiên, hàng nghìn người kẹt cứng trước chốt kiểm soát khiến không ai nghĩ nơi đây đang cách ly xã hội. 

TP HCM đối điện thách thức trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 - Ảnh 7.

Tình trạng tắc đường nghiêm trọng khiến quận Gò Vấp phải liên tục xả chốt phong tỏa. (Ảnh: Thanh niên).

Quận Gò Vấp có khoảng 37.000 công ty, 30.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, hơn 5.000 con hẻm, với gần 700.000 dân, hơn nữa lại giáp ranh nhiều địa bàn, vì thế quận đối mặt nhiều khó khăn trong lần đầu tiên áp dụng phong tỏa để phòng dịch.

Trong hai ngày đầu, vào những lúc ùn ứ quá nghiêm trọng, lực lượng chức năng đã phải xả chốt khoảng 15-20 phút rồi lại đóng chốt.

Từ sáng 2/6, quận Gò Vấp đã thay đổi chiến lược, không kiểm tra y tế từng người qua chốt vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc. Qua khung giờ cao điểm, các chốt sẽ hoạt động trở lại để kiểm soát người ra vào theo quy định. 

Phương Trang