|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiềm năng thị trường IoT Việt Nam: Ước tạo doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm, ngành ô tô và tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn

10:12 | 15/06/2023
Chia sẻ
Theo các báo cáo, quy mô thị trường IoT (Internet vạn vật) tại Việt Nam ước đạt gần 4 tỷ USD vào năm 2023 và có thể cán mốc hơn 15 tỷ USD vào năm 2030, qua đó tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp theo đuổi lĩnh vực này.

Nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho các lĩnh vực khác nhau, trong đó có IoT (Internet vạn vật - Một hệ thống các thiết bị tính toán, máy móc cơ khí và kỹ thuật số hoặc con người có liên quan với nhau và khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không yêu cầu sự tương tác giữa con người với máy tính).

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT), quy mô thị trường IoT Việt Nam đã đạt hơn 2 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD vào năm 2025.

Các ứng dụng IoT đang được triển khai rộng rãi tại Việt Nam bao gồm: Thành phố thông minh, nhà thông minh, quản lý năng lượng, giám sát môi trường, quản lý giao thông, quản lý chất lượng nước và nhiều ứng dụng khác.

Quy mô ước tính của thị trường IoT Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030. (Nguồn: Research and Markets - Doanh Chính tổng hợp).

Dù vậy, việc triển khai IoT tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như thiếu nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở kỹ thuật còn yếu, chi phí đầu tư cao hay rủi ro về an toàn thông tin, theo Thanh Niên.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom chia sẻ tại Hội thảo Viettel M2M IoT do Tổng công ty Viễn thông Viettel tổ chức ngày 14/6 rằng trên thế giới hiện tại có gần 15 tỷ kết nối IoT, tức là mỗi người đang kết nối với gần hai thiết bị thông minh qua internet.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, con số này còn đang rất thấp, chỉ khoảng 1/20 so với trung bình thế giới. Trong lĩnh vực IoT, Việt Nam cũng đi sau thế giới 20 bậc. Do đó, để đạt được mật độ kết nối trên dân số tương đương thế giới, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn.

Dù vậy, lãnh đạo Viettel Telecom tin tưởng lĩnh vực IoT tại Việt Nam cũng có thể phát triển mạnh trong thời gian tới khi các doanh nghiệp, các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin cùng nhau giải quyết các bài toán kỹ thuật hạ tầng, cùng nhau hợp tác phát triển thị trường này.

Thị trường có doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm

Theo báo cáo từ Research and Markets, quy mô thị trường IoT tại Việt Nam ước đạt hơn 3,7 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến cán mốc hơn 15,2 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 22,1% trong giai đoạn 2023 – 2030.

Trong khi đó, theo số liệu từ Statista, doanh thu trên thị trường IoT tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mốc 6,23 tỷ USD vào năm 2023, tăng lên so với mức 4,94 tỷ USD vào năm 2022 và 3,79 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, thị trường quan trọng nhất đối với lĩnh vực IoT tại Việt Nam là ngành ô tô, với doanh thu ước tính đối với lĩnh vực IoT cho ngành ô tô trong năm 2023 rơi vào khoảng 2,18 tỷ USD.

Doanh thu từ lĩnh vực IoT tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16,04% trong giai đoạn 2023 – 2028, qua đó ước đạt tổng doanh thu 13,11 tỷ USD vào năm 2028. Trên toàn cầu, phần lớn doanh thu từ thị trường IoT sẽ được tạo ra ở Mỹ (172,3 tỷ USD vào năm 2023).

Doanh thu ước tính của thị trường IoT Việt Nam giai đoạn 2020 - 2028. (Nguồn: Statista - Doanh Chính tổng hợp).

Theo TechsciResearch, việc tăng cường áp dụng các giải pháp IoT trong các doanh nghiệp, tăng số lượng thiết bị được kết nối và tăng mức độ phổ biến cỉa điện thoại thông minh là những yếu tố thúc đẩy thị trường internet vạn vật Việt Nam đến năm 2025.

Bên cạnh đó, sự gia tăng đáng kể trong việc tạo dữ liệu và nhu cầu phân tích ngày càng tăng, do việc triển khai mạnh mẽ các thiết bị IoT và nhu cầu phân tích ngày càng tăng trong sản xuất, đang bổ sung cho sự phát triển của thị trường internet vạn vật tại Việt Nam.

Nền tảng đám mây giúp truy cập dữ liệu thuận tiện từ mọi nơi mà vẫn đảm bảo tính bảo mật cũng như cung cấp dung lượng lưu trữ khổng lồ. Những yếu tố này giúp khai thác tiềm năng của các thiết bị được kết nối, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường IoT Việt Nam trong những năm tới.

Thị trường internet vạn vật Việt Nam có thể được phân tách dựa trên nền tảng, thành phần, loại hình, ứng dụng và khu vực. Dựa trên thành phần, phần cứng chiếm 42,42% thị phần vào năm 2019 và xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục cho đến năm 2025 do việc áp dụng IoT ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp người dùng cuối khác nhau để cải thiện hiệu quả hoạt động.

Về phân tích khu vực, miền Bắc dẫn đầu thị trường vào năm 2019 và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục đến năm 2025 do các sáng kiến của chính phủ trong khu vực như lưới điện thông minh và thành phố thông minh. Ngoài ra, phần lớn công ty mạnh về IoT cũng có trụ sở tại miền Bắc, qua đó tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường.

Nên áp dụng IoT bắt đầu từ ô tô và thiết bị điện

Chia sẻ về thị trường IoT Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc chuyển đổi số Deloitte Đông Nam Á cho hay, theo nghiên cứu của đơn vị này, đến năm 2027, tại Việt Nam sẽ có khoảng 14,8 triệu thiết bị kết nối IoT, theo Vietnamnet

Theo lãnh đạo Deloitte Đông Nam Á, nhiều lĩnh vực tại Việt Nam có thể áp dụng IoT hiệu quả, chẳng hạn như năng lượng, giao thông vận tải, logistics, bán lẻ,… Trong đó, phía Deloitte đề xuất Việt Nam nên ưu tiên áp dụng các ứng dụng IoT vào các thiết bị điện, hỗ trợ kết nối các xe ô tô và xe tải hạng nặng, quản lý đội tàu cũng như giám sát vận chuyển hàng hóa và thanh toán tại các cửa hàng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom, trong lĩnh vực IoT tại Việt Nam đang xuất hiện thêm hai định nghĩa nhỏ hơn, bao gồm IoG (Internet of Government) và IoV (Internet of Vehicle).

Trong đó, IoG là xu hướng kết nối trong các thành phố thông minh và trong dịch vụ hành chính công còn IoV được coi là xu hướng kết nối Internet các phương tiện giao thông vận tải, theo dõi và giám sát phương tiện. Đây là những ứng dụng của IoT mà Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ 3-5 năm tới. 

Doanh Chính