PV GAS sẽ chia cổ tức kỷ lục 60%, đã có đủ vốn đầu tư
Sáng ngày 29/5, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Tính đến 8h30, cuộc họp có sự tham dự của 87 cổ đồng, đại cho hơn 2,2 tỷ cổ phiếu, chiếm gần 96,7% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Chia cổ tức 60%
Năm 2023, tổng công ty đã tiếp nhận gần 7,5 tỷ m3 khí, sản xuất và cung cấp gần 7,2 tỷ m3 khí khô (bao gồm khí tái hóa từ LNG nhập khẩu). Sản lượng LPG kinh doanh đạt mức kỷ lục gần 2,5 triệu tấn, vượt 40% so với kết hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ.
PV GAS chiếm khoảng 70% thị phần cung ứng LPG trên cả nước, cung cấp sản phẩm khí để sản xuất trên 9% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm.
Về tài chính, tổng công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất hơn 92.000 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế gần 11.800 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch và đóng góp đến 25% lợi nhuận cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Với các kết quả đạt được, HĐQT trình việc trích 3.467 tỷ đồng (tương đương 30% lợi nhuận sau thuế), trích quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ thưởng 369 tỷ đồng, trích 13.780 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt 60%.
Ngoài ra, tổng công ty còn thông báo về phương án tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) với tỷ lệ 2%. Khối lượng phát hành tối đa 45,9 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn lên khoảng 23.420 tỷ đồng.
Mục đích phát hành nhằm đảm bảo cân đối cơ cấu giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu cũng như tương xứng với quy mô sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư. Thời gian thực hiện dự kiến trong khoảng quý II-IV.
Kế hoạch lãi giảm phân nửa
Sang năm 2024, PV GAS đặt mục tiêu sản lượng khí tiếp nhận 6,6 tỷ m3, sản lượng tiêu thụ khoảng 6,3 tỷ m3. Chỉ tiêu tổng doanh thu 70.176 tỷ và lợi nhuận sau thuế 5.798 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 52% so với kết quả năm ngoái (tổng công ty có truyền thống đặt kế hoạch thấp hơn thực hiện). Kế hoạch cổ tức là 20%.
Kế hoạch giải ngân đầu tư dự kiến trong năm nay khoảng 1.919 tỷ đồng. Các kế hoạch trên được tính toán trên giả định giá dầu 70 USD/thùng.
Tổng công ty nói đưa vào vận hành dự án kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải trong năm 2023 và trở thành đơn vị kinh doanh LNG đầu tiên tại Việt Nam, sẽ bổ sung thêm nguồn khí khoảng 1,4 tỷ m3/năm; đang mở rộng công suất dự án lên 3 triệu tấn/năm.
Dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ cũng đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư và nhận quyết định đầu tư ngày 4/8/2023; đang hoàn thiện cập nhật FS trình các cấp có thẩm quyền xem xét và song song thực hiện thủ tục xin giấy phép PCCC, giao đất, thu xếp vốn cho dự án...
PV GAS nói sẽ tập trung cho các dự án như vận chuyển khí mỏ Tuna bằng đường ống về Việt Nam, nâng công suất đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Hồ Chí Minh; xây dựng kho LPG lạnh/LNG tại miền Bắc/Bắc Trung Bộ và các khu vực tiềm năng khác; nâng cấp, mở rộng Bến Cảng PV GAS Vũng Tàu; tuyến ống cấp khí cho các nhà máy điện Long An; cấp Propan cho nhà máy nhựa Phú Mỹ; đờng ống Sơn Mỹ - Cà Ná...
Cập nhật tại đại hội, Tổng giám đốc Phạm Văn Phong cho biết bên cạnh kế hoạch trình cổ đông thì PV GAS cũng xây dựng kế hoạch quản trị riêng, tổng công ty sẽ tích cực triển khai hoạt động kinh doanh trên kế hoạch quản trị.
Trong 5 tháng đầu năm, các hệ thống công trình vẫn hoạt động ổn định. Tổng công ty đã tiếp nhận 3,1 tỷ m3 khí và cung cấp ra thị trường hơn 3 tỷ m3 khí.
Các chỉ tiêu tài chính cũng vượt 8-80% so với kế hoạch lũy kế. Tổng doanh thu khoảng 51.000 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch quản trị lũy kế 5 tháng. Doanh thu hợp nhất 41.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.200 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch cả năm.
PHIÊN THẢO LUẬN
Tỷ lệ cổ tức cao kỷ lục có ảnh hưởng đến dòng tiền sản xuất kinh doanh? Lộ trình tăng vốn điều lệ trong các giai đoạn tiếp theo?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Bình: Tỷ lệ chia cổ tức 60% phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh tốt, có tiền để chia cho cổ đông. Đối với doanh nghiệp lớn như PV Gas thì chia cổ tức chỉ phản ánh một phần hoạt động, tùy từng thời điểm sẽ xin ý kiến cổ đông để quyết định tỷ lệ chi trả cho phù hợp.
Quyết định trả cổ tức kỷ lục này đã có cân nhắc nhiều mặt, đảm bảo kế hoạch sử dụng vốn trong thời gian tới.
Việc tăng vốn điều lệ 2% trong năm nay để đảm bảo quy mô và chiến lược phát triển. Dự kiến đầu quý IV hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ. Công ty đang xây dựng kế hoạch tăng vốn sau năm 2025.
Nhu cầu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng rất quan trọng để nắm bắt các cơ hội, đặc biệt là LNG, nếu không có hạ tầng sẽ không thể nuôi dưỡng, phát triển kinh doanh. Công ty có kế hoạch thực hiện các dự án lô B, nâng cấp Thị Vải, LNG Sơn Mỹ…với tổng vốn đầu tư trên 50.000 tỷ đồng, nên sẽ cân đối các nguồn để có hiệu quả nhất.
PV GAS cũng có đợt tái cấu trúc vay nợ từ USD sang VND để hạ chi phí tài chính. Hiện lãi suất vay vốn của tổng công ty rất thấp và hiện có đủ vốn đầu tư cho các năm tiếp theo.
Đàm phán hợp đồng LNG và cơ chế giá như thế nào?
Tổng giám đốc Phạm Văn Phong: Hợp đồng nhập khẩu dài và ngắn hạn: Thông lệ kinh doanh quốc tế thì các hợp đồng thường chia thành 2 dạng spot và term.
Mục tiêu chính của kho Thị Vải là cung cấp LNG cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, dự kiến chạy từ tháng 9/2024. Trong thời gian qua, kho Thị Vải còn cấp bù cho các hộ tiêu thụ khác trong mùa cao điểm.
Sản lượng nhập khẩu LNG từ đầu năm đến nay đạt khoảng 320 triệu m3 khí đến nay với giá trị nhập khẩu hơn 3.500 tỷ đồng.
Kế hoạch nhập khẩu tương lai phụ thuộc các hộ tiêu thụ, hiện nay PV GAS đàm phán mua dài hạn 35% sản lượng cho nhà máy Nhơn Trạch 3&4. Nếu có cam kết dài hạn cho nhà máy này thì phần nhập khẩu dài hạn sẽ tiếp tục được PV GAS đàm phán.
Nhóm khách hàng chính là các hộ tiêu thụ điện, đến nay chọn cơ chế nhập khẩu bao gồm có cước phí và lợi nhuận định mức. Nhóm thứ 2 là các khách hàng tiêu thụ công nghiệp, đang xác định công thức giá.
Nhập bao nhiêu chuyến LNG nữa? mức tăng trưởng sản lượng khí như thế nào? Sản lượng cấp khí cho các nhà máy điện ra sao?
Tổng giám đốc Phạm Văn Phong: Về kế hoạch nhập LNG, dự kiến có chuyến hàng vào tháng 6 để tiếp tục phục vụ tiêu thụ các nhà máy điện, phụ thuộc điều kiện thời tiết. Nhiệm vụ quan trọng của Thị Vải là cung cấp cho Nhơn Trạch 3&4, do đó việc nhập khẩu phụ thuộc vào tiến độ dự án này.
Cơ chế giá nhập khẩu phụ thuộc cơ chế giá thế giới. PV GAS hiện là nhà cung cấp khí LNG duy nhất nên có lợi thế đàm phán với các nhà cung cấp, đang tiếp xúc nhiều hộ tiêu thụ và nhà cung cấp (khoản 90% lượng cung cấp trên toàn cầu có thể cung cấp cho Việt Nam).
PV GAS có thay đổi chiến lược nào để thích ứng với bối cảnh mới? Quy hoạch điện VIII có tác động ra sao đến công ty.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Bình: Các Luật và chính sách liên quan đến dầu khí sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh, đây là các điều đang tháo gỡ cho sự phát triển trong dài hạn cho doanh nghiệp.
Những khó khăn về cạnh tranh là hết sức bình thường trong bất kỳ ngành nào, chuyển dịch năng lượng là thách thức cũng là cơ hội, công ty sẽ tập trung chế biến sâu và sản xuất năng lượng xanh, đang có bước chuẩn bị để đợi khi có chính sách để triển khai.
Quy hoạch điện VIII có nhiều nhà đầu tư quan tâm, PV GAS đang bám sát và xem đây là cơ hội khi điện LNG chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu điện, công ty có nhiều cơ hội và có trách nhiệm xây kho cảng LNG.
Sản lượng LPG bao nhiêu? Giá premium cho LPG năm nay bao nhiêu?
CEO Phạm Văn Phong: Tính đến nay hoàn thành 1,2 triệu tấn LPG. Premium đây là bí mật kinh doanh, nhưng với nhà cung cấp nguồn chiếm thị phần 70% nên sẽ có premium tốt nhất tại Việt Nam hiện nay.
PV GAS dự kiến hợp đồng mua bán khí với sản lượng bao nhiêu, phát triển mỏ mới ra sao?
CEO Phạm Văn Phong: Việc giảm sản lượng khí là trong ngắn hạn. Công ty đang có một số dự án đang triển khai và đàm phán các mỏ mới, việc bổ sung các nguồn khí luôn luôn được quan tâm, việc triển khai Lô B Ô Môn cũng là một thành công vừa qua.