|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tiền mã hóa càng lao đao, giấc mơ của các ngân hàng trung ương càng đến gần với hiện thực

19:23 | 23/11/2022
Chia sẻ
Việc giá bitcoin lao dốc cùng với các vụ bê bối như FTX đang khiến tiền mã hóa dần mất đi sức hút đối với công chúng. Các ngân hàng trung ương có thể nhân cơ hội này để thúc đẩy tiền kỹ thuật số CBDC với tiềm năng giúp cho việc thực thi chính sách tiền tệ trở nên dễ dàng như trở bàn tay.

Vàng từng là loại tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Forbes).

Ngân hàng tạo ra tiền từ hư vô

Trước khi có tiền giấy, con người sử dụng vàng hoặc các loại vật liệu khác được coi là quý giá để mua bán với nhau. Về sau, ngân hàng ra đời và phát hành các giấy chứng nhận để tiện cho việc giao dịch.

Thay vì cầm theo kim loại nặng nề bên mình đi khắp nơi, con người có thể mang vàng đến một ngân hàng gần nhà, quy đổi vàng ra các tờ giấy chứng nhận rồi mang những tờ giấy này đi để sử dụng tùy ý. Giấy chứng nhận này chỉ ghi tên ngân hàng và giá trị tương đương vàng, không ghi tên người nắm giữ nên có thể được tự do chuyển nhượng.

Khi nào không muốn cầm giấy nữa, người ta có thể đổi ra vàng và ngân hàng có nghĩa vụ phải chuyển đổi cho bất cứ ai cầm tờ giấy chứng nhận do chính ngân hàng này phát hành. Vai trò của ngân hàng lúc này chỉ là giúp hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được dễ dàng và thuận tiện hơn.

Dần dần, số người mang vàng đến ngân hàng để quy đổi ra giấy chứng nhận ngày càng nhiều. Các ông chủ ngân hàng ngồi trên một đống vàng khổng lồ và nảy ra ý tưởng kiếm lợi bằng cách cho vay lấy lãi.

Giả sử ông A mang 10 kg vàng đến ngân hàng để đổi lấy một tờ giấy chứng nhận gửi 10 kg vàng. Bà B muốn vay 5 kg vàng và được ngân hàng đưa cho một tờ giấy chứng nhận trị giá 5 kg vàng.

Hành động cho vay này của ngân hàng chính là việc “in” ra thêm số tiền trị giá 5 kg vàng. Trong kho của ngân hàng chỉ có 10 kg vàng do ông A gửi vào nhưng nền kinh tế có hai tờ giấy chứng nhận với tổng giá trị 15 kg vàng.

Nếu tất cả mọi người cùng lúc mang giấy chứng nhận đến ngân hàng đòi đổi ra vàng, ngân hàng sẽ không thể ngay lập tức có đủ tiền để trả và do vậy lâm vào cảnh phá sản.

Trong hệ thống tiền tệ Bretton Woods (1944 – 1971), Mỹ phát hành USD ra toàn thế giới và cam kết quy đổi USD ra vàng cho bất cứ ai có nhu cầu.

Các tờ USD của thế kỷ 20 có giá trị tương đương như những tờ giấy chứng nhận gửi vàng thời xưa. Vì Mỹ in ra quá nhiều “giấy chứng nhận” để chi tiêu cho chiến tranh và bù đắp thâm hụt ngân sách, các quốc gia khác nghi ngờ Mỹ không thể có đủ vàng để đáp ứng tất nhu cầu chuyển đổi ra vàng.

Khi niềm tin không còn, các nước đua nhau chở USD đến Mỹ để đổi lấy vàng trước khi quá muộn, Tổng thống Richard Nixon phải tuyên bố chấm dứt cam kết đổi USD ra vàng và hệ thống Bretton Woods sụp đổ.

Ngày nay, tiền tệ của các nước đều là tiền định danh (fiat currency), tức là không có ai cam kết quy đổi ra vàng hay bất cứ loại hàng hóa nào khác. Tuy nhiên, nguy cơ về sự sụp đổ ngân hàng vẫn giống như xưa.

Nếu một ngân hàng chỉ nhận tiền gửi mà không cho vay, sẽ không có tiền mới được “in” ra. Mỗi đồng ngân hàng cho vay chính là một đồng tiền mới được tạo ra từ hư không, trước đây chưa từng tồn tại. Khi khoản vay được hoàn trả, đồng tiền đó lập tức biến mất.

Nếu tất cả người gửi tiền cùng đến đòi rút tiền, ngân hàng chắc chắn không có đủ để trả hết và sẽ rơi vào cảnh phá sản. Để giúp ổn định hệ thống ngân hàng, chính phủ các nước tạo ra một ngân hàng trung ương – tổ chức duy nhất có quyền in tiền. 

Tiền mã hóa - mối đe dọa tiềm tàng với NHTW

Mayer Amschel Rothschild – người sáng lập đế chế ngân hàng Rothschild – từng nói: “Nếu tôi kiểm soát nguồn cung tiền của một quốc gia, tôi sẽ chẳng cần quan tâm ai là người viết ra luật pháp của đất nước đó”.

Quyền lực tạo ra tiền và quản lý hệ thống tiền tệ có ý nghĩa tối quan trọng.

Nếu một ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản, ngân hàng trung ương (NHTW) có thể in tiền rồi dùng xe tải chở đến ngân hàng đó để hỗ trợ. Nếu chính phủ cần tiền cho các chính sách kinh tế, an ninh, quốc phòng, … NHTW sẽ là người tạo ra số tiền đó.

Nếu một nước có 10 thế lực khác nhau cùng in tiền, quyền lực sẽ không thể tập trung trong tay một chính phủ duy nhất mà sẽ bị chia nhỏ. Vì vậy, các chính phủ luôn phải giữ vững thế độc quyền trong in tiền bằng mọi giá, những ai làm tiền giả hay có hành động khác đe dọa giá trị đồng tiền đều bị phạt nặng.

 Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là ngân hàng trung ương và cơ quan duy nhất có thẩm quyền tạo ra tiền.

Tiền mã hóa ra đời năm 2009 mang những đặc điểm khác biệt căn bản so với tiền pháp định. Tiền mã hóa được tạo ra bởi những người “thợ đào” sử dụng máy tính cấu hình cao để giải những bài toán siêu phức tạp dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Đặc trưng của tiền mã hóa là tính phi tập trung và không bị ai quản lý. Không một tổ chức hay cá nhân nào nắm thế độc quyền trong việc phát hành hay tăng giảm cung tiền tiền.

Nếu tiền mã hóa được dân chúng sử dụng rộng rãi thay cho tiền pháp định, vai trò điều tiết kinh tế của NHTW sẽ suy sụp và giá trị của tiền giấy cũng không còn.

Đây là một trong những lý do chính khiến các NHTW không ủng hộ sự tồn tại và phát triển của những loại tiền mã hóa như bitcoin, ether, …

Ngân hàng trung ương của hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Iraq, Qatar, Oman, Ma Rốc, Algeria, Tunisia, Bangladesh, Mexico, … đã ban hành lệnh cấm giao dịch tiền mã hóa.

(Ảnh: AFP; Đồ họa: Song Ngọc).

Tháng 5 năm nay, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde khẳng định rõ: “Tôi đã nói ngay từ đầu rằng tiền mã hóa là những tài sản cực kỳ rủi ro và có tính đầu cơ cao. Nhận định của tôi là tiền mã hóa chẳng có giá trị gì và không có tài sản cơ sở để đảm bảo sự an toàn”.  

Loại tiền mã hóa phổ biến nhất hiện nay là bitcoin có số lượng tối đa là 21 triệu đơn vị, tức là nguồn cung rất hạn chế chứ không thể được in ra tùy thích như với tiền giấy. Những người ủng hộ tiền mã hóa cho rằng đặc tính nguồn cung hữu hạn này giúp cho bitcoin ngày càng có giá, không bị lạm phát ăn mòn sức mua.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NHTW lại có quan điểm khác. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói vào tháng 9: “Tiền mã hóa không phải là công cụ tốt để lưu trữ giá trị mà là một tài sản đầu cơ”.

Việc giá bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung liên tục lao dốc giữa những vụ sụp đổ đình đám của các sàn giao dịch như FTX càng củng cố thêm lập luận của các chính phủ về tính thiếu ổn định của loại tài sản mới này.

Theo các NHTW, tiền mã hóa như bitcoin không thể thay thế được tiền pháp định do nhà nước quản lý, đồng thời kém xa loại tiền mới đang được đề xuất là CBDC.

Giá bitcoin từng lập đỉnh 68.000 USD, hiện còn khoảng 16.000 USD.

Phương án thay thế của các NHTW

Sau khi tiền mã hóa ra đời, các ngân hàng trung ương đã khởi xướng việc phát triển một loại tiền tệ mới để cạnh tranh là tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, viết tắt là CBDC.

CBDC và tiền mã hóa giống nhau ở chỗ đều đều là các tài sản được tạo ra và giao dịch trong không gian mạng máy tính. Nhiều loại CBDC cũng sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) như tiền mã hóa.

Tuy nhiên, hai loại tài sản này có những điểm khác biệt rất căn bản.

Tiền mã hóa do nhiều người cùng tạo ra, không bị ai kiểm soát. Giao dịch tiền mã hóa có tính ẩn danh, không thể truy vết ra người thực hiện. Ngược lại, CBDC là tiền do ngân hàng trung ương phát hành và quản lý. Chính quyền có thể biết chính xác ai đã tiêu bao nhiêu CBDC vào việc gì, ở đâu.

Các NHTW đang nỗ lực phát triển và thử nghiệm CBDC. (Ảnh minh họa: Coin Telegraph).

Khi CBDC được triển khai, người dân sẽ sử dụng tài khoản theo kiểu ví điện tử được mở ở chính NHTW. Các giao dịch CBDC vẫn được thực hiện thông qua chuyển khoản hay quét mã QR như với tài khoản ngân hàng hiện nay.

Điểm khác biệt là NHTW sẽ có dữ liệu theo thời gian thực về tài khoản của từng cá nhân, không phải đợi báo cáo của các ngân hàng thương mại hay các định chế trung gian như Visa, Mastercard, American Express, …. Lượng thông tin và mức độ kiểm soát sẽ lớn gấp nhiều lần hiện nay.

Ví dụ, những người bị chính quyền coi là nguy hại và có dấu hiệu tội phạm có thể bị đóng băng tài khoản CBDC ngay lập tức, không thể mua bán được.

Khi thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, nhà nước có thể hướng dòng vốn đến chính xác nơi cần đến thay vì trông chờ vào các công cụ vĩ mô thiếu tính chọn lọc như lãi suất hay trần tín dụng.

Chẳng hạn, NHTW có thể chuyển một số tiền CBDC vào ví điện tử của những người đói ăn để hỗ trợ trong thời kỳ khó khăn, và số tiền này sẽ chỉ có thể được chi tiêu ở những cửa hàng bán thực phẩm đã đăng ký trước. Người dân sẽ không thể dùng tiền hỗ trợ sai mục đích bằng cách “quẹt thẻ” ở khu nghỉ dưỡng 5 sao hay mua váy áo mới.

Nếu cấp khoản vay cho lĩnh vực sản xuất hay nông nghiệp, NHTW cũng có thể dễ dàng đảm bảo tiền được sử dụng đúng mục đích thông qua ví CBDC.

Nếu nền kinh tế đang có nguy cơ suy thoái, chính quyền có thể phát tiền vào ví CBDC của người dân nhưng yêu cầu phải chi tiêu trong hai tháng, nếu không tiền sẽ hết hạn và trở nên vô giá trị.

Người dân không thể tiết kiệm số tiền được hỗ trợ nên đổ xô đi mua sắm, làm nhu cầu tăng vọt, các nhà máy thuê mướn thêm lao động để tạo ra thêm hàng hóa - dịch vụ và thế là nền kinh tế tránh khỏi suy thoái.

Nếu đất nước đang thiếu xăng dầu, chính quyền có thể thông qua ví CBDC để hạn chế số tiền mà mỗi người chi tiêu cho nhiên liệu mỗi tháng. Tương tự, chính quyền cũng có thể kiểm soát giao dịch của người dân đối với vàng, bitcoin, vé máy bay ra nước ngoài, …

Nếu tiền kỹ thuật số CBDC được triển khai rộng rãi thì giấc mơ của NHTW sẽ trở thành hiện thực, việc thực thi chính sách vĩ mô và điều tiết dòng tiền trong nền kinh tế sẽ dễ như trở bàn tay.

Nhưng liệu sự kiểm soát toàn diện về tiền tệ này có phải là điều tốt nhất với nền kinh tế? Các chuyên gia và nhà quản lý cũng không ít lần mắc sai lầm và nhiều khi bàn tay vô hình của thị trường mới là công cụ định hướng tốt nhất.

Song Ngọc - Đức Quyền