Thị trường ôtô Việt 2024: làn sóng điện hóa và xe Trung Quốc
Thị trường vượt khó
Đến tháng 10, tức quá nửa năm, nhiều hãng xe trên thị trường vẫn còn tồn xe sản xuất năm 2023. Nhu cầu thấp của người dùng xuyên suốt giai đoạn nửa đầu 2024 ảnh hưởng đến bức tranh chung của ngành xe. Tồn kho các hãng ở mức cao, trong khi người dân thắt chặt chi tiêu trong một năm còn nhiều khó khăn của nền kinh tế.
Thị trường chỉ có dấu hiệu phục hồi từ tháng 8. Càng về cuối năm, áp lực hàng tồn sản xuất 2023 càng lớn, khiến các hãng đẩy mạnh khuyến mãi. Mức giảm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng xuất hiện hầu như tất cả các mẫu xe trong ngành, từ phổ thông đến cao cấp. Hãng không khuyến mãi thì đại lý tự thực hiện nhằm tăng tính thanh khoản lẫn luân chuyển dòng tiền.
Giữa bối cảnh ảm đạm của thị trường, một lần nữa, lệ phí trước bạ kích hoạt lại sự sôi động ở các đại lý. Như những lần trước, chính sách của nhà nước (Nghị định 109) chỉ áp dụng cho xe lắp ráp trong nước, nhưng cũng khiến doanh số chung tăng trưởng bởi các hãng bán xe nhập gia tăng khuyến mãi để cạnh tranh.
Hyundai Santa Fe trong lễ ra mắt khách Việt. Ảnh: Thành Nhạn
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi chỉ áp dụng trong ngắn hạn (tháng 9-11), những lần trước đều là 6 tháng. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp kích cầu của Chính phủ không dài nhưng ba tháng cũng là trợ lực kịp thời để thúc đẩy người dân tăng chi tiêu cho ôtô.
Tháng 10, triển lãm Ôtô Việt Nam (VMS) trở lại sau một năm vắng bóng, hàng loạt mẫu xe mới ra mắt cùng các chương trình bán hàng ưu đãi đặc biệt trong thời gian diễn ra sự kiện. Tất cả giúp thị trường sôi động dần về cuối năm.
Từ tháng 10 trở đi, doanh số toàn ngành nhích nhẹ so với cùng kỳ 2023, năm có lượng bán thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Đến tháng 11, những trợ lực từ nhà nước, các hãng xe lẫn đại lý dần đưa thị trường lấy lại nhịp tăng trưởng. Doanh số lũy kế đến tháng 11, toàn ngành, bao gồm những thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), các hãng nhập khẩu, Hyundai Thành Công - hãng phân phối xe Hyundai, và VinFast, đạt 434.393 xe, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ 2023.
Riêng VinFast, thương hiệu Việt công bố số liệu bán hàng đạt hơn 67.000 chiếc tại thị trường nội địa. Mức doanh số này của VinFast cao nhất thị trường ôtô Việt Nam, vượt qua các hãng dẫu đầu như Toyota, Hyundai. Lịch sử hơn 30 năm của ngành xe trong nước chưa lần nào chứng kiến một hãng xe nội địa (đầu tiên) bán nhiều như vậy.
Dồn dập xe mới ra mắt thị trường
Thị trường gặp khó nhưng các hãng, bằng nhiều cách, vẫn tạo ra sức hấp dẫn cho khách hàng. Một trong số đó là trình làng xe mới.
2024 là năm có lượng xe mới ra mắt nhiều nhất từ trước đến nay. Có khoảng 60 mẫu xe mới được các hãng giới thiệu trong năm qua, gồm các bản nâng cấp nhẹ, nâng cấp giữa chu kỳ, thế hệ mới lẫn lần đầu tiên ra mắt Việt Nam. Những năm trước như 2023 hay 2022, năm thị trường sôi động nhất, số lượng xe mới trình làng nhiều nhất khoảng 40-50 chiếc.
Thị trường 2024 hầu như tháng nào cũng có xe mới ra mắt khách hàng. Riêng các hãng Trung Quốc đóng góp đến gần 20 mẫu và dự kiến chưa dừng lại khi kế hoạch giới thiệu sản phẩm mới tiếp diễn sang 2025. BYD là hãng hăng hái nhất về khoản giới thiệu xe mới khi chỉ trong vòng ba tháng (7-10), tổng cộng 5 mẫu xe hoàn toàn mới xuất hiện, nhập Trung Quốc và đều thuần điện.
Một số mẫu xe ra mắt 2024 trong hành trình đánh giá xe của giám khảo Car Awards. Ảnh: Minh Quân
Triển lãm VMS 2024 tổ chức hồi tháng 10 tại TP HCM là nơi các hãng giới thiệu xe mới nhiều nhất. Ở sự kiện này, khách thưởng lãm có cơ hội tiếp cận khoảng 20 mẫu ôtô mới, hoặc mở bán ngay hoặc dừng ở mức trình diễn. Nếu không có những hãng rút vui vào phút chót, số xe mới diện kiến khách Việt còn lớn hơn.
Trong số những mẫu xe mới ra mắt, thị trường ghi nhận những cái tên mang lại hiệu ứng bán hàng tốt như Mitsubishi Xforce, Hyundai Santa Fe, Toyota Corolla Cross, VinFast VF 3... Ở phân khúc hạng sang, những cái tên đáng chú ý như Porsche Macan EV, Volvo C40, Audi A4, Maserati GranTurismo...
Các hãng đẩy mạnh xe điện hóa
Cứ qua mỗi năm, xu hướng điện hóa của ngành xe trong nước lại càng rõ nét. Từ chỗ chỉ có Toyota và VinFast, hai đại diện tiêu biểu cho lần lượt mảng hybrid và thuần điện, thị trường xe điện hóa dần thu hút nhiều hãng khác tham gia.
2-3 năm trước, sự đón nhận của người dùng với xe điện hóa còn dè dặt bởi những trở ngại như giá cao, hệ thống trạm sạc còn nhiều hạn chế. Đến nay, những vấn đề này vẫn còn hiệu hữu nhưng mức độ phần nào giảm bớt.
Xe hybrid chứng minh được độ bền như xe xăng, dầu truyền thống, trong khi hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn. Nhu cầu xe điện cởi mở hơn do mạng lưới sạc ngày càng tăng lên. Trước đây, chỉ có VinFast đầu tư trạm sạc cho xe điện thì khoảng 2 năm trở lại đây, các công ty tư nhân cũng tham gia vào kênh đầu tư này để đón đầu xu hướng.
Khách tham quan hai mẫu hybrid CR-V và Civic của Honda tại Triển lãm xe bền vững 2024. Ảnh: Lương Dũng
Một minh chứng cho bức tranh tổng thể ngành xe điện hóa đang ngày càng đậm nét hơn ở Việt Nam là triển lãm lần hai về xe xanh (Triển lãm xe bền vững 2024) được VnExpress tổ chức hồi đầu tháng 12, tăng cả số lượng hãng tham gia lẫn sản phẩm góp mặt. Hàng nghìn người có mặt tại triển lãm, tìm hiểu công nghệ và không ít đơn hàng đã được chốt sau khi khách lái thử xe.
Tính riêng mảng xe thuần điện, chỉ có VinFast công bố số liệu bán hàng. Doanh số hơn 67.000 xe điện của hãng Việt là cao nhất từ khi thành lập và cũng cao nhất thị trường trong nước. Dù một phần không nhỏ số xe VinFast bán ra được dùng bởi các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải, điều này cũng cho thấy tính hiệu quả của xe điện khi đặt trong nhu cầu di chuyển chủ yếu ở đô thị, hay quãng ngắn nhờ chi phí sử dụng thấp hơn xe động cơ đốt trong.
Với xe hybrid, doanh số lũy kế đến tháng 11 của các hãng đạt hơn 8.300 chiếc. Do năm 2023 các hãng không công bố số liệu của dòng này nên chưa rõ mức tăng trưởng.
Năm 2024 cũng là năm ghi nhận số lượng xe điện hóa ra mắt nhiều kỷ lục. Phần đóng góp lớn nhất đến từ các hãng Trung Quốc khi BYD giới 5 mẫu xe điện, Aion 2. VinFast trình làng hai mẫu mới hoặc nâng cấp là VF 3 và VF 8.
Với các hãng Nhật, hybrid tiếp tục là chiến lược ưu tiên thực hiện tại Việt Nam. Toyota có các dòng Camry, Corolla Cross hybrid mới. Sau CR-V, Honda mang về mẫu Civic hybrid để đa dạng hóa danh mục xe xanh. Subaru giới thiệu chiếc Crosstrek nhập Nhật với tùy chọn động cơ hybrid. Bên cạnh đó là những cái tên như Suzuki XL7, MG4 EV, Wuling Bingo...
Ở mảng xe sang, người dùng có thêm những dòng xe thuần điện hay hybrid như Audi Q8 e-tron, Mercedes-Maybach EQS SUV, Volvo C40, Lexus LM, Porsche Macan EV...
Làn sóng ôtô Trung Quốc khuấy đảo thị trường Việt
Hơn 10 năm trước, thị trường ôtô Việt chứng kiến làn sóng đổ bộ lần đầu của nhiều thương hiệu xe hơi Trung Quốc. Chiến lược bán hàng manh mún, sản phẩm còn nhiều hạn chế về công nghệ, trong khi sức mạnh của xe Nhật án ngữ ở thị trường trong nước quá lớn, khiến lần xâm nhập ồ ạt này của xe Trung Quốc như những con sóng bạc đầu, nhanh đến nhưng cũng chóng tàn.
Lô xe Omoda C5 đầu tiên từ Indonesia cập cảng Hải Phòng ngày 19/11. Ảnh: O&J
2024, một lần nữa các hãng xe nước láng giềng trở lại. Nhưng khác lần đầu, phần lớn các thương hiệu Trung Quốc giờ đây có chiến lược bán hàng và định vị sản phẩm bài bản hơn, chưa kể số lượng còn nhiều hơn trước. Không có năm nào như năm nay, giới truyền thông Việt, đại diện nhà phân phối, đại lý, được các hãng xe xứ Trung mời sang thăm nhà máy, nghe giới thiệu công nghệ, sản phẩm nhiều đến vậy.
Với sự hậu thuẫn của Chính phủ, ngành xe điện Trung Quốc phát triển thần tốc, kéo theo sự xuất hiện của hàng chục thương hiệu xe mới. Giới chuyên môn ví von sự nở rộ của các hãng xe non trẻ nước này, tập trung vào xe năng lượng mới (xe hybrid, thuần điện...) nhiều như nấm sau mưa. Khi thị trường nội địa dần trở nên ngột ngạt do sản lượng xe xuất xưởng lớn hơn so với nhu cầu thực tế, các hãng xe Trung Quốc tìm đường ra nước ngoài. Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là thị trường trọng điểm thu hút các hãng xe lớn của nước này như Geely, BYD, Chery, GAC...
Chỉ tính trong 2024, có tổng cộng 7 thương hiệu xe Trung Quốc gia nhập thị trường Việt, nâng tổng số hãng của quốc gia này lên 13, dẫn đầu thị trường. Trước đây, Nhật Bản là quốc gia có nhiều hãng xe nhất với 9. Dongfeng là hãng xe mới nhất đánh tiếng gia nhập thị trường Việt cuối 2024 nhưng do một số nguyên nhân khách quan, kế hoạch lùi sang 2025.
Tại Việt Nam, xe Trung Quốc giờ đây xuất hiện ở mọi phân khúc, từ phổ thông đến cao cấp, từ rẻ nhất thị trường (Wuling miniEV - 197 triệu đồng) đến cao cấp hàng tỷ đồng (GAC M8 - 1,7-2,2 tỷ đồng). Xe xăng có, xe hybrid có, xe thuần điện có, xe thể thao có. Với xe Trung Quốc, người Việt dần có nhiều sản phẩm hơn để cân nhắc thay vì quẩn quanh với các hãng xe Nhật, Hàn, Mỹ như nhiều năm qua.
Do mới xuất hiện và còn ở giai đoạn đầu tiếp cận khách hàng, doanh số tổng của các thương hiệu Trung Quốc còn thấp. Các chuyên gia dự đoán, trong 3-4 năm tới, sức cạnh tranh của xe Trung Quốc trở nên đáng gờm hơn khi người dùng quen dần với sản phẩm. Đồng thời nhà máy lắp ráp xe của những hãng như Omoda, Jaecoo, Geely đi vào hoạt động.
Liên kết đối tác, xây dựng nhà máy phản ánh chiến lược dài hơi của các thương hiệu xe Trung Quốc tại Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành, cách làm này không chỉ để chủ động nguồn cung, cạnh tranh về giá, làm bàn đạp xuất khẩu đi các thị trường khác, mà còn dọn đường để các công ty phụ trợ nước này tràn sang Việt Nam.
VF 3 - hiện tượng của ngành xe
Trong số hàng chục mẫu xe mới ra mắt, VinFast VF 3 được giới chuyên môn đánh giá cao nhất về tầm ảnh hưởng tạo ra. Mẫu mini-SUV với kiểu dáng nhỏ gọn, nam tính, giá bán từ 240 triệu đồng (chưa gồm pin) của VinFast rẻ hàng đầu thị trường, bên cạnh chiếc Wuling minEV giá từ 197 triệu đồng (gồm pin).
VinFast VF 3 trong một sự kiện tại TP HCM. Ảnh: Thành Nhạn
Sự xuất hiện của VF 3 khiến xe đô thị cỡ nhỏ giá rẻ, phân khúc tưởng chừng héo úa bởi xu hướng của xe đa dụng gầm cao, trở nên sôi động. Xe liên tiếp cháy hàng tại đại lý từ khi ra mắt hồi tháng 5, nhiều khách đặt hàng vài tháng vẫn chưa nhận được xe. Cơn sốt của VF 3 khiến một số người hoặc cơ sở kinh doanh tận dụng bằng cách thu mua, sau đó bán kênh kiếm lời.
Thiết kế với trang bị cơ bản, dễ tùy biến, VF 3 kích thích chủ xe lui tới xưởng độ. Nếu phải chọn ra mẫu xe nào được độ kiểu dáng, tính năng nhiều nhất trên thị trường 2024, VF 3 có lẽ là cái tên được nhắc đến đầu tiên.
Tính đến tháng 11, VinFast nói đã giao 5.000 chiếc VF 3 cho khách, trong khi lượng đặt hàng là gấp hơn 4 lần con số này. Đóng góp của VF 3 cùng những sản phẩm khác như VF 5, VF 6, VF 7... giúp doanh số VinFast bay cao tại Việt Nam.