|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sau phiên giảm sàn la liệt, nhiều cổ phiếu BĐS vẫn cao hơn 30-60% so với một tháng trước

08:14 | 13/01/2022
Chia sẻ
Một phiên giảm kịch sàn là chưa đủ để lấy đi lợi nhuận tích lũy trong một tháng qua của các cổ phiếu bất động sản như CEO, LDG, HQC, …
Sau phiên giảm sàn la liệt, nhiều cổ phiếu BĐS vẫn cao hơn 30-60% so với một tháng trước - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO. (Ảnh: CEO).

Phiên 12/1 chứng kiến hàng chục cổ phiếu bất động sản giảm hết biên độ như CEO, HQC, ITA, TDH, QCG, SCR, NGG, DIG, KHG, … Cổ phiếu Tập đoàn FLC và của các doanh nghiệp liên quan như ROS, AMD, KLF, HAI, ART cũng đồng loạt đóng cửa trong giá xanh lơ, dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản diễn biến tiêu cực sau hai thông tin chấn động gần đây.

Tối 10/1, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thông báo đã bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC dù không đăng ký trước theo quy định. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lập tức chỉ đạo hủy bỏ giao dịch bán nói trên và phong tỏa tài khoản của ông Quyết.

Ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ số tiền cọc gần 600 tỷ đồng đã nộp sau khi trúng đấu giá ô đất tại Thủ Thiêm có diện tích 10.060 m2 với giá 24.500 tỷ đồng (tính ra gần 2,45 tỷ đồng/m2).

Tuy nhiên, các mã giảm sàn chủ yếu là những cổ phiếu đầu cơ với vốn hóa vừa và nhỏ. Những cổ phiếu lớn đầu ngành bất động sản như VIC, VHM, NVL chỉ giảm chưa đến 1% hoặc đi ngang. KBC của Đô thị Kinh Bắc thậm chí còn tăng kịch trần.

Sau phiên giảm sàn la liệt, nhiều cổ phiếu BĐS vẫn cao hơn 30-60% so với một tháng trước - Ảnh 3.

Tính chung toàn ngành bất động sản, vốn hóa sụt giảm khoảng 15.200 tỷ đồng trong phiên 12/1, mức giảm nhiều nhất trong tất cả nhóm cổ phiếu. Mặc dù vậy, khi tính theo phần trăm, tỷ lệ giảm chỉ tương đối khiêm tốn là 0,9%.

Theo thống kê từ số liệu của Chứng khoán SSI, trong phiên 12/1, tổng cộng 25 mã cổ phiếu bất động sản giảm trên 6% và có vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng.

Khi so với ba phiên trước, đa số các cổ phiếu trong nhóm này cũng đang chìm trong sắc đỏ. CEO tăng trần trong phiên 11/1 nhưng giảm kịch sàn trong hai ngày 10 và 12/1. IDC cũng đi xuống trong hai phiên gần đây.

Nếu so với một tháng trước, hầu hết cổ phiếu bất động sản vẫn giữ được mức lợi nhuận khủng. Sau phiên giảm sàn 12/1, cổ đông CEO vẫn đang lãi 116%, cổ đông HQC lãi gần 37%, LDG tăng 78%, DIG và QCG cao hơn lần lượt 63% và 73%.

Tân binh SZG lên sàn hôm 27/12 có thành tích ấn tượng khi tăng trần liên tục từ 29/12 đến 10/1, dư sức chịu được hai phiên giảm sâu 11 và 12/1.

Sau phiên giảm sàn la liệt, nhiều cổ phiếu BĐS vẫn cao hơn 30-60% so với một tháng trước - Ảnh 4.

AMD và FLC vẫn đang cao hơn lần lượt 28% và 24% so với tháng trước. Tuy vậy, cổ đông các doanh nghiệp này chưa chắc đã có thể chốt lời được do thanh khoản mất hút trong phiên vừa qua. 

Ngày 12/1, chỉ có 2,5 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 trở lại đây. Trong hai phiên 10 và 11/1, số cổ phiếu FLC được sang tay lên tới 135 triệu và 155 triệu đơn vị.

Ngày 11/1, trong top 10 khối lượng giao dịch của HOSE có tới ba cổ phiếu trong "họ FLC" là ROS, FLC và AMD. Đến ngày 12/1, không có thành viên nào của "họ FLC" góp mặt trong top 10. Thay vào đó, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vươn lên đứng đầu về thanh khoản.

Sau phiên giảm sàn la liệt, nhiều cổ phiếu BĐS vẫn cao hơn 30-60% so với một tháng trước - Ảnh 5.

Cổ phiếu ngân hàng nhìn chung diễn biến khởi sắc trong phiên 12/1 và là động lực chính thúc đẩy VN-Index tăng 18 điểm, VN30-Index vọt lên 30 điểm. TPB, STB và BID đóng cửa trong sắc tím. Vốn hóa toàn ngành ngân hàng tăng 67.500 tỷ đồng trong một phiên.

Trên trang Facebook cá nhân ngày 12/1, Chủ tịch công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng nhận định: "Trong phiên giao dịch hôm nay những cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN30 đều là banks và chứng khoán SSI. FinLead tăng 4,2% (gấp đôi VN30 và gần gấp 4 lần tăng của VNIndex). Thanh khoản VN30 tăng mạnh hơn so với thanh khoản VNIndex. Hôm nay VNIndex tăng 1,22% nhưng có hơn 52% số mã giảm trong đó có 52 mã giảm sàn. Tín hiệu của xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư sang các mã Blue Chips!"

Song Ngọc