|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Siết trái phiếu, tín dụng bất động sản: Doanh nghiệp phản ứng thế nào?

13:00 | 05/05/2022
Chia sẻ
Lãnh đạo các doanh nghiệp địa ốc không tỏ ra bất ngờ, thậm chí còn ủng hộ việc thắt chặt tín dụng bất động sản và trái phiếu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch để ứng phó.

Nhiều doanh nghiệp tự tin ứng phó

Nhiều doanh nghiệp bất động sản ủng hộ thắt chặt tín dụng và trái phiếu. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Câu chuyện siết tín dụng bất động sản và chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chỉ làm nóng thị trường địa ốc thời gian gần đây mà còn trở thành chủ đề được quan tâm trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Vấn đề này đã được nhiều cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo các doanh nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services – Mã: DXS), cổ đông bày tỏ quan ngại việc NHNN đang siết cho vay bất động sản ảnh hưởng đến mảng kinh doanh của công ty.

Trả lời thắc mắc này, ông Phạm Anh Khôi, Thành viên HĐQT Đất Xanh Services cho biết, việc thị trường bất động sản bị siết cho vay không nằm ngoài dự đoán của HĐQT cũng như Ban điều hành của doanh nghiệp.

"Có thể nói, nguồn tài chính của chúng tôi khá đa dạng, khác với các công ty cùng ngành khác khi họ chỉ làm việc với một, hai hoặc ba ngân hàng đối tác chiến lược. Khi tín dụng bất động sản bị siết thì sẽ có những ngân hàng liên kết của chúng tôi còn room. Chúng tôi cũng rất nhanh chóng chuyển các khoản vay của khách hàng sang những ngân hàng này", ông Khôi cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Đất Xanh Services, với chủ trương này, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng quá nhiều, ngược lại còn có lợi. Bởi đối với các công ty cùng ngành, do họ không có mảng dịch vụ tài chính cũng như không có nguồn tài chính đa dạng cho khách hàng nên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Khôi nhận định, động thái siết chặt thị trường trái phiếu của Chính phủ sẽ có tác động tích cực trong trung và dài hạn. Về mặt ngắn hạn, thị trường sẽ có sự ảnh hưởng, nhưng chủ yếu là do tâm lý lung lay của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi vượt qua giai đoạn này, thị trường sẽ quay trở lại một cách mạnh mẽ.

Không riêng gì Đất Xanh Services, lãnh đạo CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cũng khá tự tin với chiến lược của doanh nghiệp trước động thái siết chặt thị trường vốn.

Cụ thể, Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang thừa nhận, nếu lụt thì lụt cả làng, Nam Long cũng không tránh khỏi những khó khăn chung đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã có những chiến lược cụ thể để ứng phó.

Thứ nhất, Nam Long cộng tác với những đối tác quốc tế có những nguồn lực mạnh như Hankyu, Keppel Land,… để cùng phát triển. Những đối tác này không chỉ có năng lực phát triển đô thị mà còn có năng lực tài chính, khả năng huy động vốn ở những thị trường giá rẻ.

“Trong các chương trình làm việc của Nam Long với liên doanh quốc tế, ngoài việc các đối tác nước ngoài chuyển tiền để cùng liên doanh dự án thì còn có ngân hàng hỗ trợ cho vay mua dự án.

Chúng tôi kết hợp giữa lãi suất trong nước và lãi suất nước ngoài để đưa ra một mức lãi suất cạnh tranh, trong khoảng 6 - 6,5%. Đây là những ngân hàng quốc tế, tổ chức quốc tế với những khoản vay có thời hạn, biến động giá cả và biến động về lãi suất không xảy ra”, vị này cho hay.

Mặt khác, Chủ tịch Nam Long cho biết với việc niêm yết trên sàn, khi Nam Long phát hành cổ phần để huy động vốn nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ các cổ đông cũng như nhà đầu tư.

Nhiều cổ đông CTCP Tập đoàn C.E.O (Mã: CEO) cũng quan tâm đến vấn đề nói trên. Bà Phạm Thị Mai Lan, Phó Chủ tịch CEO Group cũng giải đáp rằng, việc siết tín dụng nhằm minh bạch, thông tin này đã có từ nhiều năm nay và đã có rất nhiều giai đoạn siết chặt.

“Theo chúng tôi hiểu, việc siết tín dụng là siết về nội dung, tức là khi thực hiện một khoản tín dụng nào đó cần phải được thẩm định một cách chặt chẽ và nội dung đấy phải đảm bảo sự an toàn pháp lý cũng như hiệu quả. Về vấn đề này, CEO Group rất tự tin. Bên cạnh đó, dù siết tín dụng là không tăng tổng room cho vay của các ngân hàng thương mại nhưng hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã tăng vốn rất mạnh, nên không có nhiều lo ngại”, bà Lan nói.

Cũng liên quan tới việc thắt chặt tín dụng và trái phiếu, tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, Mã: SCR), một số cổ đông cũng bày tỏ băn khoăn.

Trả lời vấn đề này, ông Võ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TTC Land cho biết, đây là tình hình chung, đây là động thái làm trong sạch thị trường và giúp ngành bất động sản phát triển lành mạnh.

“Việc siết chỉ áp dụng đối với các khoản vay không đúng, sai mục đích, còn nếu đầu tư sản xuất kinh doanh thực thì không có gì đáng lo lắm. Tuy thông tin này cũng có khó khăn nhưng công ty đủ sức thuyết phục đối tác và tổ chức tín dụng”, ông Khánh nói.

Có doanh nghiệp không lạm dụng đòn bẩy

Cổ đông CTCP Tập đoàn EverLand (Mã: EVG) mới đây cũng đặt câu hỏi với ban lãnh đạo về chiến lược huy động vốn và sức khỏe tài chính của công ty trong bối cảnh hiện nay.

Theo Chủ tịch HĐQT Everland Lê Đình Vinh, việc thắt chặt hai kênh tín dụng và trái phiếu chắc chắn sẽ có tác động xấu, nhưng chỉ về ngắn hạn. Còn về trung và dài hạn, đây là điều tốt, là cơ hội để phân hóa, thanh lọc thị trường, nắn lại thị trường tín dụng và trái phiếu đi vào đúng quỹ đạo mà Nhà nước mong muốn.

Những doanh nghiệp nào có chiến lược tài chính an toàn thì sẽ ít bị tác động. Ngược lại, những công ty có chiến lược tài chính không an toàn, dùng đòn bẩy quá lớn, phát hành trái phiếu ồ ạt, thiếu kiểm soát thì rõ ràng bây giờ phải chịu trận, bằng chứng là vừa rồi đã có trường hợp doanh nghiệp lớn, do đổ vỡ trái phiếu dẫn đến mất thanh khoản.

“Đối với bản thân Everland, chúng tôi may mắn đang ở bước khởi đầu chu kỳ đầu tư phát triển, nên chúng tôi nhìn thấy được bài học từ những doanh nghiệp đi trước. Ở thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa dùng đòn bẩy tài chính, chưa cần huy động trái phiếu.

Còn nếu chúng tôi đang ở giai đoạn lưng chừng, giai đoạn đã phát triển thì có lẽ chúng tôi cũng đã ít nhiều phải sử dụng những công cụ đó. Do đó có thể khẳng định, Everland chưa bị ảnh hưởng bởi các giải pháp tức thời này. Tuy nhiên, tới đây việc huy động vốn cho các dự án đang triển khai sẽ khó khăn hơn, điều này chúng tôi sẽ buộc phải thích nghi và có những giải pháp về tài chính dài hơn hơn, căn cơ hơn, thông minh hơn”, ông Vinh nói.

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 4, ông Tạ Hoài Hạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP BV Land (UPCoM: BVL) trả lời cổ đông rằng, doanh nghiệp hiện chưa phát hành trái phiếu, đối với các hoạt động tín dụng, công ty mới chỉ vay xây lắp. Các dự án đầu tư hiện nay của BV Land chủ yếu thông qua các đơn vị thành viên. Trong thời gian tới, HĐQT cũng đã lên kế hoạch huy động vốn cho các dự án.

Công ty có chủ trương hạn chế vay vốn, từ trước đến nay, BV Land chỉ vay vốn ngắn hạn cho hoạt động xây lắp. Còn hoạt động đầu tư dài hạn, công ty rất cân nhắc khi triển khai vay vốn, bất đắc dĩ mới phải vay vốn dài hạn. Bởi huy động vốn dài hạn rất áp lực trong việc trả lãi ngân hàng, trong khi đó, nếu chúng ta có năng lực tài chính tốt, quản trị tốt thì có nhiều cách để huy động nguồn lực như vốn tự có, vốn từ đối tác, khách hàng,…

Cũng theo ông Hạnh, hiện BV Land chưa phát hành trái phiếu nhưng trong tương lai có thể vẫn sẽ phải phát hành. Tuy nhiên, công ty sẽ làm một cách chắc chắn, bàn bản và cẩn trọng. Đặc biệt là không dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.