Rủi ro mất giá tiền đồng trong năm 2022 trước áp lực từ quốc tế gia tăng
Năm 2021, đồng USD đã tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index thể hiện xu hướng tăng kể từ đầu năm và hiện đang ở mức 96.610, tăng 7,4% so với cuối năm 2020.
Trong khi đó, VND là một trong số ít các loại tiền tệ đã tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay, ngược với xu hướng của những năm trước.
Diễn biến USD Index và các đồng tiền so với USD. (Nguồn: Trading View, SSI).
Theo đánh giá của giới phân tích, xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhất là sau khi Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi của Bộ Tài Chính Mỹ về vấn đề "thao túng tiền tệ".
Trong năm 2021, NHNN đã liên tục có những thay đổi liên quan đến việc mua, bán USD. Từ việc ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch, ngưng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay, cho tới giảm sâu giá mua USD kỳ hạn 6 tháng.
11 tháng đầu năm, NHNN đã thực hiện ba lần giảm giá mua vào ngoại tệ, với tổng mức giảm là 475 đồng (giảm 150 đồng vào ngày 8/6, 225 đồng vào ngày 10/8 và 100 đồng vào ngày 5/11). So với cuối năm 2020, tỷ giá USD/VND đã giảm 1,73%, theo KBSV.
NHNN đã không còn tích cực can thiệp vào thị trường ngoại tệ một chiều thể hiện qua khối lượng mua vào ngoại tệ giảm mạnh so với các năm trước. Giá trị mua vào ước tính cho năm 2021 là 13 tỷ USD so với giá trị mua vào các năm 2020, 2019 theo IMF lần lượt là 16 tỷ USD và 23 tỷ USD.
Những thay đổi trên cho thấy NHNN đang điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo quy luật cung cầu của thị trường ngoại hối hơn. Và điều này cũng được thể hiện khi Bộ Tài chính Mỹ tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ trong kỳ đánh giá cuối cùng trong năm 2021 và "hài lòng với những gì Việt Nam đã làm được cho đến nay" trong việc giải quyết các vấn đề tỷ giá hối đoái.
Trong tháng cuối cùng của năm 2021, tỷ giá USD trong nước đã ghi nhận nhiều biến động bất thường khi tỷ giá trung tâm cũng như tại các ngân hàng thương mại đã liên tục tăng mạnh (đã có phiên tăng vọt lên 23.093), tạo nên một "đường dốc" chưa từng thấy.
Tỷ giá trung tâm ghi nhận tại ngày 20/12/2021 ở mức 23.184 VND/USD, tăng 53 đồng so với thời điểm đầu năm. Trong tuần giữa tháng 12, khoảng cách giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá NHTM xuống còn 151 đồng, mức thấp nhất trong gần nửa năm trở lại đây, theo dữ liệu từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định đây chỉ là diễn biến mang tính chất thời điểm phản ánh tình trạng thiếu hụt USD tạm thời trong hệ thống (cung USD không dồi dào nhưng nhu cầu dồn mạnh tại một thời điểm).
Ngay sau đó, NHNN đã phát đi tín hiệu can thiệp khi giảm mạnh giá bán USD tại Sở Giao dịch về mức 23.150 VND/USD để hỗ trợ thanh khoản kịp thời, nhằm ổn định tỷ giá.
Theo lý thuyết thị trường, tỷ giá USD/VND trong nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cung cầu ngoại tệ. Ở thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND đang có diễn biến khá tích cực nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào chảy về trong nước.
Các chuyên gia cho rằng tỷ giá hối đoái được hỗ trợ bởi nhu cầu đối với VND tăng do áp lực lạm phát thấp, chênh lệch lớn về lãi suất huy động giữa VND và USD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì tích cực và dự trữ ngoại hối tăng cao.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 107,5 tỷ USD vào cuối năm 2021, từ khoảng 95 tỷ USD vào cuối năm 2020. Trong dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam ước tăng mạnh đạt 18,1 tỷ USD trong năm 2021, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Cùng với đó, việc Bộ Tài Chính Mỹ đã tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ sẽ giúp NHNN tiếp tục có dư địa linh hoạt hơn trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá, KBSV nhận định.
"Với việc hoạt động mua vào ngoại tệ không bị đánh giá là thao túng tiền tệ, NHNN sẽ tiếp tục mua vào tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện khách quan cho phép và hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng", theo báo cáo phân tích của KBSV.
Theo một góc nhìn khác, Chứng khoán Bảo Việt cho rằng việc thoát khỏi cáo buộc thao túng tỷ giá sẽ giúp Việt Nam có dư địa để điều chỉnh giảm đồng VND nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ giá VND không thể không nhắc tới đó là áp lực từ thị trường quốc tế.
Việc đẩy nhanh việc rút lại các biện pháp kích thích của Fed và tăng lãi suất trong năm 2022 sẽ là động lực khiến đồng USD có xu hướng tăng trong trung hạn. Khi đồng USD mạnh lên, những quốc gia có đồng nội tệ yếu, đặc biệt là những nước mới nổi sẽ chịu áp lực điều chỉnh.
Cùng với đó, những động thái cắt giảm các gói nới lỏng định lượng cũng sẽ có tác động đến tỷ giá hối đoái VND. Việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng có thể ít ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong năm 2022 khiến cung ngoại tệ (USD) giảm và tạo sức ép lên VND.
Tuy nhiên, theo nhận định của Chứng khoán VNDrect, mức tác động là không nhiều do việc thắt chặt tiền tệ này đã được dự báo từ trước. Đồng thời, về mặt dài hạn trong trường hợp các NHTW dần trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng thì Việt Nam vẫn có những điều kiện và nguồn lực tích luỹ để có thể đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Đánh giá về triển vọng của tỷ giá trong thời gian tới, nhiều công ty chứng khoán cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ có những diễn biến ổn định trong thời gian tới. Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch bệnh và sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ duy trì sức hút đối với dòng vốn đầu tư, đặc biệt là FDI.
Theo VNDirect, các yếu tố hỗ trợ cho đồng VND trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao hơn.
VNDirect kỳ vọng thặng dư cán cân thanh toán sẽ tăng lên 1,9% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt dự kiến là 0,4% GDP trong năm 2021, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ đạt 122,2 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ ổn định trong vùng 22.600 - 23.100 trong năm 2022.
CTCK VNDirect
"Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ ổn định trong vùng 22.600 - 23.100 trong năm 2022", chuyên gia của VNDirect ước tính.
Một công ty chứng khoán khác, Mirae Asset cho rằng trong năm 2022, VND sẽ ổn định hơn và dao động trong biên độ quanh 0,5% so với USD nhờ vào 5 yếu tố.
Đó là cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của NHNN; kỳ vọng cán cân thương mại sẽ chuyển sang thặng dư trong năm 2022; dòng vốn FDI sẽ tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu; dự trữ ngoại hối đạt mức cao và có xu hướng tăng và Việt Nam đã được ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Trao đổi với người viết, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, ông Trần Đức Anh, cho biết bất chấp đồng USD đã mạnh lên từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, thậm chí VND còn tăng mạnh so với USD.
"Mặc dù đồng USD mạnh lên nhưng rủi ro phá giá VND không lớn. VND có thể duy trì ở mức ổn định, không ngoại trừ khả năng có thể tăng nhẹ nếu nguồn ngoại tệ tiếp tục đổ về tốt nhờ kiều hối, thu hút FDI hoặc hoạt động xuất khẩu khở sắc trở lại", ông Đức Anh nhận định.
Còn theo dự báo của ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán - HSBC Việt Nam, tỷ giá USD/VND sẽ giảm từ 22.750 VND/USD vào cuối quý III xuống 22.525 VND/USD vào cuối năm 2021.
"Bước sang năm 2022, tỷ giá USD sẽ đảo chiều về mức 23.000 VND/USD trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào chậm lại. Đồng nội tệ có thể đứng trước áp lực đối diện với một đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tế và đồng nhân dân tệ suy yếu hơn", ông cho biết.
Trong khi đó, VCBS đưa ra dự báo VND có thể giảm giá tương đối so với USD trong năm 2022, mức biến động được dự báo không quá 2% cho cả năm trong điều kiện Fed trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng nhanh hơn ECB, BoJ (xác suất xảy ra tương đối cao) sẽ dẫn đến khả năng USD lên giá tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác, từ đó tạo ra áp lực giảm giá VND so với đồng USD.