|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Zalo có gì sau 10 năm ra đời, triển khai thu phí lúc này có phù hợp?

14:14 | 06/07/2022
Chia sẻ
Zalo từ lâu đã gây dựng tên tuổi là một ứng dụng nhắn tin miễn phí do người Việt làm cho người Việt. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí người dùng ở thời điểm hiện tại có phải là thích hợp để khiến người dùng lưu lại?

Tháng 8 năm 2012, Zalo lần đầu tiên ra mắt bản thử nghiệm với người dùng Việt. 4 tháng sau, nền tảng OTT do VNG phát triển chính thức có mặt trên thị trường cùng với nhiều đối thủ khác như Viber, Kakao Talk, Line và thậm chí là WeChat.

Sau hai năm ra mắt, Zalo đã đạt con số 7 triệu người dùng, xếp thứ hai thị trường ứng dụng nhắn tin ở thời điểm đó. Dù sinh sau đẻ muộn và không có nhiều đặc điểm nổi bật so với đối thủ cùng phân khúc, song Zalo đã có ít nhiều may mắn khi hai người chơi đến từ Hàn Quốc là Kakao Talk và Line không mấy mặn mà với thị trường Việt, trong khi Viber còn hạn chế ở tính năng video call.

Bên cạnh đó, Zalo nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dùng nhờ khả năng cung cấp đường truyền ổn định. Sau đó, nền tảng nhắn tin này tiếp tục tận dụng thời cơ, cải tiến và bổ sung thêm nhiều tính năng mới như hai phiên bản dùng song song là Mobile và PC hay gửi video hoặc tệp tài liệu qua tin nhắn,...

 Ứng dụng Zalo trên iOS. (Ảnh: Zalo).

Zalo sẽ thu phí không phải với tất cả

Mới đây, Zalo đã cho triển khai Gói dịch vụ trả phí với Zalo OA doanh nghiệp (Official Account) từ ngày 22/6. Với 3 gói trả phí gồm gói dùng thử (10.000 đồng), nâng cao (59.000 đồng) và Premium (399.000 đồng) cho mỗi tháng, Zalo sẽ trang bị thêm các tính năng hỗ trợ cho doanh nghiệp, ví dụ khả năng nhận diện thương hiêu, tính năng Chatbot, lượt tương tác nâng cao hay tích hợp API...

Việc Zalo thu phí đối với tài khoản doanh nghiệp không phải là lần đầu. Năm 2021, ứng dụng này đã triển khai thu phí OA doanh nghiệp có đăng sản phẩm trên nền tảng Zalo Shop. Mức phí này sẽ gồm 2 gói. Với mức giá 660.000 đồng/6 tháng và gói thứ hai là 1,3 triệu đồng cho mỗi tài khoản, có hiệu lực 14 tháng. Với những doanh nghiệp đăng sản phẩm lên Zalo Shop nhưng không thanh toán, Zalo sẽ tiến hành tạm ngưng dịch vụ.

Có rất nhiều đồn đoán cho rằng đây là bước đệm để Zalo tiến hành thu phí người dùng, mặc dù ứng dụng này vẫn chưa đưa ra động thái chính thức nào. 

Zalo từ lâu đã gây dựng tên tuổi là một ứng dụng nhắn tin miễn phí do người Việt làm cho người Việt. Nhờ thiện cảm ban đầu đó, Zalo đã có vị trí nhất định tại thị trường Việt Nam. Từ người lớn tuổi tới người trẻ, ai cũng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản Zalo bằng số điện thoại - đây được xem là yếu tố giúp Zalo nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần ở Việt Nam.

 Zalo ngày càng đi sâu vào đời sống thường ngày của người dân Việt. (Ảnh: The Pixel).

Theo báo cáo của Desicion Labs, trong quý IV/2021, khoảng 33% người dùng ưu tiên Zalo như là phương tiện liên lạc, song con số này có chút suy giảm trong quý I/2022, chỉ chiếm 24%.

Đáng chú ý, cuối năm ngoái, khi được hỏi về ứng dụng không thể thiếu, gần một nửa số người dùng (48%) đã đề cập đến Zalo. Điều này chứng tỏ Zalo ngày càng không thể thiếu đối với cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. 

Và việc chuyển đổi mô hình từ miễn phí sang tính phí với một thị trường hơn 70 triệu người dùng chắc chắn là điều không dễ dàng. Ngay từ khi tin đồn Zalo thu phí xuất hiện, nhiều người cho biết họ sẵn sàng xóa bỏ ứng dụng dù "chỉ tăng giá 1 đồng". Thậm chí, tại cửa hàng ứng dụng, cơn mưa đánh giá một sao đã đến với Zalo.

"Zalo thông dụng do cách tạo tài khoản và đăng nhập quá dễ, người lớn tuổi chỉ cần nhập số điện thoại một lần là xong. Giờ cần một ứng dụng làm tương tự thì mĩnh nghĩ Zalo sẽ tụt lại liền. Mình dùng Zalo chỉ để gửi ảnh chất lượng HD và gọi điện cho người thân chứ không có lý do để dùng tới", Tiến Phát, một người dùng Zalo chia sẻ.

Thu phí người dùng lúc này có phù hợp?

Việc tính phí chưa chắc đã là điều tồi tệ. Trên thế giới không thiếu ứng dụng nhắn tin thu phí và cái giá đó mang lại sự thoải mái nhiều hơn là khó chịu, đặc biệt là sự riêng tư cá nhân. Có thể kể đến những cái tên như Threema (4 USD/tháng) hay Silent Phone (9,95 USD/tháng).

Đây là hai ứng dụng nhắn tin, gọi điện được mã hóa đầu cuối và chú trọng vào tính bảo mật. Nếu như Threema giữ vững chỗ đứng trong thị trường người dùng cá nhân khi số tiền bỏ ra giúp họ bảo mật được các cuộc hội thoại thì Silent Phone lại được biết đến nhiều với giới doanh nghiệp, giúp người dùng tránh bị người lạ làm phiền - một hiện tượng khá phổ biến trong Zalo, danh sách người lạ có quá nhiều tin nhắn giới thiệu khóa học đầu tư chứng khoán, tài chính...

Mới đây, Zalo đã thông báo điều chỉnh quy định sử dụng, giới hạn nhiều tính năng, ảnh hưởng lớn tới người dùng. Theo đó, từ ngày 1/8, mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại mỗi tháng từ người lạ, danh bạ tối đa chứa 1.000 liên hệ... Ngoài ra, Zalo cũng đang chạy thử nghiệm tính năng mã hóa đầu cuối tin nhắn, giúp gia tăng tính bảo mật cho cuộc hội thoại của người dùng.

Một số người dùng tin rằng Zalo cần cải thiện khả năng đồng bộ và lưu trữ dữ liệu trước khi tính đến chuyện thu phí. "Nếu không phải dùng để giữ liên lạc với họ hàng thì mình cũng xóa Zalo từ lâu rồi. Mỗi lần đăng nhập vào thiết bị khác là mất hết tin nhắn", Ngọc Thảo, một người dùng Zalo phàn nàn.

Ngoài vấn đề của Thảo, khả năng lưu trữ hạn chế khiến các file dạng ảnh thường bị xóa sau một thời gian là điều khiến Zalo mất điểm trong mắt người dùng.

Zalo vẫn trong giai đoạn 'đốt tiền'

Gần 10 năm phát triển Zalo, VNG đã có được nhiều thành tựu nhất định đến thời điểm hiện tại, Zalo có hơn 70 triệu người dùng thường xuyên và là cầu nối chuyển đi hơn 2 tỷ tin nhắn/ngày. Ngoài cung cấp dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí, Zalo còn trang bị nhiều công cụ, tiện ích phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng trong xã hội như làm việc, học tập, tra cứu thông tin điện nước...

Tuy nhiên, dù VNG trong những năm gần đây liên tục mở rộng các mảng kinh doanh như fintech với Zalo Pay, thương mại điện tử với Zalo Shop hay quảng cáo với Zalo Ads, Hệ sinh thái Zing,... thì nguồn thu chính của kỳ lân Việt Nam vẫn đến từ mảng game. Trong khi đó, CTCP Zion - công ty sở hữu ZaloPay, vẫn còn lỗ luỹ kế sau nhiều năm. 

Tính chung cả năm 2021, VNG ghi nhận doanh thu tăng 26% so với năm trước đạt 7.650 tỷ đồng nhưng lại lỗ hơn 72 tỷ đồng trong khi năm trước lãi xấp xỉ 201 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 414 tỷ đồng, lỗ sau thuế các cổ đông không kiểm soát là 485 tỷ đồng. 

 

Năm 2022, VNG lên kế hoạch đạt gần 10.200 tỷ đồng doanh thu. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay, tăng hơn 33% so với doanh thu thực tế năm trước. Trong khi doanh thu có thể tăng kỷ lục, lợi nhuận sau thuế lại dự kiến âm 993 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp này đề ra kế hoạch kinh doanh đi lùi.

 

Thành Vũ