|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng tiêu dùng đuối sức, cơ hội cho vốn ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam

07:00 | 25/06/2024
Chia sẻ
Mặc dù ghi nhận kết quả sụt giảm mạnh trong năm 2023, mảng tài chính tiêu dùng vẫn nhận được sự quan tâm, đầu tư từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự kiên trì bám trụ của các ngân hàng trong nước nhờ dư địa phát triển lớn.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

Từng là con gà đẻ trứng vàng của ngành ngân hàng Việt khi mang về hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm, tín dụng tiêu dùng đang dần đuối sức khi lợi nhuận các công ty trong ngành đồng loạt sụt giảm mạnh trong năm 2023.

Trước giai đoạn khó khăn kể từ cuối năm 2023, các công ty tài chính top đầu như FE Credit, Home Credit hay HD Saison từng thu lãi hàng nghìn tỷ đồng, không thua kém một ngân hàng quy mô nhỏ trong khi quy mô vốn, tài sản nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, kể từ sau khi đại dịch COVID-19, tài chính tiêu dùng ngày càng gặp nhiều khó khăn, dư nợ, lợi nhuận sụt giảm hay thậm chí thua lỗ, trong khi nợ xấu tăng cao.

Từ mức lãi hơn 3.000 - 4.000 tỷ đồng trong năm 2017 – 2019, đóng góp 1⁄2 lợi nhuận cho ngân hàng mẹ, lợi nhuận sau thuế của FE Credit giảm xuống còn hơn 600 tỷ năm 2021 và lỗ liên tiếp hơn 3.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 - 2023. Quý đầu năm 2024, FE Credit tiếp tục lỗ sau thuế 853 tỷ đồng.

Trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế Home Credit giảm 68% so với năm trước xuống 375 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế HD Saison giảm 43% xuống 660 tỷ đồng. Một số công ty tài chính khác như MCredit, VietCredit ghi nhận mức sụt giảm mạnh hơn lần lượt 75% và 74%. EVN Finance có mức giảm khiêm tốn hơn với 10% xuống 328 tỷ đồng.

Ngoài ra, những doanh nghiệp tài chính ngoại như Shinhan Finance hay Mirae Asset Finance cũng lỗ hàng trăm tỷ đồng, trong khi năm 2022 vẫn có lãi.

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự khó khăn chung của nền kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu dùng, khả năng thanh toán của người dân sụt giảm mạnh là nguyên nhân chính tạo nên bức tranh xám màu của ngành tài chính tiêu dùng trong thời gian qua.

Cụ thể, bối cảnh kinh tế sau đại dịch khiến nhóm khách hàng mục tiêu của tài chính tiêu dùng là công nhân, những người dân có thu nhập thấp gặp nhiều rủi ro. Đồng thời, thực trạng về nợ xấu, trào lưu bùng nợ, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc,... đã khiến cho các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được.

 

Số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết tính đến tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đạt khoảng 138.800 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 1% tổng dư nợ nền kinh tế và 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống.

Con số này vào đầu năm 2023 là trên 220.000 tỷ đồng, chiếm 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Như vậy, sau hơn một năm, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng đã giảm hơn 81.000 tỷ đồng. Đồng thời, dư nợ cho vay tiêu dùng vào tháng 2/2024 cũng giảm 2,5% so với cuối năm 2023, cho thấy xu hướng khó khăn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu cuối 2023 của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.

Đồng thời, các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng được cấp phép cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các ứng dụng cho vay với thủ tục nhanh gọn, không phải thế chấp.

Sự xuất hiện của cá mập ngoại

Trong giai đoạn khó khăn, nhiều ngân hàng, chủ sở hữu công ty tài chính đã lựa chọn bán mảng kinh doanh này cho nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư đặc biệt từ Thái Lan, Nhật Bản cũng tận dụng cơ hội này để thâm nhập thị trường Việt Nam.

M&A một công ty tài chính có quy mô lớn là một hướng đi tắt đón đầu của nhà đầu tư ngoại trong việc được phép kinh doanh, thu lại được mạng lưới và đội ngũ nhân sự ở Việt Nam. Sau thương vụ khủng VPBank bán FE Credit cho Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản, từ năm 2023 đến nay, đã có thêm ít nhất 4 thương vụ M&A với quy mô gần 30.000 tỷ đồng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

 

Ngày 28/2/2024, Ngân hàng SCB X (Thái Lan) đã chính thức xác nhận việc mua lại 100% vốn điều lệ của Home Credit Việt Nam. Thương vụ có tổng giá trị là 20.973 tỷ đồng (tương đương 860 triệu USD). Thương vụ trên dự kiến hoàn tất vào nửa đầu năm 2025, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Trước đó, Home Credit Việt Nam thuộc sở hữu của tập đoàn PPF (Cộng hòa Séc).

Cuối năm 2023, AEON Financial cũng đã mua lại 100% vốn góp của SeABank tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) với giá 4.300 tỷ đồng, Trong thông cáo, Đại diện AEON Financial cho biết ngoài việc cung cấp các khoản vay cá nhân, cũng có kế hoạch phát hành thẻ tín dụng. Một thương vụ lớn khác là việc SHB bán 100% vốn điều lệ của SHBFinance cho đối tác là ngân hàng Krungsri của Thái Lan. Tổng giá trị thương vụ ước tính vào khoảng 3.600 tỷ đồng.

SHB đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại SHBFinance cho Krungsri trong tháng 5/2023. Đầu năm 2023, ngân hàng UOB của Singapore thông báo đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam.

Cuối tháng 3/2024, ngân hàng Cathay United Bank ra mắt ứng dụng CUB Vietnam, với nỗ lực thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Khác với việc cấp tín dụng theo từng khoản vay, ứng dụng CUB Vietnam cấp hạn mức tín dụng với thời hạn lên đến 5 năm. Trong thời gian này, khách hàng có thể đề nghị rút vốn vay và được giải ngân nhiều lần (trong phạm hạn mức tín dụng đã được cấp) mà không cần thực hiện lại toàn bộ thủ tục cho vay theo yêu cầu.

Vẫn còn nhiều cơ hội

Mặc dù tài chính tiêu dùng trải qua nhiều khó khăn, các ngân hàng vẫn duy trì mảng kinh doanh này và nhà đầu tư mới thâm nhập thị trường đều duy trì niềm tin lớn. Thay vì việc thoái vốn tại các công ty tài chính, một số ngân hàng lựa chọn con đường tái cơ cấu hoặc chuyển dịch mô hình kinh doanh.

Chẳng hạn, thay vì bán FCCOM, ngân hàng MSB đã quyết định đổi tên doanh nghiệp này thành TNEX Finance và cùng với McKinsey đang xây dựng kế hoạch 6 tháng, 1 năm cho mô hình mới.

Theo công bố của MSB, số điểm giới thiệu dịch vụ của TNEX Finance là 21, phục vụ gần 11.700 khách hàng với tổng dư nợ là 2.161 tỷ đồng, doanh thu thuần năm 2023 đạt 233 tỷ đồng, lợi nhuận trước trước thuế gần 3 tỷ đồng. Tỷ lệ xấu vào cuối năm 2023 của công ty là 5,15%.

VPBank cũng kiên định với kế hoạch tái cơ cấu FE Credit. Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tài chính tiêu dùng. Mặc dù thị trường hiện tại có 16 công ty tài chính được cấp phép nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Những khó khăn trong năm vừa qua chủ yếu do bối cảnh vĩ mô chung cũng như hiểu biết của người dân còn hạn chế.

Lãnh đạo VPBank cũng dự kiến công ty tài chính này sẽ có lãi 1.200 tỷ đồng trong năm 2024 và quay lại mức lợi nhuận 3.000 - 4.000 tỷ đồng vào từ năm 2025 nếu điều kiện thị trường cho phép.

Trong khi đó, Techcombank cũng đang có kế hoạch thâm nhập thêm vào mảng tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn đang chờ điều kiện thị trường thuận lợi hơn.

Ở trường hợp của MCredit, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB, cho biết trước những khó khăn của thị trường, thay vì cho vay tiền mặt thông thường, MCredit đã có chiến lược mới, ưu tiên cho vay nhóm khách hàng có dữ liệu (từ ngân hàng mẹ).

“MCredit cũng đang điều chỉnh mô hình thu nợ, phối hợp với các đối tác bên ngoài để tăng chất lượng xử lý nợ”, ông nói thêm. Năm 2024, MCredit đặt mục tiêu lợi nhuận gấp đôi 2023.

 

Theo đánh giá của FiinGroup, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nhờ tỷ lệ thâm nhập thấp, dân số ít tiếp cận với ngân hàng và số lượng đông đảo người trẻ tuổi, là tập khách hàng mục tiêu quan trọng cho tài chính tiêu dùng trong tương lai.

Đồng thời, lĩnh vực này cũng nhận được sự hỗ trợ từ cách chính sách của nhà nước nhằm thúc đẩy thanh toán số, đẩy lùi tín dụng đen, các quy tắc, hành lang pháp lý về thu nợ..., FiinGroup cho hay.

Hiện dân số Việt Nam là hơn 100 triệu người, cao thứ ba châu Á. Tuy nhiên, theo số liệu Fiingroup có được, cho vay tiêu dùng không bao gồm cho vay mua nhà chỉ chiếm khoảng hơn 10% GDP, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore ...

Do đó, dư địa tăng trưởng của mảng kinh doanh này hiện vẫn còn rất lớn. Tại các nước có ngành tài chính tiêu dùng phát triển, quy mô dư nợ cho vay có thể lên tới khoảng 50% GDP (Hàn Quốc).

Báo cáo mới đây do Home Credit Việt Nam và Decision Lab cùng thực hiện cho thấy người Việt Nam không có nhiều niềm tin vào việc vay được tiền từ ngân hàng và cần sự giúp đỡ từ các tổ chức tài chính khác. Đồng thời, nhiều người thuộc nhóm thu nhập thấp cũng không có khả năng, hoặc không sẵn sàng cung cấp thông tin, giấy tờ cần thiết để tiếp cận vốn ngân hàng.

Do đó, các công ty tài chính có thể là một giải pháp hiệu quả, lấp đầy khoảng trống cho dòng vốn ngân hàng. Để thúc đẩy lĩnh vực tài chính tiêu dùng hơn nữa, các chuyên gia, chủ doanh nghiệp cho rằng yếu tố quan trọng là sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.

Trong một hội thảo gần đây về lĩnh vực tài chính tiêu dùng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, cho rằng cần có chế tài mạnh mẽ để xử lý những đối tượng cố tình không trả nợ hay thành lập hội nhóm bùng nợ. Ngoài ra, theo ông việc tích hợp dữ liệu dân cư, chấm điểm tín dụng có thể là giải pháp giúp người dân tự nguyện trả nợ.

"Tôi tin chắc rằng sau khi tích hợp dữ liệu dân cư, người dân sẽ tự nguyện trả nợ. Khi người dân tự nguyện trả nợ, ngân hàng cũng phải rộng mở đón người dân, xem xét tạo điều kiện hỗ trợ về lãi quá hạn, nợ xấu, có sự dung hòa,...", ông Hùng nói thêm.

Cũng tại hội thảo này, các đại diện từ MCredit, TPBank đều cho rằng Nhà nước cần cho phép lại hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện để hỗ trợ thu nợ cho các công ty tài chính. Việc thiếu vắng các doanh nghiệp này đã và đang khiến công ty tài chính tiêu dùng phải thu hẹp hoạt động cho vay.

(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2024)

Minh Quang