Sương mù giăng kín nền kinh tế, Fed sẽ hạ lãi suất ra sao?
Các quan chức Fed sẽ tổ chức họp vào ngày 6 - 7/11 tới. Họ dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) vì lạm phát đang tiếp tục quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Trước đó, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã hạ lãi suất 50 bps tại cuộc họp tháng 9. Và hiện tại, các quan chức đang cố gắng xác định mức lãi suất phù hợp với nền kinh tế sau khi tăng mạnh chi phí đi vay để chống lạm phát trong ba năm qua.
Bà Loretta Mester, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, từng phát biểu: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới. Trong đó, chính sách tiền tệ sẽ bớt thắt chặt hơn và nguyên nhân là vì Fed đã tự tin hơn về triển vọng lạm phát....”
Cuộc họp tuần này sẽ không tạo ra không khí hồi hộp như cuộc họp tháng 9. Các nhà đầu tư không còn đoán già đoán non về quy mô của đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong 4 năm.
Theo Wall Street Journal, giới chức Fed đang muốn tránh sự chú ý vì cuộc họp lần này kết thúc chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và họ đang cố tách rời khỏi yếu tố chính trị.
- TIN LIÊN QUAN
-
Có một kịch bản đáng lo chẳng kém suy thoái, Fed có thể phải làm phật lòng thị trường 09/10/2024 - 16:20
Mặc dù cuộc họp tới đây có thể không có nhiều kịch tính, các quan chức sẽ phải tham gia những cuộc tranh luận phức tạp hơn trong vài tháng tới.
Trước hết, Fed sẽ phải quyết định đưa lãi suất xuống mức nào. Thứ hai, dù kết quả bầu cử không ảnh hưởng đến cuộc họp tuần này, bất kỳ thay đổi chính sách nào của tân tổng thống và Quốc hội đều có thể định hình lại triển vọng kinh tế cũng như lộ trình lãi suất của Fed.
Tiêu dùng mạnh mẽ, tuyển dụng yếu đi
Các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với một bài toán kinh tế khó khăn. Bài toán này có thể buộc họ phải kìm hãm hoặc đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Vấn đề chính là thị trường lao động tiếp tục cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt nhưng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn vững chắc.
Dữ liệu kinh tế công bố vào tuần trước càng khiến bài toán thêm khó giải. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8% trong quý III (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm) nhờ chi tiêu của người tiêu dùng.
Một số chuyên gia cho rằng sự bền bỉ của nền kinh tế là một dấu hiệu chứng tỏ lập trường chính sách của Fed không thắt chặt như một số quan chức nghĩ.
Cùng lúc, nhu cầu lao động đã dần chững lại. Khu vực tư nhân chỉ tạo thêm 67.000 việc làm mỗi tháng trong ba tháng tính đến tháng 10, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 4,1%, tỷ lệ lao động bị sa thải vĩnh viễn đã tăng lên mức cao nhất trong năm nay. Đây là một trong số nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu lao động đang suy yếu.
Giới chuyên gia không rõ hai xu hướng trên có thể kéo dài trong bao lâu.
Một mặt, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ sẽ tiếp tục giúp ích cho thị trường việc làm bằng cách duy trì nhu cầu lao động. Vì vậy, sự hạ nhiệt gần đây của thị trường việc làm chỉ là xu hướng bình thường hoá sau đại dịch và Fed sẽ có thể cắt giảm lãi suất ít hơn.
Ở kịch bản đáng ngại hơn, một khi tăng trưởng thu nhập của người lao động tiếp tục giảm tốc, chi tiêu tiêu dùng trong những tháng tới có thể sẽ bị ảnh hưởng. Điều này chỉ khiến nền kinh tế dễ suy thoái hơn và có khả năng Fed phải hạ lãi suất mạnh tay hơn.
Bức tranh thu nhập tươi sáng hơn
Giới chức Fed đang dò tìm hướng đi giữa làn sương mù dữ liệu. Một số quan chức mô tả việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 là phù hợp vì lạm phát đã giảm đáng kể.
Trước cuộc họp, tỷ lệ thất nghiệp đã vọt lên mức 4,3% vào tháng 7 và tăng trưởng tiền lương cũng chững lại. Vào thời điểm đó, người tiêu dùng dường như đã chi tiêu hết tiền tiết kiệm để thúc đẩy tăng trưởng.
Song, chính phủ Mỹ đã điều chỉnh nhiều dữ liệu sau cuộc họp tháng 9. Trong đó, một bản báo cáo chỉ ra tăng trưởng thu nhập của người lao động thực chất tốt hơn báo cáo ban đầu.
Nhờ vậy, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng được điều chỉnh tăng, đồng nghĩa rằng người tiêu dùng không phải dùng cạn kiệt tiền tiết kiệm thời đại dịch để chi tiêu.
Tại một sự kiện vào ngày 30/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết những điều chỉnh gần đây trong số liệu đã loại bỏ rủi ro suy yếu ra khỏi nền kinh tế. “Đây là những điều chỉnh rất lớn và lành mạnh”, ông nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ, những số liệu kinh tế mới có thể giúp các quan chức thoải mái hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý các dữ liệu về thị việc làm thường cung cấp bức tranh kinh tế “theo thời gian thực” tốt hơn là số liệu GDP.
Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm 12.000 việc làm trong tháng 10. Kết quả này giảm mạnh so với số liệu của tháng 9 và thấp hơn ước tính 100.000 của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.
Đây còn là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 12/2020. Báo cáo cho thấy thị trường việc làm bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công tại nhà sản xuất máy bay Boeing cũng như hai cơn bão Helene và Milton ở khu vực đông nam đất nước.
Trong báo cáo mới, Bộ Lao động Mỹ cũng điều chỉnh giảm mức tăng việc làm trong những tháng trước. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ tuyển thêm 78.000 lao động trong tháng 8 và 223.000 vào tháng 9.